Kinh nghiệm trong thẩm tra dự thảo nghị quyết HÐND

08:04, 18/04/2018

Việc thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết HÐND là nhiệm vụ rất quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua, việc xây dựng hồ sơ dự thảo nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì, soạn thảo chưa tuân thủ theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật..., rất nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm trong thời gian tới.

Việc thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết HÐND là nhiệm vụ rất quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua, việc xây dựng hồ sơ dự thảo nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì, soạn thảo chưa tuân thủ theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật..., rất nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm trong thời gian tới.
 
Toàn cảnh kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa IX. Ảnh: N.Thu
Toàn cảnh kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa IX. Ảnh: N.Thu

Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương,  HĐND có thẩm quyền quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Để HĐND đảm bảo được thực quyền và nâng cao chất lượng trong các quyết định liên quan đến kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, quốc phòng, an ninh…, hiểu rõ nội dung để thảo luận đưa ra quyết định thì các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp thêm thông tin cần thiết giúp HĐND thảo quyết định các vấn đề sát thực và có tính khả thi. 
 
Tại Lâm Đồng, đã có sự phân công cụ thể trong lãnh đạo chuyên trách của các ban HĐND về việc nghiên cứu hồ sơ dự thảo nghị quyết, khảo sát, đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và chuẩn bị kỹ các nội dung cần chất vấn, phản biện, yêu cầu làm rõ tại buổi thẩm tra, điều hành cuộc họp thẩm tra, xây dựng báo cáo thẩm tra, chỉnh lý dự thảo nghị quyết trước và sau kỳ họp HĐND. 
 
Để làm tốt vấn đề này, thời gian qua, các thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách đã tham gia chất vấn, phản biện để làm rõ các nội dung của dự thảo nghị quyết, nhất là đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau. Từ đó, các báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách và các tờ trình, dự thảo nghị quyết đã được đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp thống nhất, biểu quyết thông qua với tỷ lệ 100%. Kết quả nổi bật của Ban Kinh tế ngân sách - HĐND tỉnh là đã phối hợp tốt với Văn phòng HĐND tỉnh rà soát, hoàn thiện trình Chủ tịch HĐND tỉnh ký chứng thực 17 nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 4 theo quy định. 
 
Tuy nhiên, trao đổi về những tồn tại, hạn chế trong khâu thẩm tra, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho biết: Một số sở, ngành không gửi báo cáo về Ban Kinh tế - Ngân sách hoặc gửi báo cáo không đảm bảo về mặt thời gian đã ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, xây dựng báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách và việc nghiên cứu khảo sát để chuẩn bị các ý kiến tham gia chất vấn, phản biện của các thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách.
 
Mặt khác, việc xây dựng hồ sơ dự thảo nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo chưa tuân thủ theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định 34 của Chính phủ như chưa đảm bảo quy trình xây dựng dự thảo nghị quyết, không đảm bảo thời gian đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tỉnh để các cơ quan góp ý. Chưa tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị quyết. Về thể thức, kỹ thuật trình bày của hầu hết dự thảo nghị quyết đều chưa đảm bảo đúng quy định.
 
Ngoài ra, các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh cũng chưa kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét bổ sung chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh năm 2017. Do vậy, một số chế độ, chính sách chưa được quy định cụ thể để triển khai thực hiện tại địa phương như một số chế độ, chính sách thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo quy định tại Thông tư 15 Bộ Tài chính, hoặc về mức chi thù lao cho người đọc, nghe, xem để kiểm tra báo chí lưu chiểu theo quy định tại Thông tư 81 Bộ Tài chính…
 
Trao đổi với chúng tôi về những việc cần rút kinh nghiệm trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Phương cho biết thêm: Các sở, ngành thuộc lĩnh vực Ban Kinh tế - Ngân sách phụ trách phải thực hiện việc gửi báo cáo đầy đủ, đúng thời gian theo yêu cầu. Các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật phải tuân thủ đúng quy định của luật. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh cần chủ động hơn trong việc nghiên cứu, cập nhật các văn bản đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ban hành để kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét bổ sung chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh nhằm đảm bảo chế độ, chính sách được quy định cụ thể và triển khai thực hiện kịp thời tại địa phương.
 
Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động xây dựng pháp luật đã dần xác lập được một quy trình tương đối khoa học, hợp lí, đồng bộ về thủ tục, quy trình soạn thảo,… Văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật luôn giữ vai trò nền tảng quan trọng. Vì là bước cuối cùng nên hoạt động thẩm định, thẩm tra giúp các VBQPPL đảm bảo được tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất đồng bộ và khả thi của dự thảo VBQPPL. Để từ đó, duy trì được trật tự quản lí nhà nước, góp phần bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân trong tổ chức xã hội.
 
NGUYỆT THU