Minh bạch chọn người tài

09:05, 24/05/2018

Là một trong 22 địa phương được chọn thí điểm Đề án đổi mới cách tuyển chọn cán bộ cùng với 14 bộ, ban, ngành Trung ương, Lâm Đồng đang triển khai thực hiện khá nghiêm túc, quy củ và được coi là bước "đột phá" trong công tác tuyển chọn cán bộ.

Là một trong 22 địa phương được chọn thí điểm Đề án đổi mới cách tuyển chọn cán bộ cùng với 14 bộ, ban, ngành Trung ương, Lâm Đồng đang triển khai thực hiện khá nghiêm túc, quy củ và được coi là bước “đột phá” trong công tác tuyển chọn cán bộ.
 
Các ủy viên Hội đồng thi tuyển và các trưởng, phó phòng chuyên viên các sở, ngành dự Lễ khai mạc Kỳ thi tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp sở và tương đương do tỉnh Lâm Đồng tổ chức lần đầu tiên.  Ảnh: D.Hiền
Các ủy viên Hội đồng thi tuyển và các trưởng, phó phòng chuyên viên các sở, ngành dự Lễ khai mạc Kỳ thi tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp sở và tương đương do tỉnh Lâm Đồng tổ chức lần đầu tiên. Ảnh: D.Hiền
Dấu ấn lần đầu thi tuyển lãnh đạo cấp sở
 
Lâm Đồng vừa tổ chức kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cấp sở và tương đương với phần thi trình bày Đề án vào hai vị trí Phó Giám đốc Sở Tư pháp và Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh. Đây là lần đầu địa phương tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp sở, góp phần thực hiện tốt chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
 
Sau khi thông báo rộng rãi kế hoạch thi tuyển, Hội đồng thi tuyển công chức Lâm Đồng đã tiếp nhận mười hồ sơ đăng ký thi tuyển vào chức danh Phó Giám đốc các sở: Y tế; Tài nguyên và Môi trường; Tư pháp; Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh. Qua rà soát, đối chiếu, tại kỳ thi tuyển lần đầu, có bốn ứng viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển vào chức danh Phó Giám đốc Sở Tư pháp và Phó Trưởng Ban quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh, mỗi chức danh tuyển chọn một người.
 
Kết quả thi trình bày đề án Phó Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển chức danh Phó Giám đốc sở, ngành vừa ra thông báo kết quả điểm thi phần thi đề án kỳ thi tuyển chức danh Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh với số điểm phần thi viết đối với các ứng viên. Theo đó, ứng viên Đỗ Xuân Kiên - Ủy viên UBKT, Trưởng Phòng Nghiệp vụ - UBKT Tỉnh ủy đạt số điểm thi trình bày đề án 72,87 và ứng viên Nguyễn Quang Đạt - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh đạt 70,49 điểm.
 
KHẢI NHIÊN

Với kỳ thi vừa tổ chức, Hội đồng thi tuyển đã tổ chức phần thi trình bày Đề án vào chức danh Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh của hai ứng viên là Đỗ Xuân Kiên - Trưởng Phòng Nghiệp vụ Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy và Nguyễn Quang Đạt - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp - Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh, với chủ đề: Đánh giá lợi thế cạnh tranh của các khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng, vai trò quản lý nhà nước đối với vấn đề này như thế nào? Nguyên nhân, giải pháp và kiến nghị để nâng cao lợi thế cạnh tranh của các khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới. Còn hai ứng viên Trần Thị Mỹ Linh - Trưởng Phòng Kiểm soát Thủ tục hành chính thuộc Văn phòng UBND tỉnh và Hà Thị Điệp - Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước - Sở Tư pháp Lâm Đồng, trình bày Đề án vào chức danh Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng, với chủ đề: “Từ vị trí, chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn công việc của Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng trong điều kiện cải chánh tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, các ứng viên phân tích, đề xuất các giải pháp thực hiện, hiệu quả và khả thi để đơn vị thực hiện tốt chức năng tham mưu cho UBND tỉnh có những kết quả nổi bật trong công tác tư pháp tại địa phương”.

 
Ghi nhận trực tiếp tại hai buổi thi, với những kiến thức, nghiên cứu, sự hiểu biết của mình, các ứng viên đã thể hiện khá toàn diện những vấn đề đặt ra hiện nay tại các khu công nghiệp hay công tác cải cách tư pháp của ngành tư pháp trong công cuộc đổi mới. Đặc biệt, trong phần trình bày về chiến lược, định hướng phát triển cũng như công tác quản lý theo ngành, theo vị trí dự tuyển các ứng viên đã có những phân tích, đánh giá cụ thể về lý luận gắn với thực tiễn mang tính quy mô, phù hợp với tình hình chung của địa phương hiện nay. Ngoài phần trình bày đề án, tại kỳ thi lần này các ứng viên cũng đã trả lời các câu hỏi mang tính phản biện của các thành viên Hội đồng thi tuyển và các khách mời xung quanh vấn đề của đề án mà ứng viên xây dựng.
 
