(LĐ online) - Sáng 24/4, hội nghị cán bộ chủ chốt trực tuyến toàn tỉnh tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban chấp hành trung ương đảng (khóa IX) về công tác dân tộc.
(LĐ online) - Sáng 24/4, hội nghị cán bộ chủ chốt trực tuyến toàn tỉnh tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng; Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
|
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UV BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy kết luận tại hội nghị |
Theo báo cáo tại hội nghị, trước khi thực hiện Nghị quyết tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 24% (theo tiêu chí mới), còn nhiều hộ đói giáp hạt; nhiều xã chưa có trường học, trạm y tế và bác sĩ; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em trên 30%, dịch bệnh thường xuyên xảy ra; giao thông đến trung tâm nhiều xã còn khó khăn; tỷ lệ hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số dùng nước hợp vệ sinh dưới 50%, tỷ lệ dùng điện dưới 60%... Trong 15 năm thực hiện Nghị quyết, Lâm Đồng đã tập trung đầu tư toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, tổng vốn đầu tư chương trình 135 trên 907 tỷ đồng, chương trình 134 tổng vốn đầu tư trên 78 tỷ đồng, chương trình cho vay vốn với 447 tỷ đồng, giải quyết cho trên 24 ngàn hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất...
Đến cuối 2017, số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 12,2%, không còn hộ đói; 100% số xã có điện lưới quốc gia, trên 70% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được dùng điện; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được cả hai mùa khô và mùa mưa; nhiều xã vùng sâu, vùng xa đã có đường bê tông nhựa... Tự do tín ngưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo; giáo dục và đào tạo có sự chuyển biến tiến bộ; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, mở rộng. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh...
Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra như công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo bình quân còn ở mức cao; việc xác định cơ cấu cây trồng để hỗ trợ phát triển sản xuất một số địa phương còn lúng túng; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; kinh tế tập thể chưa phát triển, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế…Trình độ canh tác trong vùng dân tộc thiểu số còn thấp, lạc hậu. Thu nhập bình quân đầu người trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp. Nguồn vốn đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số còn dàn trải, chưa tập trung, hiệu quả đầu tư chưa cao. Cơ cấu vốn đầu tư chưa hợp lý, chủ yếu là dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng, nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho sản xuất ít, dẫn đến sản xuất chậm phát triển, thu nhập thấp. ..
Tại các đầu cầu đã có 9 ý kiến tham luận, phát biểu liên quan đến công tác dân tộc cụ thể tại các địa phương.
|
Toàn cảnh hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt khẳng định, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24, so với cả vùng Tây Nguyên thì kết quả của Lâm Đồng là sự nỗ lực lớn, đáng ghi nhận. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề phải đặt ra như tỷ lệ giảm nghèo chưa bền vững, vấn đề giải quyết đất sản xuất cho bà con vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, các nguồn đầu tư vào vùng DTTS chưa đồng bộ. Công tác đào tạo cán bộ người DTTS chưa đạt được như kỳ vọng… Các đơn vị liên quan, các địa phương cần vào cuộc sâu sát hơn nữa để tìm ra hướng giải quyết, phải đi đến cốt lõi của các vấn đề để thực sự nâng cao đời sống cho bà con và phát triển toàn diện bền vững vùng đồng bào DTTS.
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24… Về nhiệm vụ sắp tới, Tỉnh ủy sẽ ban hành nghị quyết về công tác dân tộc. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh một số nhiệm vụ: Tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, chủ trương chính sách của Nhà nước, của tỉnh về công tác dân tộc. Cần xác định mục tiêu cụ thể có tính khả thi thiết thực trong vùng đồng bào DTTS đến năm 2025. Rà soát lại các dự án đầu tư vào vùng DTTS để có sự điều chỉnh đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư giàn trải. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS theo các tiêu chí xây dựng NTM phù hợp với đặc điểm dân cư tại khu vực đó. Giải quyết dứt điểm vấn đề thiếu đất sản xuất, quay về làng cũ của bà con DTTS. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội cần có biện pháp thực hiện phù hợp đảm bảo tính hiệu quả và bền vững. Cần đổi mới nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để đảm bảo an ninh trật tự trong vùng đồng bào DTTS. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng để đảm bảo khối đại đoàn kết dân tộc, ngăn chặn các âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Tăng cường công tác xây dựng Đảng xây dựng chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra góp phần xây dựng và phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS. Cả hệ thống chính trị quyết tâm thu hẹp khoảng cách giữa vùng đồng bào DTTS với các vùng khác.
N. Ngà