Lâm Đồng có 70.655 hộ với trên 314.100 người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 24,1% dân số toàn tỉnh; trong đó đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên 39.792 hộ với hơn 196.060 người, chiếm 15%; có 66 xã và 468 thôn có trên 20% đồng bào DTTS sinh sống; có nhiều thôn, buôn, xã có đồng bào DTTS chiếm trên 80%.
Lâm Đồng có 70.655 hộ với trên 314.100 người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 24,1% dân số toàn tỉnh; trong đó đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên 39.792 hộ với hơn 196.060 người, chiếm 15%; có 66 xã và 468 thôn có trên 20% đồng bào DTTS sinh sống; có nhiều thôn, buôn, xã có đồng bào DTTS chiếm trên 80%. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn khoảng 3,9%; riêng hộ nghèo đồng bào DTTS 12,2%. Năm 2017, còn 8 xã khu vực III và 116 thôn đặc biệt khó khăn của 62 xã khu vực II thuộc diện đầu tư theo Chương trình 135 của Chính phủ.
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của BCHTW Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc, diện mạo vùng đồng bào DTTS đã có bước thay đổi khá toàn diện, kinh tế có bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; đồng bào biết ứng dụng KHKT vào sản xuất; từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu... Cùng với đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành hữu quan đã chú trọng công tác xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh; nhất là công tác củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS.
Từ tháng 10/2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về đào tạo, nâng cao và phát huy nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, tỉnh quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ người đồng bào DTTS để bố trí, sử dụng vào các cơ quan Đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở. Từng bước xây dựng lực lượng trở thành cán bộ chủ chốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý ở vùng đồng bào DTTS. Năm 2003, toàn tỉnh có 1.226 cán bộ, công chức là người DTTS. Đến nay, tổng số công chức, viên chức người DTTS lên tới 2.629/31.558 người, chiếm tỷ lệ 8,33% tổng số cán bộ, công chức. Hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố, chất lượng tổ chức cơ sở đảng ở thôn, buôn được nâng cao; kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, những khó khăn của đồng bào DTTS để đề xuất các ngành, các cấp giải quyết. Đến nay, toàn tỉnh có 4.480 đảng viên là đồng bào DTTS. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm phát triển đoàn viên, hội viên. Hiện nay, có 98.146 đoàn viên, hội viên; toàn tỉnh có 1.627 Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp là người DTTS; trong đó, cấp tỉnh 12 người, cấp huyện 166 người, cấp xã 1.449 người. Tỉnh quan tâm lựa chọn, bồi dưỡng và phát huy vai trò của già làng, người có uy tín và nhân sĩ, trí thức; đã xây dựng được 489 người có uy tín cốt cán trong vùng đồng bào DTTS.
Tuy đạt một số kết quả quan trọng, song nhìn chung công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá sử dụng cán bộ, công chức DTTS còn bất cập. Số cán bộ, công chức DTTS công tác ở các cơ quan Đảng, chính quyền, các sở, ngành, các phòng ban cấp huyện còn thấp so với quy định. Một số huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống nhưng số cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính, sự nghiệp công lập ở huyện và cấp xã còn ít, chưa tương xứng với tỷ lệ người DTTS tại địa phương. Một số đơn vị không có cán bộ lãnh đạo, quản lý là người DTTS. Số lượng học sinh DTTS đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp chưa có việc làm vẫn nhiều. Bên cạnh đó, còn hạn chế cần sớm khắc phục là công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS tuy được tăng cường nhưng vẫn còn bất cập. Công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời. Việc đổi mới nội dung, phương thức của công tác dân tộc hiệu quả chưa cao, thiếu chiều sâu, có nhiều nhiệm vụ còn lúng túng; chưa nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhất là đồng bào DTTS.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, thời gian tới, hệ thống chính trị các cấp phải phát huy dân chủ cơ sở, giải quyết kịp thời những bức xúc của đồng bào. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, phát huy ý thức tự giác trong đời sống và phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS; bồi dưỡng lực lượng cốt cán, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng DTTS. Tập trung nguồn lực đầu tư, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào DTTS.
LAN HỒ