Ông Nguyễn Văn Yên - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá: Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đề cập tại Nghị quyết số 18, Hội nghị Trung ương 6 là xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, dân chủ trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người có đức, có tài. Cụ thể hóa chủ trương này và cũng là địa phương được chọn thí điểm, kỳ thi tuyển đầu tiên đã được tổ chức thành công với sự minh bạch, công bằng, kết quả của kỳ thi cũng là định hướng tiếp nối cho các kỳ thi tiếp theo, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị, đảm bảo tốt nhiệm vụ được giao.
 
Nâng cao chất lượng cán bộ lãnh đạo
 
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chung đối với toàn bộ hệ thống chính trị được nêu trong Nghị quyết số 18, Hội nghị Trung ương 6 là: Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, dân chủ trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Tiến hành sơ kết, tổng kết và đổi mới việc thi tuyển, bổ nhiệm, sử dụng, đánh giá và thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách tiền lương.

Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” với hướng dẫn của Bộ Nội vụ được đánh giá có nhiều điểm mới. Điểm đáng chú ý nhất trong việc thi tuyển của Bộ Nội vụ là quy định về đối tượng dự thi. Ngoài công chức, viên chức nằm trong quy hoạch, đang công tác tại đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm, ngay cả các đối tượng đang công tác tại các bộ, ngành, địa phương khác, nếu có đủ tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh thi tuyển và nằm trong quy hoạch của chức danh tương đương với chức danh thi tuyển cũng được tham dự. Trong Công văn 2424 hướng dẫn thực hiện đề án do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng ký nêu rõ, trường hợp nhân sự không nằm trong quy hoạch, không công tác tại đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm và có thể không phải là đảng viên nhưng được tập thể lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền đề cử thì cũng được tham gia thi tuyển. Cũng Theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ, trong quá trình thực hiện đề án, các bộ ngành và địa phương có trách nhiệm thông báo công khai về nhu cầu, tiêu chuẩn của chức danh tuyển chọn. Khi tổ chức thi phải từ 2 người trở lên tham gia dự tuyển vào một chức danh. Việc thi tuyển nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.

 
Ông Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển tỉnh Lâm Đồng cũng nhấn mạnh đến việc đổi mới tổ chức bộ máy, tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp sở và tương đương. Đây là chủ trương đúng đắn của Trung ương, nhằm tạo sự đột phá trong công tác cán bộ, qua đó để chọn ra những người đảm bảo các tiêu chí giữ cương vị lãnh đạo quản lý, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh Lâm Đồng chất lượng, vững mạnh, toàn diện. 
 
Việc tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo quản lý là việc làm hoàn toàn đúng và phù hợp trong tình hình hiện nay. Ngay khi tổ chức lần đầu, kỳ thi đã thể hiện nhiều ưu điểm mà trong đó lợi ích thiết thực của đợt thi tuyển là giải quyết được nhiều vấn đề, tránh cục bộ trong từng vụ, từng cơ quan, đơn vị. Việc thi tuyển tạo điều kiện, cơ hội ngang nhau đối với các ứng viên và khắc phục tình trạng cục bộ, chạy chức... Cuối năm 2018, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức sơ kết, rút ra bài học kinh nghiệm, có cách làm mới gọn hơn, hiện đại hơn, minh bạch hơn và phổ biến trên phạm vi cả nước.
 
Việc tiên phong trong công tác nâng cao chất lượng cán bộ lãnh đạo cấp sở và tương đương, Lâm Đồng đang từng bước cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước một cách rõ ràng, hiệu quả và chất lượng. Thể hiện tính “đột phá”, quyết tâm xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả của tỉnh. Thông qua việc thi tuyển cũng đã tạo ra phong trào và ý thức tự giác nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ mọi mặt, cả về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lãnh đạo, quản lý.
 
Ông Trần Duy Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy cho rằng: Việc thay đổi cách thức tuyển dụng, trước hết nhằm phát hiện, thu hút, tuyển chọn, bổ nhiệm được người có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ, góp phần nâng cao chất lượng nghiệp vụ, thực hiện chiến lược cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Đồng thời, chủ trương này tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ, tránh tình trạng khép kín, cục bộ. 
 
Trước đây tất cả quy trình tuyển dụng là bỏ phiếu tín nhiệm thì nay với hình thức thi bao gồm cả thi viết và bảo vệ đề án, có hội đồng thi tuyển xem xét, chấm điểm và cán bộ công chức giám sát, do đó sẽ hạn chế được rất nhiều khiếm khuyết hiện nay. 
 
DIỄM THƯƠNG