Lạc Dương: Tạo nguồn phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số

08:04, 17/04/2018

Trong câu chuyện bàn về công tác xây dựng Ðảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Lạc Dương, đồng chí Trần Công Chánh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Ðây là vấn đề đã được Huyện ủy thực hiện khá tốt bằng nhiều giải pháp, nhất là từ khi có Nghị quyết số 10 của Huyện ủy về công tác xây dựng Ðảng. 

Trong câu chuyện bàn về công tác xây dựng Ðảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Lạc Dương, đồng chí Trần Công Chánh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Ðây là vấn đề đã được Huyện ủy thực hiện khá tốt bằng nhiều giải pháp, nhất là từ khi có Nghị quyết số 10 của Huyện ủy về công tác xây dựng Ðảng. Từ thực tiễn, huyện đã có thêm một giải pháp mới - giải pháp tạo nguồn phát triển đảng viên từ đội ngũ những người có uy tín…
 
Kră Jăn Mơ. Ảnh: V.Tòa
Kră Jăn Mơ. Ảnh: V.Tòa

Từ chuyện của Kră Jăn Mơ
 
Quan điểm của Thường trực Huyện ủy Lạc Dương, sắp tới tạo nguồn cho Ðảng từ những người có uy tín sẽ mở rộng đối tượng, phải có thêm những người có uy tín là người đồng bào dân tộc thiểu số ở các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, nghề nghiệp, nhất là trong tổ chức đoàn thanh niên, phụ nữ để từng bước làm chuyển biến nhận thức rằng người có uy tín không chỉ ở những người cuối tuổi trung niên, mà bất kể tuổi nào, bất kể đàn ông, phụ nữ, nếu thực sự có uy tín đối với đồng bào, được đồng bào bầu chọn thì đều được công nhận là người có uy tín và đều là nguồn cho phát triển Ðảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn huyện…
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lạc Dương Trần Công Chánh
Theo lời giới thiệu của Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trần Công Chánh, tôi tìm đến nhà Kră Jăn Mơ, người có uy tín nhiều năm liền ở thị trấn Lạc Dương, được kết nạp Đảng chưa tròn 2 năm. Ngôi nhà của Kră Jăn Mơ khá to, rộng gần 1.000 mét vuông. Phía trước được thiết kế theo kiểu bán biệt thự, phía sau tường xây bao, mái che với những vật dụng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên. Đây là nơi Kră Jăn Mơ làm điểm giao lưu văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, phục vụ các đoàn khách du lịch…
 
Tiếp tôi, Kră Jăn Mơ niềm nở kể nhiều về quá trình phấn đấu của mình trước khi được kết nạp Đảng. Năm nay, Kră Jăn Mơ đã 57 tuổi; ba mươi sáu năm trước, Kră Jăn Mơ từng làm việc ở xã Lát, rồi được điều động sang công tác tại xã Đam Rông (nay là huyện Đam Rông). Ít năm sau, Kră Jăn Mơ lại được điều động ngược về xã Lát (nay là thị trấn Lạc Dương) với chức vụ Phó Công an xã… Sau 28 năm làm cán bộ, năm 2010, Kră Jăn Mơ xin được nghỉ để trở về chăm chút với cái nghề từ thuở cha sanh mẹ đẻ: nghề nông, và tham gia công tác thôn với vai trò là tổ trưởng dân phố, phụ trách công tác mặt trận… Không việc nào mà Kră Jăn Mơ làm không tốt, trên giao việc gì, Kră Jăn Mơ thực hiện khá chu toàn việc ấy. Uy tín nhất của Kră Jăn Mơ là giải quyết các vấn đề của dân, giải thích chủ trương, chính sách; hòa giải; vận động thuyết phục, trong đó nổi bật nhất là công tác vận động bà con hiến hàng ngàn mét vuông đất để huyện chỉnh trang đô thị, mở đường, xây dựng bộ mặt thị trấn Lạc Dương khang trang, rộng đẹp như ngày hôm nay… Kră Jăn Mơ nói dân nghe; dân phản ánh, thắc mắc Kră Jăn Mơ tận tình giải thích. Năm 2013, Kră Jăn Mơ là một trong số 8 người được bà con bầu chọn là người có uy tín của thị trấn. Từ đó đến nay, năm nào Kră Jăn Mơ cũng được bầu chọn là người có uy tín. Ngày 1/7/2016, Kră Jăn Mơ vinh dự được kết nạp Đảng dù tuổi đời của Kră Jăn Mơ lúc bấy giờ đã bước sang tuổi ngũ tuần.
 
