(LĐ online) - Sáng ngày 16/5, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo góp ý Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi. Hội thảo dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH, cùng tham dự có ĐBQH K'Nhiễu và các thành viên tổ Tư vấn Pháp luật, đại diện các sở, ngành liên quan.
(LĐ online) - Sáng ngày 16/5, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo góp ý Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi. Hội thảo dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH, cùng tham dự có ĐBQH K’Nhiễu và các thành viên tổ Tư vấn Pháp luật, đại diện các sở, ngành liên quan.
|
Toàn cảnh hội thảo góp ý luật trồng trọt và luật chăn nuôi |
Dự thảo Luật Trồng trọt gồm 7 Chương và 82 Điều. Việc ban hành Luật Trồng trọt nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, khả thi. Nhằm thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước về phát triển trồng trọt, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Xây dựng chính sách phát triển ngành trồng trọt theo hướng hiện đại; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên; phát triển sản xuất hàng hóa tập trung trên cơ sở liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
Các đại biểu tham dự đã góp ý: Trong thẩm quyền có những nội dung lại không quy định mức thẩm quyền tại địa phương, gây khó cho các cơ quan quản lý nhà nước khi xảy ra các sự cố. Vẫn còn nhiều tranh cãi trong kết cấu giữa các chương, điều khoản của luật, bố cục chưa khoa học. Nên sử dụng từ ngữ cụ thể, dễ hiểu, chính xác. Cần quy định cụ thể về thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tránh chung chung. Cần có văn bản giải thích rõ thêm về quy định giống cây trồng... Các đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo nên nghiên cứu để học hỏi, tham khảo ở một số nước bạn trên thế giới có thế mạnh về nông nghiệp, tránh tình trạng Luật ra rồi nhưng không đi vào cuộc sống vì chưa phù hợp thực tiễn.
Về Luật Chăn nuôi, các đại biểu góp ý: Không nên quy định kết hợp giữa chăn nuôi hiện đại và chăn nuôi truyền thống vì ứng dụng chăn nuôi theo hướng công nghệ cao là đủ rồi, nhiều cụm từ quy định thừa trong Luật nên bỏ. Không quy định điều cấm cụ thể trong chăn nuôi như chất tạo nạc, thuốc tăng trọng, kháng sinh... là những yếu tố nguy hiểm đến sức khỏe con người khi sử dụng thực phẩm chăn nuôi. Có đại biểu đề nghị giảm các thủ tục hành chính không cần thiết để luật dễ đi vào thực tiễn cuộc sống.
Các ý kiến góp ý sẽ được Đoàn ĐBQH tiếp thu, ghi nhận và tổng hợp báo cáo trình Quốc hội vào kỳ họp sắp tới.
Nguyệt Thu