Tiếng nói cử tri

09:05, 25/05/2018

Đã có gần 1.000 cử tri tham dự với trên 150 ý kiến kiến nghị tại các buổi tiếp xúc cử tri gần đây để chuẩn bị phục vụ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng cho thấy sự quan tâm của cử tri và nhân dân đối với sự phát triển của đất nước, địa phương...

Đã có gần 1.000 cử tri tham dự với trên 150 ý kiến kiến nghị tại các buổi tiếp xúc cử tri gần đây để chuẩn bị phục vụ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng cho thấy sự quan tâm của cử tri và nhân dân đối với sự phát triển của đất nước, địa phương. Cử tri Lâm Đồng cũng đã nêu lên nhiều bất cập, khó khăn trong thực thi pháp luật trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm. 
 
Nhân dân luôn mong muốn tiếng nói cử tri được đến với diễn đàn Quốc hội. Ảnh: N.Thu
Nhân dân luôn mong muốn tiếng nói cử tri được đến với diễn đàn Quốc hội. Ảnh: N.Thu
Cử tri cho rằng, thực tế hiện nay Chính phủ ban hành rất nhiều nghị định, các bộ ban hành rất nhiều thông tư về cùng một lĩnh vực. Trong đó, có những nghị định, thông tư ban hành sau sửa đổi, bổ sung cho nhiều nghị định, thông tư đã ban hành trước đó nên khó cho việc thực hiện pháp luật. Cử tri kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu hợp nhất các nghị định, thông tư để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, áp dụng luật pháp.
 
Cụ thể, ngày 8/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91 ngày 13/10/2015 về “Đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp” (có hiệu lực từ ngày 1/5/2018). Theo đó, tại khoản 15 điều 1 Nghị định số 32 quy định về việc xác định giá khởi điểm khi đấu giá, chuyển nhượng vốn Nhà nước “… xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước đầu tư bao gồm giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê (thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thuê trả tiền hàng năm)…”. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về phương pháp xác định giá trị quyền sử dụng đất thuê vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện xác định giá trị phần vốn nhà nước và giá khởi điểm đấu giá phần vốn nhà nước. Vì vậy, việc thực hiện xác định giá khởi điểm cổ phần để thoái vốn nhà nước tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, cử tri đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét hướng dẫn cụ thể.
 
Một vấn đề được cử tri Lâm Đồng đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm đồng ý cho tỉnh lập dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do cấp bách tại các tiểu khu 178, 179, 180, 181, xã Liêng S’rônh, huyện Đam Rông, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật cho công dân là đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào sinh sống tại Lâm Đồng. Theo đó, cử tri Lâm Đồng cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí bổ sung vốn kịp thời cho dự án quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân di cư tự do thôn Đạ M’Pô, xã Liêng S’Rônh, huyện Đam Rông. Dự án này đã được phê duyệt từ năm 2007 và có điều chỉnh từ năm 2015 với tổng mức vốn đầu tư dự án là 86,34 tỷ đồng. Nhưng tính đến hết năm 2017, kinh phí Trung ương mới bố trí 10 tỷ đồng, đạt 19,8%.
 
Cử tri huyện Đơn Dương kiến nghị: Đập thủy lợi hồ Ka Zan thuộc xã Ka Đô, huyện Đơn Dương là công trình thiết yếu, cấp bách phục vụ sản xuất, sinh hoạt, cải thiện môi trường, góp phần thúc đẩy Đơn Dương phát triển nông thôn mới kiểu mẫu gắn với nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh phát triển bền vững. Đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư xem xét bố trí vốn trung hạn để đầu tư, xây dựng đập thủy lợi hồ Ka Zan.
 
Ngoài ra, cử tri đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải quan tâm phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất các cơ chế đầu tư để sớm triển khai dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, hoàn thành công đoạn thiết yếu trước năm 2020 theo hình thức PPP, BT, BOT, ODA…; quan tâm đầu tư nâng cấp Quốc lộ 27, trong đó có đường tránh Sân bay  Liên Khương, đường nối từ Đà Lạt - đường Đông Trường Sơn - Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương tới xã Đạ Tông, huyện Đam Rông. Cùng đó, Bộ Giao thông - Vận tải và doanh nghiệp BOT Quốc lộ 20 cần nghiên cứu, xem xét miễn giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ qua Trạm thu giá BOT Liên Đầm - Di Linh cho các chủ phương tiện thường trú tại một số xã quanh khu vực gần trạm thu giá BOT nói trên.
 
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục - vấn đề được xã hội quan tâm, cử tri Lâm Đồng cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng về vấn đề dạy thêm - học thêm hiện nay, vì vậy cần tăng cường quản lý nhằm đảm bảo chương trình dạy và học chính khóa. Về chương trình giáo dục phổ thông, cử tri đề nghị Bộ Giáo dục cần thận trọng trong thực hiện cải tiến sách giáo khoa, cần có lộ trình hợp lý, không gây bất lợi cho học sinh, giáo viên và ngay chính phụ huynh học sinh.
 
Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cử tri Lâm Đồng kiến nghị tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại mở rộng nguồn vay vốn, đối tượng vay vốn với lãi suất ưu đãi, đơn giản thủ tục vay vốn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay, nhất là vay vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy lùi tín dụng “đen” đang diễn ra hiện nay… 
 
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, cử tri tỉnh nhà mong muốn các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng sẽ nói thay mình tất cả những đề đạt, tâm tư, nguyện vọng của bà con trên các diễn đàn Quốc hội.
 
NGUYỆT THU