Những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn Lâm Đồng được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.
Những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn Lâm Đồng được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Qua đó, tạo bước chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị, nhất là nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, công tác trên vẫn còn một số hạn chế: chất lượng, hiệu quả tuyên truyền chưa cao, nội dung chưa phong phú; triển khai các biện pháp phòng ngừa còn thiếu chiều sâu; các vụ việc, vụ án tham nhũng chủ yếu phát hiện thông qua đơn tố cáo, báo chí nêu hoặc qua công tác thanh tra; việc kiểm tra trong nội bộ chưa được chú trọng; có vụ việc, vụ án chậm xử lý... Nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa thực sự quan tâm đúng mức công tác lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra đôn đốc phòng, chống tham nhũng...
Nhằm khắc phục hạn chế trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Theo đó, yêu cầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, quán triệt và thực hiện nghiêm Kết luận số 10-KL/TW, Chỉ thị số 50-CT/TW, Công văn số 1890-CV/TU ngày 1/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường lãnh đạo công tác kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản và công tác phát hiện, xử lý tham nhũng. Người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ” và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đẩy mạnh hơn nữa việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng. Làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn tố cáo, tin báo liên quan đến tham nhũng; phát huy dân chủ cơ sở, chú trọng tự kiểm tra, tự giám sát, tự phát hiện và xử lý nhằm ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ. Đưa nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trách nhiệm cấp ủy, người đứng đầu về công tác phòng, chống tham nhũng vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm. Làm tốt công tác kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện các kiến nghị của thanh tra, kiểm toán Nhà nước trên địa bàn... Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò giám sát của HĐND, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Có biện pháp bảo vệ an toàn người tố cáo, cung cấp thông tin và kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
LAN HỒ