Kră Jăn Mơ thấy thế nào nếu Đảng quan tâm kết nạp người có uy tín trong đồng bào của mình vào Đảng? Tôi hỏi.
 
Mình thấy điều đó là quá tốt vì đồng bào mình nghĩ đảng viên là người giỏi, có uy tín... Với bà con, người có uy tín là người cái gì cũng phải hơn họ; phải sản xuất giỏi, biết tính toán làm ăn, đời sống khá hơn, có trình độ hơn… Bà con nhìn vào người có uy tín để làm theo, vì vậy người có uy tín cái gì cũng phải đi trước, làm trước. Quan trọng nữa, người có uy tín là người phải am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào, hiểu biết về bản sắc văn hóa, hiểu biết xã hội nữa…
 
Cái uy của những người có uy tín
 
Có thể nói công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lạc Dương được chú trọng thông qua từng nhóm người trong cộng đồng, gồm: Nhóm già làng, trưởng thôn, trưởng bản, trưởng họ; nhóm chức sắc, chức việc các tôn giáo. Kết quả đạt được khá mỹ mãn trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp  luật của Nhà nước; định hướng đồng bào tập trung phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đội ngũ những người uy tín, Đảng, Nhà nước nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm của bà con, biết bà con làm gì, nghĩ gì về Đảng, Nhà nước để rồi có những điều chỉnh phù hợp trong công tác điều hành, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn trật tự, quốc phòng - an ninh ở địa phương.
 
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lạc Dương khẳng định: Đội ngũ những người có uy tín đã góp phần giúp Lạc Dương thoát nghèo trở thành huyện đang phát triển, với mức thu nhập bình quân tăng hơn 10 lần so với cách đây 10 năm, từ 3,2 triệu đồng/người/năm lên trên 35 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách 10 năm trước dù cố gắng đến mấy, Lạc Dương cũng chỉ đạt 3,9 tỷ đồng, nay đã vượt qua con số trên 100 tỷ đồng. Đây là điều mà lãnh đạo và nhân dân trong huyện chưa từng nghĩ. Sự lan tỏa và cái uy của người có uy tín là thế nhưng việc tạo nguồn phát triển Đảng từ đội ngũ này thì chưa được nghĩ tới. 
 
Mặc dù huyện ủy đã có nghị quyết chuyên đề về xây dựng, phát triển Đảng nhưng việc tạo nguồn cho Đảng từ đội ngũ người có uy tín thì mới chỉ được phát hiện trong quá trình thực hiện nghị quyết. Đảng bộ huyện Lạc Dương hiện có 1.264 đảng viên, trong đó 313 đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong số đảng viên người đồng bào dân tộc, tỷ lệ người có uy tín được kết nạp còn khá ít. Năm 2017, Đảng bộ huyện kết nạp 32 đảng viên người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 24,37% tổng số đảng viên được kết nạp, tăng 8% so với trước. Số người có uy tín được bồi dưỡng, kết nạp trong năm tuy chưa được là bao nhưng đó là kết quả bước đầu về một nhận thức mới của Đảng bộ huyện trong việc tạo nguồn cho Đảng từ đội ngũ người có uy tín…
 
Hiện nay, toàn huyện có 31 người có uy tín, trẻ nhất là 40 tuổi, số còn lại đa số trong độ tuổi trên dưới 50, đây sẽ trở thành nguồn cho Đảng. Phó Bí thư Huyện ủy Trần Công Chánh nhấn mạnh: Người có uy tín được cộng đồng trọng nể, tiếng nói của họ có ảnh hưởng rất lớn đối với cộng đồng dân cư. Họ là nhịp cầu quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào; có khả năng vận dụng những phong tục tập quán để giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trong đời sống cộng đồng. Trong công tác đảm bảo an ninh Tổ quốc, tiếng nói của họ có tác động rất lớn trong tuyên truyền, vận động đồng bào mà trước hết là con cháu họ không vi phạm pháp luật, tham gia tốt phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần giữ gìn trật tự, an ninh thôn, bản. Trong phát triển kinh tế, họ là người sản xuất giỏi và có cuộc sống khá ổn định, không ít người giàu có. Đây cũng là những yếu tố rất cần thiết cho công tác phát triển đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số… 
 
Dù chưa cấu thành yếu tố giải pháp ghi vào nghị quyết, nhưng qua thực tiễn phát triển Đảng từ những người có uy tín, Huyện ủy Lạc Dương đã hé mở một giải pháp mới khá căn cơ, lâu dài trong công tác xây dựng Đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số không riêng gì cho huyện Lạc Dương mà còn cho cả tỉnh, thậm chí cả nước…
 
VĂN TÒA