Nỗ lực phát triển Ðảng ở vùng đất khó

09:04, 20/04/2018

Trước đây, Ðầm Ròn là khu vực vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Lạc Dương và hiện là vùng khó thuộc huyện Ðam Rông. Do đặc thù về tình hình chính trị, trật tự xã hội nên tổ chức Ðảng ở khu vực Ðầm Ròn hình thành non trẻ hơn so với nhiều vùng khác trong huyện...

Trước đây, Ðầm Ròn là khu vực vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Lạc Dương và hiện là vùng khó thuộc huyện Ðam Rông. Do đặc thù về tình hình chính trị, trật tự xã hội nên tổ chức Ðảng ở khu vực Ðầm Ròn hình thành non trẻ hơn so với nhiều vùng khác trong huyện. Mặc dù chưa ngang bằng với nhiều địa bàn khác, song so với chính Ðầm Ròn của 13 năm về trước thì sự phát triển tổ chức Ðảng và đảng viên ở vùng này là một chuyển biến mạnh mẽ bên dòng Krông Nô.
 
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng dâu nuôi tằm là một trong những hướng đi đúng góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương ở Đạ Mrông. Ảnh: N.Ngà
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng dâu nuôi tằm là một trong những hướng đi đúng góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương ở Đạ Mrông. Ảnh: N.Ngà

Ghi dấu buổi đầu
 
Về với Đầm Ròn, chúng tôi tìm nghe những câu chuyện từ năm 1979, thời điểm vùng đất này được tách làm 3 xã Đạ Mrông, Đạ Tông, Đạ Long. Đó là những tháng năm mà cả 3 xã cái đói, cái nghèo cứ quẩn quanh, chính trị xã hội có nhiều yếu tố bất ổn; đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu thốn, chắp vá, lực lượng đảng viên quá mỏng, công tác xây dựng tổ chức Đảng gần như bắt đầu từ con số 0.
 
Ông Nguyễn Hoàng Mai - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Mrông và người tiền nhiệm là ông Păng Ting Ha Soanh, hiện là Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam huyện Đam Rông kể rằng: Sau khi chia tách, 3 xã lúc đó vẫn thuộc huyện Lạc Dương. Đạ Mrông khởi đầu với chi bộ có 6 đảng viên; trong đó, có duy nhất đảng viên Lơ Mu Ha Krang là người dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ được kết nạp Đảng lúc tham gia làm các nhiệm vụ cách mạng trong rừng; 5 đảng viên còn lại được tăng cường từ huyện vào. Địa bàn xa xôi cách trở, lực lượng mỏng, “khó chồng khó” đè nặng lên vai lực lượng cán bộ đảng viên ít ỏi ấy. Chính vì vậy, các đảng viên phải vừa tập trung xây dựng củng cố bộ máy chính quyền, vừa nhanh chóng phát hiện, tạo nguồn bồi dưỡng để tăng cường lực lượng cho Đảng. Nhờ làm tốt công tác tạo nguồn phát triển đảng viên tại chỗ là người đồng bào DTTS, đến năm 1991, Đạ Mrông đã kết nạp thêm được 23 quần chúng ưu tú vào Đảng và xin được thành lập Đảng bộ xã với 29 đảng viên. 
 
Như anh em cùng mẹ sinh ra, Đạ Long những ngày đầu cũng không khá hơn Đạ Mrông là mấy. Trong lời kể của ông Dơng Gur Ha Jak - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Long, người trực tiếp đi qua suốt chặng dài những thăng trầm của xã này nói: Thời điểm mới tách xã, Đạ Long có 5 đảng viên đều là những cán bộ được tăng cường từ ngoài huyện Lạc Dương vào. Lúc đó, lực lượng đảng viên tăng cường vào lần lượt đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong xã, bắt tay vào giúp bà con xây dựng cuộc sống. Đến năm 1982, thế hệ đảng viên tại chỗ đầu tiên của Đạ Long được kết nạp gồm ông Cil Glê và ông Rơ Ông Ha Biên. Đây là những cá nhân làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con chí thú làm ăn không nghe kẻ xấu dụ dỗ. Họ cũng là những người đi đầu trong việc chuyển từ làm lúa rẫy sang làm lúa nước. Tiếp đó, đến năm 1984, là dấu mốc quan trọng của xã này khi mà có 6 đảng viên tại chỗ được kết nạp. Bí thư Dơng Gur Ha Jak cũng là một trong số những người được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng thời điểm đó. 
 
Ông Cil Glê từng là Chủ tịch xã Đạ Long vẫn nhớ thời điểm cán bộ tăng cường được rút về dần, những đảng viên mới nhận thức rõ trách nhiệm của mình bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, còn sát cánh với bà con trong làm kinh tế như “người đầy tớ trung thành của nhân dân” và dần đảm nhận các vị trí quan trọng. Đến năm 1990, khi rút hết cán bộ tăng cường, Đạ Long phát triển thêm được 6 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong chi bộ lên 12 đồng chí. Tất cả đều là người DTTS tại chỗ. Với sự hỗ trợ đắc lực từ các thôn, buôn và lực lượng người có uy tín trong việc giới thiệu nguồn bồi dưỡng kết nạp, đến năm 2003, Đạ Long thành lập được Đảng bộ với 31 đảng viên. 
 
