Nhiều năm qua, huyện Ðức Trọng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước sát với tình hình thực tế của địa phương, qua đó, huy động đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng.
Nhiều năm qua, huyện Ðức Trọng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước sát với tình hình thực tế của địa phương, qua đó, huy động đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Các phong trào thi đua đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
|
Mô hình trồng nấm mèo của chị Nguyễn Thị Tạo (Liên Nghĩa, Đức Trọng) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: T.Vũ |
Theo UBND huyện Đức Trọng, trong năm 2017, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng của huyện đã đổi mới cả về nội dung và hình thức; tiêu chí nội dung thi đua rõ ràng, cụ thể; triển khai sâu rộng đến cán bộ công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân. Các phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trọng điểm của huyện như: Xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển kinh doanh, dịch vụ, giảm nghèo bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cụ thể, trên lĩnh vực kinh tế, tổng diện tích gieo trồng của huyện Đức Trọng thực hiện trong năm 2017 là 50.938,7 ha, đạt 103,15%, có 7.366,7 ha đất sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chủ yếu là tưới phun mưa tự động. Có thể kể đến mô hình tưới nước nhỏ giọt tự động điều khiển bằng điện thoại di động của anh Từ Hữu Chương (nông dân xã Hiệp An) đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Hay như mô hình chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng lúa một vụ sang trồng rau màu cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm của gia đình chị Nguyễn Thị Chín (xã Ninh Loan). Ngoài ra, gia đình chị hiện cũng đang trồng cà chua, chanh dây theo kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao; mô hình trồng nấm mèo và linh chi đỏ của gia đình chị Nguyễn Thị Tạo (thị trấn Liên Nghĩa) cũng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tiếp tục triển khai phong trào thi đua “Đức Trọng chung tay xây dựng nông thôn mới”, các cấp, các ngành và nhân dân địa phương đã tiếp tục đầu tư hoàn thiện các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, hệ thống trường học, thiết chế văn hóa, chợ theo quy hoạch; tiếp tục chỉnh trang khu dân cư, vận động nhân dân và hệ thống chính trị xây dựng tạo không gian xanh - sạch - đẹp theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2017, xã Tà Năng hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 13/14 xã, riêng xã Đa Quyn đạt 16/19 tiêu chí, phấn đấu trong năm 2018 sẽ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, đưa huyện Đức Trọng về đích nông thôn mới trong năm 2018.
Bên cạnh đó, các xã đã về đích nông thôn mới cũng chủ động duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phong trào thi đua phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh, đa dạng hóa ngành nghề nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 của huyện đã đạt 3.460,9 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ.
Theo ông Võ Văn Phương - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, Chủ tịch Hội đồng thi đua - khen thưởng của huyện, cùng với đẩy mạnh các phong trào thi đua trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, Đức Trọng còn chú trọng phát động phong trào thi đua trên lĩnh vực văn hóa - xã hội. Các phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”... được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Song song với đó, huyện chú trọng đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học. Huyện cũng ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho các trường học phấn đấu đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, có 43/70 trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 61,4%, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương.
Huyện cũng kịp thời tôn vinh, biểu dương các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những tập thể, cá nhân chưa thực hiện tốt các phong trào thi đua. Vì vậy, các phong trào thi đua đã có sức lan tỏa, trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy việc thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Năm 2017, kinh tế của huyện tăng trưởng khá, với tốc độ tăng trưởng tăng khoảng 9,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 67 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước tỉnh giao đạt 790,442 tỷ đồng, đạt 127%. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; quốc phòng được tăng cường; hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên… Trong năm 2018, huyện tiếp tục đặt ra một số các chỉ tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng tăng khoảng từ 9%-10%; GRDP tính theo đầu người từ 72-75 triệu đồng; tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 4.400-4.500 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 1,1%, riêng tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 2,74%...
THY VŨ