Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược đông - xuân 1953 - 1954, là thắng lợi to lớn nhất của quân đội và nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; tạo một bước ngoặt quan trọng trên con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, buộc Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược đông - xuân 1953 - 1954, là thắng lợi to lớn nhất của quân đội và nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; tạo một bước ngoặt quan trọng trên con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, buộc Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam; miền Bắc được giải phóng, bắt tay vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo cơ sở, hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.
Thời gian cứ lùi xa, nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam; là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ, động viên to lớn, đồng thời để lại nhiều bài học quý giá đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong rất nhiều bài học rút ra từ chiến thắng Điện Biên Phủ, bài viết này chỉ đề cập đến vấn đề ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc của các bài học như: bài học về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; bài học về phát huy tinh thần thực tiễn, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân và bài học về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bài học đầu tiên và quan trọng nhất phải kể đến là bài học về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ có đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến và trường kỳ kháng chiến, với khẩu hiệu “Tất cả vì Điện Biên Phủ”, “Tất cả để chiến thắng” thực dân Pháp xâm lược, nhằm mục tiêu bảo vệ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc, nên Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ sức mạnh của lòng yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của cả dân tộc, đưa cả nước cùng ra trận. Từ bài học này, hiện nay, đòi hỏi Đảng ta phải động viên và khơi dậy sức mạnh của lòng yêu nước, ý chí quyết tâm của cả dân tộc lên một tầm cao mới, tạo ra sự đồng thuận cao nhất trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nhằm đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, chiến thắng được nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”. Để làm được điều đó, ngoài việc Đảng ta phải hoạch định và đề ra được đường lối chiến lược, chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, theo kịp xu thế phát triển của thời đại, thì đòi hỏi mỗi cán bô, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp phải nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu; chống quan liêu, tham ô, lãng phí và các tiêu cực khác trong xã hội một cách tích cực, hiệu quả; quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người có công với nước, những người bất hạnh trong xã hội… Từ đó sẽ củng cố được niềm tin trong nhân dân, tạo sức mạnh, động lực to lớn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đi đến thành công.
Bài học về đề cao tinh thần sáng tạo, độc lập, tự chủ; coi trọng thực tiễn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhiệm vụ trước Đảng và nhân dân. Điều này đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp quán triệt và thực hiện xuất sắc tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh”, trước khi nhận nhiệm vụ thay mặt Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Quán triệt tinh thần đó, từ thực tế nghiên cứu chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển từ phương án “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” do Đoàn cố vấn Trung Quốc đi trước đã đề xuất sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Bài học rút ra từ đây là: Trong công tác tham mưu, lãnh đạo, phải bám sát cơ sở, nắm vững thực tiễn, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn. Trước những vấn đề mới, phức tạp nảy sinh, hoặc chưa có cơ sở vững chắn tuyệt đối không được nóng vội, mà phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo để phân tích, đánh giá tình hình một cách sát, đúng, thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn băn khoăn, do dự, đặc biệt không bị lung lay trước các tác động, gây sức ép từ người khác mà mình nhận thấy điều đó chưa đủ cơ sở… và khi đã tin tưởng một điều gì đó thì kiên quyết thực hiện cho bằng được. Đây là một trong những phẩm chất cần có của người lãnh đạo hiện nay, nhất là những người giữ các vị trí, công việc quan trọng.
Bài học thứ ba là phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, của toàn dân, của cả nước. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với lòng dân và đem lại quyền lợi thiết thực cho nhân dân, nên đã động viên được sức mạnh của cả nước tham gia kháng chiến. Ngày nay, Đảng ta vẫn tiếp tục nhấn mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là sức mạnh và động lực to lớn của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Vì vậy, để động lực và nguồn lực to lớn này phát huy hiệu quả, cần chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc một cách vững chắc. Điều này đòi hỏi cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, của dân, do dân và vì dân; phải thực sự mở rộng dân chủ, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, tránh dân chủ hình thức. Mọi chủ trương, biện pháp, quyết sách lớn cần có sự đóng góp ý kiến, sự phản biện của người dân để đi đến sự nhất trí, đồng thuận, tạo nên sự tin tưởng, gắn bó chặt chẽ giữa nhân dân với Đảng, chính quyền. Các cấp ủy đảng và chính quyền phải vì lợi ích của nhân dân; thường xuyên đối thoại, tiếp thu ý kiến, tin dân, tôn trọng, học hỏi, lắng nghe ý kiến nhân dân; tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhân dân; đoàn kết các dân tộc anh em, đoàn kết giữa đồng bào trong nước với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa về phát triển kinh tế, văn hóa và đời sống... Làm như thế sẽ giữ vững được lòng dân, tạo được sự tin tưởng của nhân dân và giữ vững sự ổn định chính trị, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, tạo nên động lực và sức mạnh đưa công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đi đến thắng lợi.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một bản anh hùng ca bất hủ bắt nguồn từ truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc ta; từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; từ tinh thần sáng tạo, độc lập, tự chủ và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc... Nó đã trở thành những bài học quý báu cho thế hệ hôm nay và mai sau. Vận dụng đúng đắn và sáng tạo những bài học đó sẽ là nguồn lực tinh thần – vật chất to lớn của đất nước trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
KHÁNH LINH