Còn câu chuyện của ông Kơ Dơng Ha En - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông cũng quay về mốc thời gian như hai xã bên cạnh. Nhưng Đạ Tông có lẽ là xã thuận lợi hơn khi ngay từ đầu đã có hai đảng viên tại chỗ là ông Phi Sronh Ha Văn và ông Kơ Să Ha Đời. Hai đảng viên tại chỗ đã hỗ trợ đắc lực cho hai đảng viên được tăng cường vào. “4 đảng viên như tứ trụ” thời điểm đó gần như gánh vác hết mọi nhiệm vụ trong xã. Tuy nhiên, tại Đạ Tông, việc phát triển đảng viên thời điểm đó có nhiều thuận lợi hơn, đến năm 1984 đã có 15 đảng viên, trong đó 13 người là DTTS. Đó cũng là khi lực lượng này đã tự mình đảm đương được nhiệm vụ. Và Đảng bộ xã Đạ Tông chính thức được thành lập vào năm 2003 khi tổng số đảng viên trong toàn xã vừa tròn 30 đồng chí. 
 
Nỗ lực mạnh mẽ 
 
Theo ông Trần Thanh Ba - Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đam Rông: Ba xã Đầm Ròn được sát nhập cùng với 5 xã thuộc huyện Lâm Hà để thành lập huyện Đam Rông vào đầu năm 2005. Ba xã về với Đam Rông khi mỗi xã đều có trên 30 đảng viên, đó thực sự là điều kiện thuận lợi cho Đam Rông trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. 
 
Ðầm Ròn là khu vực đặc thù, bởi vậy việc phát triển đảng viên và gây dựng TCCS đảng là một trong những điều kiện tiên quyết cho khu vực này ổn định và tiến lên kịp các vùng khác.
 
Theo ông Nguyễn Hoàng Mai: “Trong thực hiện tất cả các nhiệm vụ, vấn đề con người luôn mang tính chất quyết định, bởi vậy, việc tăng cường sức mạnh cho đội ngũ đảng viên để xây dựng vững chắc nhịp cầu giữa Đảng, chính quyền địa phương với bà con nhân dân là nhiệm vụ thiết yếu hàng đầu, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”. Theo đó, Đảng ủy xã Đạ Mrông đã ban hành các nghị quyết chuyên đề cũng như tập trung thực hiện nội dung này trong công tác xây dựng Đảng. 
 
Từ 2005 đến nay, với sự cố gắng bằng nội lực của các xã và sự tác động từ ngoại lực của huyện, Đạ Long có 114 đảng viên, Đạ Tông có 129 đảng viên và Đạ Mrông có 115 đảng viên. Trong kế hoạch phát triển Đảng, các địa phương luôn chú trọng phát triển đảng viên nông thôn là người DTTS để tiếng nói của Đảng đến gần hơn với nhân dân, mối quan hệ đoàn kết giữa đảng viên với già làng, người có uy tín, chức sắc tôn giáo ngày càng chặt chẽ, làm rường cột cho các phong trào quần chúng ở nông thôn, từ đó tạo đà cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, an ninh trật tự xã hội được đảm bảo. Tỷ lệ đảng viên người DTTS tại Đạ Long và Đạ Mrông chiếm trên 70%, tại Đạ Tông chiếm trên 64%. Nhiều chi bộ nông thôn 100% đảng viên là người DTTS. “So với chính Đầm Ròn những ngày đầu thì con số này là cả sự nỗ lực mạnh mẽ”, Phó Ban Tổ chức Huyện ủy khẳng định.
 
Còn đó những khó khăn
 
Tuy nhiên, hiện tại, cả 3 xã Đầm Ròn đang rơi vào tình trạng “cạn nguồn” kết nạp Đảng. Ngoài lý do “truyền thống” như vướng lý lịch, trình độ, sinh con thứ 3, hiện nay do sự chuyển dịch các thị trường lao động dẫn tới việc nhiều người trẻ có tư tưởng “thích đi thành phố kiếm tiền hơn ở nhà làm kinh tế và cống hiến cho địa phương”. Ngoài ra, vẫn còn tư tưởng “Vào Đảng để làm cán bộ” nên rất khó cho các đảng ủy xã trong việc tạo nguồn phát triển đảng. Đó cũng là lý do liên tục nhiều năm liền từ 2015 - 2017, Đạ Tông và Đạ Long có số lượng đảng viên mới được kết nạp luôn thấp hơn nghị quyết đề ra.
 
Vẫn còn rất nhiều bài toán khó trên mảnh đất Đầm Ròn mà đòi hỏi những người đứng đầu và cả hệ thống chính trị ở đó chung tay giải quyết. Bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức cho bà con, việc tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế là một trong những điều cần thiết giúp thay đổi nhận thức và níu giữ bà con ở lại làm giàu ở địa phương. Hơn hết “bà con mình cái gì cũng phải mắt thấy tai nghe nên đảng viên phải gương mẫu đi đầu, làm trước. Có thế bà con mới đặt trọn niềm tin mà làm theo, mà đứng vào hàng ngũ của Đảng được”, Bí thư Đảng ủy xã Đạ Long, Dơng Gur Ha Jak quả quyết. 
 
NGỌC NGÀ