5/6 xã, thị trấn thuộc huyện Lạc Dương có người đứng đầu là cán bộ chủ chốt được luân chuyển, tăng cường từ huyện vào. Việc lựa chọn, sắp xếp, thay đổi người đứng đầu tại các vị trí này đã góp phần tạo làn gió mới trong thực hiện nhiệm vụ của các địa phương.
5/6 xã, thị trấn thuộc huyện Lạc Dương có người đứng đầu là cán bộ chủ chốt được luân chuyển, tăng cường từ huyện vào. Việc lựa chọn, sắp xếp, thay đổi người đứng đầu tại các vị trí này đã góp phần tạo làn gió mới trong thực hiện nhiệm vụ của các địa phương.
|
Với sự lãnh đạo đúng đắn của địa phương, góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Trong ảnh: Bà con DTTS ở Đa Sar đã dần quen với việc đầu tư sản xuất rau thương phẩm. Ảnh: H.My |
Nâng cao chất lượng cán bộ trên “nền” Chỉ thị 05
Thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lạc Dương đã triển khai chuyên đề năm 2017 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, đến cán bộ các cấp trong huyện. “Trong nội dung rộng lớn của Chỉ thị, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tham mưu Thường trực Huyện ủy xác định nội dung trọng tâm để triển khai. Cụ thể về nâng cao chất lượng cán bộ” - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lạc Dương Vũ Thị Hanh cho biết.
Theo đó, Huyện ủy Lạc Dương đã ban hành những nội dung cụ thể để các tổ chức cơ sở đảng, các cơ quan, đơn vị thực hiện. Trong đó nhấn mạnh tới việc đăng ký những việc làm cụ thể phù hợp với nhiệm vụ công tác. “Khi thực hiện Chỉ thị 05 không thể tránh khỏi những khó khăn ban đầu, nhưng với sự chỉ đạo toàn diện của Ban Thường vụ Huyện ủy đã tạo ra những chuyển biến rõ nét trong cán bộ, đảng viên từ những việc làm cụ thể. Đơn cử như giờ giấc làm việc, họp hành trong cán bộ đã nghiêm túc hơn. Tuyệt đối không có tình trạng cán bộ la cà quán cà phê trong giờ hành chính hay uống rượu buổi trưa. Bên cạnh đó, ngoài việc chào cờ đầu tuần tại cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên còn tham gia chào cờ ngay tại nơi cư trú, điều này đã tạo sức lan tỏa rất lớn trong nhân dân. Đây cũng là cách để cán bộ nắm chắc tình hình quần chúng tại các địa phương, từ đó hỗ trợ rất lớn trong công tác chuyên môn đối với việc giải quyết các vấn đề trong nhân dân”.
Việc nâng cao đạo đức cán bộ năm 2017 đã tạo nhiều thuận lợi cho năm 2018 khi triển khai thực hiện Chỉ thị 05 với chủ đề “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Việc chú trọng xây dựng chuẩn mực người đứng đầu như trở thành động lực mạnh mẽ đòi hỏi lãnh đạo các địa phương phải có hành động cụ thể trong việc thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển.
Cán bộ là gốc của mọi việc
Nói về sự chuyển biến trong hoạt động của người đứng đầu các địa phương trên địa bàn huyện Lạc Dương, đồng chí Trần Công Chánh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lạc Dương khẳng định: “Thời gian qua, công tác điều động, luân chuyển cán bộ đã được Ban Thường vụ Huyện ủy bắt tay vào thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, công tác cán bộ không phải là chuyện nói là làm ngay mà cần quá trình nghiên cứu lâu dài. Từ 2015 công tác này đã bắt đầu có chuyển động. Cùng với đó là việc thực hiện Chỉ thị 05 đã tạo nên những chuyển biến rõ nét, nhất là với vị trí người đứng đầu”.
Đến nay, ở Lạc Dương, các xã Đa Sar, xã Lát, Đa Chais, Đưng K’Nớ và thị trấn đều có cán bộ chủ chốt được tăng cường về đảm nhiệm cương vị bí thư hoặc chủ tịch. Riêng Đa Nhim là sự cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng từ chính cơ sở. Trước đây, bộ máy cán bộ xã hoạt động còn cầm chừng, sau này với dàn lãnh đạo trẻ, có trình độ, được luân chuyển về đã thay đổi lề lối làm việc, năng động, tích cực hơn. Hiệu quả tiếp cận và giải quyết công việc tại các địa phương có chuyển biến rõ nét.
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, muốn tập thể cán bộ từng địa phương đoàn kết, đồng lòng thì sự công tâm, nhiệt huyết của người đứng đầu là yếu tố tác động mạnh mẽ. Bởi “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, người đứng đầu muốn lãnh đạo được tập thể trước hết phải gương mẫu, nói được làm được. Cùng với đó việc người đứng đầu có năng lực, trình độ chuyên môn đã tác động mạnh vào việc đổi mới phương thức lãnh đạo ở xã từ những việc làm cụ thể.
Ghi nhận cụ thể tại xã Đa Nhim, Đảng ủy xã đã thực hiện phương án đưa cán bộ xã về đảm nhiệm bí thư chi bộ tại các thôn. Đồng chí Tạ Đức Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Hiện tại, Đa Nhim không có chi bộ cơ quan, các đảng viên đều về sinh hoạt tại các chi bộ thôn nơi mình sinh sống. Tại 5/5 thôn của xã, vị trí bí thư chi bộ thôn đều do cán bộ xã đảm nhận. Trong đó, có một số cán bộ nòng cốt như Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND xã… Tất cả các cán bộ đều sinh sống ngay trên địa bàn thôn nên thuận lợi trong công tác. Đồng thời, nhận được sự ủng hộ của các đảng viên và nhân dân trong thôn, bước đầu đã đáp ứng yêu cầu thực tế ở địa phương. Vừa là cán bộ nòng cốt của xã, vừa là bí thư chi bộ các thôn, các đồng chí này đều gánh vác trọn vẹn cả hai vai, hoàn thành tốt các nhiệm vụ”. Phó Bí thư Đảng ủy xã Đa Nhim Kơ Să K’Kim nói thêm: “Không chỉ chuyển biến ở cấp thôn mà ngay tại cấp xã, giờ giấc, trách nhiệm, hiệu quả trong công việc của Bí thư Đảng ủy đã tác động rất lớn để anh em noi theo. Cùng với đó là sự phân công công việc hợp lý, kiểm tra hiệu quả công việc chặt chẽ, những hạn chế sẽ được phê bình công khai trong cuộc họp nên cấp dưới không ai dám lơ là, hiệu quả cao hơn hẳn”. Còn tại Đưng K’Nớ, giờ giấc làm việc của cán bộ được thắt chặt hơn so với trước đây, nên các vấn đề của người dân được giải quyết kịp thời. “Bà con giờ chẳng cần phải ra huyện để ý kiến như trước đây nữa”, ông Bon Niêng Ha Sào, người dân Thôn 1, xã Đưng K’Nớ khẳng định.
Việc các xã nghèo như Đa Sar, Đa Nhim về đích nông thôn mới, bộ mặt kinh tế - xã hội của thị trấn, xã Lát, Đa Chais, Đưng K’Nớ có nhiều chuyển biến chứng tỏ phần nào những tín hiệu vui trong chất lượng cán bộ tại địa phương, nhất là người đứng đầu.
HOÀNG MY