Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới

08:05, 23/05/2018

Ngày 3/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 25 về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới"...

Ngày 3/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 25 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Tại Lâm Đồng, sau 5 năm triển khai Nghị quyết, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
 
Về với bà con để làm công tác dân vận ở Thôn 4, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên. Ảnh: N.Ngà
Về với bà con để làm công tác dân vận ở Thôn 4, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên. Ảnh: N.Ngà
Đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước
 
Ngay sau khi có Nghị quyết 25 của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành chương trình hành động thực hiện. HĐND tỉnh và UBND tỉnh ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết, chương trình về công tác dân vận tham gia trong quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, 100% các sở, ban, ngành, huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, ban cán sự đảng, đảng đoàn đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết và chương trình hành động tại địa phương, đơn vị. 
 
Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy - đơn vị tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc chỉ đạo triển khai, thực hiện Nghị quyết 25 trên địa bàn tỉnh: Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, công tác dân vận đã có sự chuyển biến rõ rệt cả trong khối cơ quan nhà nước cũng như các phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân.
 
Cụ thể, để tăng cường và đổi mới công tác dân vận, các cơ quan nhà nước xác định trọng tâm là đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) hướng tới việc nâng cao khả năng phục vụ nhân dân, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan. Bởi các thủ tục hành chính là điểm tiếp xúc lớn nhất giữa nhân dân và các cơ quan nhà nước, nên CCHC thực hiện hiệu quả sẽ tác động trực tiếp đến thái độ của người dân. 
 
Theo kết quả khảo sát của Sở Nội vụ, mức độ hài lòng của người dân về cải cách hành chính của các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện ngày càng tăng lên. Cụ thể, năm 2013 là 73,11% (sở, ngành), 74,90% (cấp huyện); năm 2015 là 85,68% (sở, ngành), 81,18% (cấp huyện); năm 2016 là 86,78% (sở, ngành), 83,43% (cấp huyện); năm 2017 là 86,78% (sở, ngành), 83,43% (cấp huyện). 
 
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh và chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân để giải quyết, tháo gỡ những vấn đề bức xúc, nổi cộm. Còn nhớ, tại Hội nghị đối thoại giữa Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đối thoại trực tiếp với đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng năm 2016, đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông - UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Lâm Đồng khẳng định: “Việc đối thoại trực tiếp giữa bà con DTTS với người đứng đầu nhằm phát huy tính dân chủ trong nhân dân. Điểm đến của đối thoại chính là sự chuyển biến tích cực sau đó”. Và sự đổi mới trong công tác dân vận này rất được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Bà Kon Sơ Ka Lim - người dân huyện Đam Rông đến hội nghị đối thoại trên đã không giấu được cảm xúc: “Tôi đến buổi đối thoại này mang theo lời cảm ơn của bà con đến lãnh đạo tỉnh, đến Đảng, Nhà nước. Đồng thời, cũng mang nhiều tâm tư của bà con muốn gửi đến lãnh đạo tỉnh để sớm có những chính sách giải quyết cho bà con”. 
 
Việc đổi mới công tác dân vận trong cơ quan nhà nước góp phần làm cho nhân dân tin tưởng và gắn bó với Đảng, Nhà nước. Đó cũng là nền tảng quan trọng để Lâm Đồng thực hiện tốt “Năm Dân vận chính quyền 2018”.
 
Hướng về cơ sở
 
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết, việc triển công tác dân vận trong nhân dân được thực hiện mạnh mẽ qua các phong trào thi đua yêu nước. UBMTTQVN tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước theo hướng tập trung về cơ sở. Trong đó, trọng tâm là phong trào thi đua “Dân vận khéo” và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 
 
Nhiều điển hình “Dân vận khéo” đã được thể hiện qua các mô hình trên tất cả các lĩnh vực như: “Nhà lồng, nhà kính sản xuất rau, hoa công nghệ cao” ở Đà Lạt, Đơn Dương; “Hai lúa, một bắp” ở huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên; “Tái canh cây cà phê” ở Bảo Lâm; “Chăn nuôi bò sữa” ở Đơn Dương, Bảo Lộc; “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” của Hội Chữ thập đỏ; “Hiểu để tri ân” của Hội Người cao tuổi huyện Đạ Tẻh; “Vận động nhân dân xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc” ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương; “Tiếng kẻng an ninh” ở huyện Đức Trọng; “Tổ tuần tra, dân cử, dân nuôi” ở Lâm Hà; “Camera an ninh” ở thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc; “Giáo họ không có người vi phạm pháp luật” ở thành phố Bảo Lộc... Tất cả đó là kết quả của hoạt động dân vận khéo. 
 
Qua 5 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2011-2015, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 2.500 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. 
 
Riêng năm 2015, Lâm Đồng có 2 tập thể và 2 cá nhân điển hình “Dân vận khéo” được biểu dương tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Dân vận toàn quốc. Các mô hình dân vận khéo đã góp phần tập hợp sức dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội để các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội được đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn khoảng 3,9%; riêng hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 12,2%; một số chỉ tiêu về đích trước kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. 
 
Để tạo sức lan tỏa và tính bền vững của các mô hình dân vận khéo trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện đồng bộ Nghị quyết 25 nhằm tập hợp, vận động và phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự phát triển chung của địa phương và đất nước.
 
NGỌC NGÀ