Hôm qua, 21-5, tại Hà Nội, Quốc hội (QH) khóa XIV khai mạc trọng thể kỳ họp thứ năm. Đây là kỳ họp giữa năm 2018, với nhiều nội dung quan trọng, quyết định những vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và công tác xây dựng pháp luật.
Hôm qua, 21-5, tại Hà Nội, Quốc hội (QH) khóa XIV khai mạc trọng thể kỳ họp thứ năm. Đây là kỳ họp giữa năm 2018, với nhiều nội dung quan trọng, quyết định những vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và công tác xây dựng pháp luật.
|
Tại lễ khai mạc kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV |
Trước phiên khai mạc, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Đoàn đại biểu QH đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau đó, QH họp phiên trù bị, nghe Trưởng ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ QH Trần Văn Túy báo cáo về công tác nhân sự; nghe Tổng Thư ký QH - Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp. QH thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp.
Đúng 9 giờ, QH họp phiên khai mạc. Đến dự, có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch QH: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các vị lão thành cách mạng, đại biểu QH những khóa trước, các đại biểu khách mời; đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, thay mặt Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Kỳ họp thứ năm, QH khóa XIV diễn ra trong bối cảnh tình hình đất nước tiếp tục có chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Chúng ta cần tập trung phát huy tối đa những tiềm năng, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị các kịch bản để ứng phó, hạn chế tác động tiêu cực từ các biến động của thế giới, bảo đảm nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững; tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội... (Toàn văn bài phát biểu đăng trên số báo hôm nay).
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2018. Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Trong những tháng cuối năm 2017, các ngành, các cấp tiếp tục nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Tổng hợp kết quả đạt được cả năm cho thấy, những nhận định, đánh giá đã báo cáo QH cơ bản phù hợp, trong đó có bảy trong số 13 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn. Bước vào năm 2018, với phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, các bộ, ngành, địa phương đã sớm ban hành các chương trình, kế hoạch hành động; xây dựng kịch bản tăng trưởng theo quý đối với từng ngành, lĩnh vực và thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực hiện... (Toàn văn Báo cáo của Chính phủ đăng trên số báo hôm nay).
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày trước QH Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước. Theo đó, cử tri và nhân dân cả nước phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò điều hành, quản lý của Nhà nước. Cử tri và nhân dân tiếp tục thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, lưu thông và sử dụng; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời, sớm rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật theo hướng cụ thể các điều cấm và tăng nặng hơn mức xử phạt các vi phạm, khắc phục tình trạng chồng chéo, không rõ trách nhiệm trong phân công quản lý an toàn thực phẩm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.
Cử tri và nhân dân cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp các cơ quan chức năng tiếp tục thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất thuốc, quản lý chặt chẽ nhập khẩu và kinh doanh thuốc trên thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm. Cử tri kiến nghị xử lý các cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm môi trường... Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống cháy, nổ; rà soát, kiểm tra những cơ sở, dự án, khu chung cư, nhà cao tầng về phòng cháy, chữa cháy; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm... Trên cơ sở ý kiến và kiến nghị của nhân dân, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam gửi tới QH, Chính phủ sáu kiến nghị.
Trong phiên khai mạc sáng qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo nêu trên của Chính phủ. Cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được theo Báo cáo của Chính phủ. Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị đánh giá cụ thể hơn một số vấn đề như: Qua số liệu báo cáo của Chính phủ đã thể hiện các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa thật bền vững; quy mô GDP còn thấp so với dự kiến xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016-2020, mô hình tăng trưởng chưa chuyển đổi rõ nét, động lực tăng trưởng chính chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; công nghiệp chế biến có nhiều đóng góp nhưng mới chỉ dừng lại ở khâu gia công, chưa phải là công nghệ cao, tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất có xu hướng giảm; kết quả thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt mục tiêu đề ra, số vốn trong các doanh nghiệp nhà nước được bán cho các nhà đầu tư còn thấp...
Về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của QH về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Báo cáo thẩm tra cho rằng, cần quan tâm tăng cường công tác dự báo và phân tích các diễn biến do các yếu tố địa chính trị và thương mại quốc tế, thường xuyên đánh giá đầy đủ các vướng mắc, rủi ro, các hạn chế nội tại của nền kinh tế, từ đó cảnh báo và chuẩn bị các phương án điều chỉnh phù hợp, tránh các biện pháp hành chính gây bất ổn cho nền kinh tế. Việc cơ cấu lại NSNN và nợ công vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thu NSNN không còn nhiều dư địa tăng cho nên sẽ khó bố trí nguồn để bù đắp nếu có khoản chi phát sinh; huy động vốn vay cho cân đối ngân sách cũng sẽ khó khăn hơn do chi phí lãi vay tăng lên, huy động nguồn vốn từ xã hội có nhiều khó khăn, bất cập… Đầu giờ làm việc buổi chiều, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị QH phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2016. Trong đó, trình QH xem xét phê chuẩn quyết toán tổng số thu cân đối NSNN là 1.407.572 tỷ đồng, tổng số chi cân đối NSNN là 1.574.448 tỷ đồng, bội chi NSNN là 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% GDP.
Sau đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016, nêu rõ: Tổng hợp kết quả kiểm toán của 283 báo cáo kiểm toán tại 229 đơn vị, đầu mối, chủ đề được kiểm toán trong năm 2017 đối với niên độ NSNN năm 2016, đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 91.322 tỷ đồng, gồm các khoản tăng thu NSNN 19.109 tỷ đồng, giảm chi NSNN 18.447 tỷ đồng, tăng giá trị doanh nghiệp, giá trị vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa 9.639 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 44.127 tỷ đồng và kiến nghị hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 159 văn bản nhằm bịt lỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách… Đáng chú ý, tình trạng người nộp thuế kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN… vẫn diễn ra khá phổ biến. Kiểm toán Nhà nước xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 19.109 tỷ đồng, trong đó: Sabeco 2.668 tỷ đồng; Habeco 1.852 tỷ đồng; Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam 1.753 tỷ đồng…
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2016, cho biết: Về thu NSNN, việc dự báo tốc độ tăng trưởng GDP cao làm ảnh hưởng đến công tác lập dự toán cùng với việc tính toán các yếu tố phát sinh ảnh hưởng tới nguồn thu trong năm chưa bảo đảm dẫn đến việc lập và giao dự toán còn bất cập. Việc xác định số hoàn thuế giá trị gia tăng chưa kịp thời, dẫn đến xử lý hụt thu ngân sách trung ương không phù hợp, tăng thêm bội chi NSNN. Khi thực hiện nghĩa vụ thu, nộp ngân sách vẫn xảy ra tình trạng trốn thuế, thất thu ngân sách, nợ đọng thuế lớn, qua kiểm toán đã kiến nghị tăng thu 19.109 tỷ đồng, trong đó, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng thu thêm 1.351 tỷ đồng... Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi, nộp NSNN 670,7 tỷ đồng. Về chi đầu tư vẫn có nhiều bất cập, hạn chế trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại một số bộ, ngành, địa phương tỷ lệ nợ đọng lớn so với tổng chi đầu tư phát triển; còn để phát sinh nợ đọng mới 14.614 tỷ đồng.
Tiếp đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Trồng trọt. Trong đó, nhấn mạnh mục đích việc ban hành Luật Trồng trọt nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường; có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý… Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát một số nội dung trong dự thảo luật chưa thật sự phù hợp một số luật hiện hành.
Cũng trong buổi chiều, QH nghe Bộ trưởng Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này.
Theo Báo Nhân dân