An ninh mạng - cần thiết phải ban hành luật

08:04, 02/04/2018

Cuộc cách mạng 4.0 đã làm thay đổi thế giới, tác động như vũ bão đến toàn nhân loại, công nghệ thông tin đã được ứng dụng mạnh mẽ vào quản lý Nhà nước. Do đó nhu cầu bảo mật, an toàn thông tin trên mạng là yêu cầu tất yếu. 

Cuộc cách mạng 4.0 đã làm thay đổi thế giới, tác động như vũ bão đến toàn nhân loại, công nghệ thông tin đã được ứng dụng mạnh mẽ vào quản lý Nhà nước. Do đó nhu cầu bảo mật, an toàn thông tin trên mạng là yêu cầu tất yếu. An ninh mạng trở thành vấn đề quan tâm của toàn cầu, tác động mạnh mẽ, toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. 
 
Hội thảo góp ý luật là một hoạt động trọng tâm của Đoàn Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng. Ảnh: N.Thu
Hội thảo góp ý luật là một hoạt động trọng tâm của Đoàn Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng. Ảnh: N.Thu

Nhiều quốc gia đã ban hành các đạo luật, đưa ra các chính sách phát triển công nghệ thông tin, nâng cao năng lực phòng ngừa, phòng thủ, ngăn chặn, tấn công trên không gian mạng nhằm bảo vệ các giá trị, lợi ích, an ninh của đất nước. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó.
 
An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
 
Về sự cần thiết ban hành Luật An ninh mạng theo luật sư Bùi Thanh Long - thành viên Tổ tư vấn pháp luật Đoàn Đại biểu Quốc hội phân tích: Đã có ý kiến không tán thành ban hành Luật An ninh mạng mà đề nghị đưa các nội dung của dự thảo Luật An ninh mạng vào để sửa đổi Luật An ninh quốc gia và Luật An toàn thông tin mạng. Theo chúng tôi thì nếu sửa đổi Luật An ninh quốc gia và Luật An toàn thông tin mạng như vậy là không hợp lý vì không gian mạng là môi trường đặc thù có những yêu cầu, nội dung riêng về công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng trong khi Luật An ninh quốc gia không thể quy định chi tiết, cụ thể đối với công tác quản lý nhà nước trên không gian mạng. Còn Luật An toàn thông tin mạng chủ yếu tập trung điều chỉnh vấn đề bảo vệ an toàn thông tin mạng nhưng chưa quy định đầy đủ, cụ thể các hoạt động liên quan đến không gian mạng. Còn nếu đưa các nội dung của an ninh mạng vào văn bản hướng dẫn thi hành 2 luật trên thì không thể ban hành văn bản dưới luật để điều chỉnh về an ninh mạng vì hoạt động bảo vệ an ninh mạng có liên quan đến quyền con người, quyền công dân… Do vậy, chúng tôi thống nhất là cần thiết phải ban hành Luật An ninh mạng riêng để Quốc hội xem xét thông qua dự thảo luật và đi vào cuộc sống. 
 
Đại diện Học viện Lục quân cũng nhận định: Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu chống phá Việt Nam. Vì vậy, các thế lực thù địch và một số loại tội phạm đã và đang sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước, cơ quan tổ chức và cá nhân. Thực tế Việt Nam chưa có hệ thống các văn bản pháp luật quy định về công tác an ninh mạng; các quy định hiện có về an toàn thông tin mạng chưa tương thích với sự phát triển đó và chưa tạo được sức răn đe ngăn chặn các hành vi vi phạm trên không gian mạng, chưa đáp ứng được nhu cầu bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng là vấn đề cấp thiết cả về lí luận và thực tiễn Việt Nam hiện nay. 
 
Qua nghiên cứu Dự thảo, Học viện Lục quân cho rằng, việc ban hành Luật An ninh mạng là cần thiết. Dự thảo Luật An ninh mạng quy định Điều 32 - Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Điều này chứng tỏ pháp luật Nhà nước rất quan tâm đến việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Tại Điều 32 cần bổ sung nội dung “Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet có trách nhiệm hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, cha mẹ, giáo viên người chăm sóc trẻ em những nội dung, cách thức sử dụng an toàn khi trẻ em tham gia môi trường mạng”.
 
Ông Nguyễn Thành Trì (Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng) góp ý: Tại khoản 1, Điều 32 “Trẻ em có quyền được bảo vệ, quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội, quyền vui chơi, giải trí, quyền bí mật đời sống riêng tư và các quyền trẻ em khác khi tham gia trên môi trường mạng”. Ông góp ý như sau: “Đối với Luật An ninh mạng, luật cần xác định không gian mạng một cách cụ thể. Hành vi nghiêm cấm trẻ em trên mạng cũng cần phải đi đôi với chế tài xử lý vi phạm an ninh mạng”.
 
Luật này quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung, hoạt động, điều kiện bảo đảm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng và có liên quan tới hoạt động bảo vệ an ninh mạng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bảo vệ an ninh mạng là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng.
 
Dự thảo Luật An ninh mạng là vô cùng cần thiết, nhân dân mong chờ Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa và sớm ban hành luật đi vào cuộc sống, tiến tới đảm bảo nguyên tắc tuân thủ hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước. Huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tộc; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, làm thất bại mọi hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; sẵn sàng ngăn chặn các mối đe dọa chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia trên không gian mạng.
 
NGUYỆT THU