Các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông

02:04, 16/04/2018

(LĐ online) - Sáng 16/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics với nội dung bàn về các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. 

(LĐ online) - Sáng 16/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics với nội dung bàn về các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Đầu cầu Lâm Đồng có sự tham gia của lãnh đạo các ngành liên quan dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh. 
 
Đầu cầu Lâm Đồng
Đầu cầu Lâm Đồng

Logistics là một trong những thành tố quan trọng giúp nền kinh tế phát triển. Không chỉ đơn thuần là vận chuyển hàng hóa, logistics là một chuỗi quản trị cung ứng  bao gồm dịch vụ nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, đóng gói bao bì…, đưa hàng hóa từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ.  
 
Ở Việt Nam, logistics là ngành nghề quan trọng với trên 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, chi phí dành cho logistics ở Việt Nam còn quá cao,  chiếm tới 20,9% GDP nhưng chỉ đóng góp 3% GDP theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới. Chi phí dành cho logistics ở Việt Nam còn quá cao do vận tải đa phương tiện chưa phát triển, vận chuyển hàng hóa chủ yếu qua đường bộ, kết nối hệ thống giao thông giữa đường bộ với cảng nội địa, cảng biển, đường sắt, cảng hàng không còn yếu. 
 
Thông tin từ Ngân hàng thế giới cho biết, hàng hóa vận chuyển của Việt Nam tới gần 90% là bằng đường bộ dẫn đến chi phí quá cao so với đường sắt và đường thủy. Hiện Việt Nam cũng chưa có doanh nghiệp logistics mạnh, hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ, hoạt động trong một khâu của chuỗi logistics nên logistics Việt Nam phát triển còn yếu so với tiềm năng. Chi phí dành cho logistics cao dẫn tới hệ quả là giá thành hàng hóa cao, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.  
 
Tham gia hội nghị, các ngành, các hiệp hội đã chỉ ra những khó khăn và đề xuất nhiều giải pháp, trong đó chú trọng việc phát triển giao thông đường thủy, kết hợp chặt chẽ giữa đường thủy nội địa và đường thủy quốc tế, đường thủy và đường sắt. Đường sắt cũng phải chú trọng tới việc kết nối đường sắt quốc tế thông qua đường sắt Trung Quốc. Ngoài ra, việc đào tạo nguồn nhân lực cho logistics cũng cần được chú trọng.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, logistics Việt Nam chưa phát triển đúng tiềm năng và đây là vấn đề cần giải quyết. Các ngành chức năng phải nghiên cứu thay đổi chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp logistics phát triển đồng thời triển khai việc đầu tư hợp lý, đúng quy hoạch, phù hợp với nhu cầu phát triển. Các ngành cần chú trọng tới việc kết nối hạ tầng giao thông sẵn có, kết nối giao thông đường bộ với các cảng sông, cảng biển, hệ thống đường sắt, nhà ga, cảng hàng không. Mục tiêu phải giảm chi phí logistics, giảm giá thành sản xuất, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
 
DIỆP QUỲNH