Những chuyển biến ở Lạc Dương

08:06, 18/06/2018

Tổ chức cơ sở đảng có vai trò rất quan trọng đối với sự vững mạnh của Ðảng. Ðó là nơi trực tiếp lãnh đạo các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là cầu nối, khâu trọng yếu để duy trì mối quan hệ giữa Ðảng với nhân dân. Và lực lượng đảng viên chính là yếu tố quyết định sức mạnh của TCCS đảng

Tổ chức cơ sở (TCCS) đảng có vai trò rất quan trọng đối với sự vững mạnh của Ðảng. Ðó là nơi trực tiếp lãnh đạo các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là cầu nối, khâu trọng yếu để duy trì mối quan hệ giữa Ðảng với nhân dân. Và lực lượng đảng viên chính là yếu tố quyết định sức mạnh của TCCS đảng. 
 
Từ những con số…
 
Tại huyện Lạc Dương, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 22 của Ban Chấp hành Trung ương về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCS đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, các cấp ủy đảng trong huyện đã triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều TCCS đảng đã giữ vững và phát huy tốt vai trò “hạt nhân” chính trị ở cơ sở; không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
 
Ghi nhận tại Ban Tổ chức Huyện ủy Lạc Dương: Đầu năm 2008, Đảng bộ huyện Lạc Dương có 29 TCCS đảng; trong đó, có 6 đảng bộ và 23 chi bộ cơ sở, có 2 xã chưa thành lập được đảng bộ. Toàn huyện có 33 thôn, tổ dân phố; trong đó, 21/33 thôn, tổ dân phố có chi bộ độc lập trực thuộc đảng ủy cơ sở... Đến nay, sau nhiều nỗ lực, Đảng bộ huyện Lạc Dương có 29 TCCS đảng trực thuộc; bao gồm 10 đảng bộ và 19 chi bộ cơ sở. 35/35 thôn, tổ dân phố có chi bộ độc lập trực thuộc đảng ủy các xã, thị trấn. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 22, số lượng đảng viên từ 627 đồng chí năm 2008 đến nay tăng lên 1.273 đồng chí (tính đến tháng 3 năm 2018); trong đó có 313 đảng viên là người DTTS.
 
Theo ông Đinh Quang Trung - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Lạc Dương: “Việc số lượng và chất lượng đảng viên tăng lên đã góp phần đưa lực lượng này có mặt và đóng vai trò nòng cốt ở tất cả các nhiệm vụ quan trọng của địa phương. Cùng với đó là sự đổi mới trong hoạt động của các chi bộ nên công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền cơ sở ngày một năng động, sáng tạo, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở các xã trên địa bàn”.
 
Ðến thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương
 
Sự thay đổi diện mạo kinh tế, những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới được Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đinh Quang Trung đưa ra như minh chứng cho sự lãnh đạo của tổ chức đảng và vai trò của lực lượng đảng viên.
 
Bà Kơ Să K’Kim - Phó Bí Đảng ủy xã Đa Nhim cho biết: “Đa Nhim là xã vùng xa của huyện Lạc Dương với 87% dân số là người DTTS. Toàn Đảng bộ xã hiện có gần 100 đảng viên. Các đảng viên phần lớn là nông dân nên việc duy trì đều đặn các buổi sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong mùa thu hoạch cà phê. Cũng từ lý do này mà nhiều chủ trương, chính sách chưa đến thật sâu với các bí thư chi bộ, dẫn tới việc các chi bộ hoạt động kém hiệu quả. Vì vậy, Đảng ủy xã đã đưa ra phương án tăng cường cán bộ xã về đảm nhiệm bí thư chi bộ tại các thôn để vực dậy chất lượng hoạt động của chi bộ thôn. Từ đó, việc gắn các nhiệm vụ cụ thể cho các đảng viên được thực hiện, như mỗi đảng viên chịu trách nhiệm vận động bà con mua thẻ BHYT, vận động chống bỏ học, đi đầu trong xây dựng mô hình kinh tế... Với sự điều hành tốt của các chi bộ thôn, nên nhiệm vụ chính trị tại từng thôn đều được thực hiện tốt. Đó là một trong những yếu tố quan trọng giúp Đa Nhim thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua. 
 
Hay tại xã Đa Sar, các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng được thực hiện bắt đầu từ lực lượng đảng viên đã góp phần giảm tư tưởng ỷ lại trong người dân. Chị Liêng Trang K’Sáu, đảng viên người DTTS tại xã Đa Sar nói: “Thông qua sinh hoạt chi bộ, các đảng viên hiểu và biết cách chuyển đổi một phần cơ cấu cây trồng từ cà phê sang trồng rau. Hiệu quả mang lại cao nên mình tiếp tục thay đổi các giống rau phù hợp với thị trường góp phần tăng nguồn thu. Nhiều bà con trong thôn cũng thấy thế mà dần chuyển đổi. Là đảng viên mình gương mẫu đi đầu và có trách nhiệm hỗ trợ giúp đỡ bà con chuyển đổi”. 
 
Ông Bùi Quốc Huân - Bí thư Đảng ủy xã Đa Sar nói thêm: Trên địa bàn xã có gần 1.031 ha là các tiểu khu sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới, nhà kính; trong đó 31 ha của bà con DTTS. Nhiều mô hình trong số đó là của các đảng viên, đặc biệt là đảng viên người DTTS tại chỗ. Bên cạnh đó, trong xây dựng nông thôn mới ở Đa Sar, đảng viên cũng là lực lượng đi đầu. 
 
Và thực tế tại xã Lát, Đưng K’Nớ hay tất cả các địa phương trên địa bàn huyện, vai trò lãnh đạo của TCCS đảng và tính tiên phong của đảng viên đều được chứng minh rõ nét. Nhờ vậy mà địa bàn có gần 72% DTTS này tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,9%; trong đó hộ nghèo là người DTTS còn 10,83%. Tuy nhiên, sự nỗ lực về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCS đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên không chỉ là câu chuyện của 10 năm, bởi còn rất nhiều hạn chế đang tồn tại đòi hỏi lãnh đạo các cấp trên địa bàn huyện Lạc Dương khắc phục để tiếp tục phát triển.
 
HOÀNG MI