Trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng, đánh giá cao vai trò của báo chí. Năm 1925, nhiều nhà báo được Chủ tịch Hồ Chí Minh đào tạo, rèn luyện, sau này trở thành những cán bộ ưu tú của Đảng, những nhà báo xuất sắc.
Trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng, đánh giá cao vai trò của báo chí. Năm 1925, nhiều nhà báo được Chủ tịch Hồ Chí Minh đào tạo, rèn luyện, sau này trở thành những cán bộ ưu tú của Đảng, những nhà báo xuất sắc. Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập tờ Báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội để vận động phong trào cách mạng của quần chúng trong nước vùng lên giành độc lập dân tộc. Ngày Báo Thanh Niên - tờ báo đặt nền móng chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát hành số đầu tiên đã trở thành mốc son khởi đầu chói lọi cho sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam.
93 năm hình thành và phát triển, báo chí nước ta đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đổi mới mạnh mẽ về nội dung và hình thức, thực sự là vũ khí sắc bén, ngọn cờ chính trị - tư tưởng của Đảng. Ngược với luận điệu của các thế lực thù địch thường rêu rao, vu khống rằng Việt Nam không có tự do báo chí, báo chí bị cấm đoán hoạt động, chúng ta có quyền tự hào trước sự khởi sắc tích cực của lực lượng báo chí nước nhà: Hiện cả nước có 849 cơ quan báo chí, tạp chí in, trong đó có 185 báo (86 báo Trung ương, 99 báo địa phương), 664 tạp chí (530 tạp chí Trung ương, 134 tạp chí địa phương); 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình với tổng số kênh phát thanh, truyền hình trong nước được cấp phép là 281 kênh; cả nước có 195 cơ quan báo chí điện tử đã được cấp phép, trong đó có 171 cơ quan báo chí, đài, tạp chí thực hiện loại hình báo chí điện tử; 178 giấy phép được thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp cho các cơ quan báo chí in, phát thanh, truyền hình để khai thác thế mạnh của loại hình thông tin hiện đại này, đáp ứng nhu cầu thông tin trong tình hình mới, nhất là khi thông tin trên mạng xã hội ngày càng có ảnh hưởng đến xã hội.
Nhìn lại chặng đường cách mạng 93 năm qua, Đảng ta luôn coi báo chí là phương tiện tích cực để tiến hành giáo dục chính trị, lãnh đạo công tác tư tưởng, vũ khí sắc bén trong đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng dân tộc, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đánh giá vai trò của báo chí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Trong thời gian qua, báo chí nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng và có những đóng góp tích cực, quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Tại Hội nghị Báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2018, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần tập trung thông tin tuyên truyền nhiệm vụ chính trị năm 2018 gắn với nhiệm vụ cả nhiệm kỳ, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng, Nghị quyết Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; biểu dương những gương điển hình tiên tiến, đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, chống suy thoái đạo đức. Đội ngũ những người làm báo cần tiếp tục rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, văn hóa, trình độ chuyên môn, chính trị. Các cơ quan báo chí tiếp tục nâng cao hiệu quả, chủ động thông tin theo hướng nhạy bén thiết thực, vững nguyên tắc “một đầu mối thông tin”. Trong sự phát triển của công nghệ thông tin, người làm báo cần tự tin, bản lĩnh kiên định thực hiện đường lối chính trị của Trung ương. Người làm báo phải chọn lọc thông tin, mang đến cho người đọc thông tin chất lượng tốt từ đó mang lại nhận thức tốt cho người đọc. Các cơ quan quản lý chủ quản cần quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng với các phóng viên. Cán bộ báo chí là cán bộ chính trị của Đảng, Nhà nước và đoàn thể, do vậy, bên cạnh bồi dưỡng trình độ chuyên môn còn phải nâng cao trình độ chính trị, học tập thường xuyên và không có điểm dừng.
Phát huy “truyền thống”, tăng cường “bản lĩnh, trách nhiệm”, báo chí phải làm tốt nhiệm vụ chính trị của mình trên lĩnh vực tư tưởng, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Báo chí phải hướng vào mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, làm cho nguyên lý cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội.
LAN HỒ