Nửa chặng đường còn nhiều thách thức

09:06, 25/06/2018

Năm 2018 là năm bản lề quan trọng, đánh dấu chặng đường nửa nhiệm kỳ đại hội. Ði qua nửa chặng đường ấy, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra đối với Ðam Rông, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần vào cuộc với nỗ lực, quyết tâm cao nhất để hoàn thành mục tiêu kế hoạch 5 năm (2015 - 2020) mà Nghị quyết (NQ) Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ III đề ra.

Năm 2018 là năm bản lề quan trọng, đánh dấu chặng đường nửa nhiệm kỳ đại hội. Ði qua nửa chặng đường ấy, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra đối với Ðam Rông, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần vào cuộc với nỗ lực, quyết tâm cao nhất để hoàn thành mục tiêu kế hoạch 5 năm (2015 - 2020) mà Nghị quyết (NQ) Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ III đề ra.
 
Cơ sở hạ tầng ở Đam Rông ngày càng hoàn thiện. Ảnh: N.Ngà
Cơ sở hạ tầng ở Đam Rông ngày càng hoàn thiện. Ảnh: N.Ngà

Một nửa chặng đường…
 
Nói về những dấu ấn trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa III, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Phó Bí thư Huyện ủy Đam Rông Nguyễn Văn Lộc cho biết: Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, với sự lãnh đạo của chính quyền địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, kinh tế Đam Rông có nhiều bước phát triển: Nông nghiệp chuyển dịch cơ cấu đúng hướng. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm đạt 12%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 120,28 tỷ đồng, bằng 56% kế hoạch NQ, tăng bình quân hàng năm 28,7%. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2017 còn 27,47%, giảm 9,64% so với năm 2015 theo tiêu chí mới (bình quân hàng năm giảm 4,82%). Độ che phủ rừng đạt trên 63,9% (NQ trên 65%). Đến cuối năm 2017, huyện nghèo Đam Rông có 1 xã Đạ R’Sal được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã còn lại đạt từ 11 - 14 tiêu chí. Trong nửa nhiệm kỳ qua, nhân dân toàn huyện đã đóng góp được trên 11 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới… Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được đảm bảo. An ninh trật tự được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương. 
 
Tuy nhiên, Huyện ủy Đam Rông cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2016 - 2018 còn chậm, một số chỉ tiêu đạt thấp. Đơn cử như trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, chỉ tiêu số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng và các tiêu chí nông thôn mới, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm… Lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp có chuyển biến nhưng chưa mạnh, năng suất một số loại cây trồng, vật nuôi tăng chậm, sản xuất kinh doanh kém phát triển, doanh nghiệp được thành lập mới rất ít, hàng hóa sản xuất từ Đam Rông kém đa dạng… Các chỉ tiêu thu ngân sách về thuế, phí không đạt; Quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng cơ bản chưa chặt chẽ nên vẫn xảy ra sai phạm, thất thoát. Việc phá rừng, khai thác cát, sỏi trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp. Trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền và một bộ phận cán bộ lâm nghiệp chưa cao, từ đó gây ra sai phạm trong  công tác quản lý bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản. Tình trạng dân di cư tự do còn phức tạp…
 
Bên cạnh đó, năng lực và hiệu quả lãnh đạo của một số cấp ủy đối với chính quyền và hệ thống chính trị còn yếu; vai trò giáo dục chính trị tư tưởng, định hướng dư luận chưa tốt. Ý thức, trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao. Công tác tạo nguồn, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS chưa được quan tâm đúng mức dẫn tới khó khăn trong quy hoạch. Việc nắm bắt tình hình đời sống nhân dân ở một số địa phương chưa đầy đủ, kịp thời nên công tác vận động quần chúng trên một số lĩnh vực chưa hiệu quả…
 
Không điều chỉnh giảm chỉ tiêu Nghị quyết
 
Nhìn nhận về những vấn đề còn tồn tại sau nửa nhiệm kỳ, ông Trần Đức Tâm - Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế UBND huyện Đam Rông cho rằng: Sau nửa nhiệm kỳ Đam Rông còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt tiến độ, ngoài những khó khăn do khách quan mang tính chất đặc thù như điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, xa các trung tâm kinh tế lớn của tỉnh, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, nhất là các công trình trọng điểm; việc huy động các nguồn vốn còn nhiều khó khăn…, nguyên nhân chủ yếu do một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thật sự tập trung, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và thiếu kiểm tra, giám sát trong thực hiện các nhiệm vụ. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa tốt, quyết tâm chính trị chưa cao, còn có tình trạng đùn đẩy, né tránh, không nghiêm túc trong thực hiện nhiệm vụ. Năng lực và hiệu quả lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng chưa đạt yêu cầu. Trình độ, năng lực và ý thức của một bộ phận cán bộ còn thấp. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn nặng tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không chủ động vươn lên thoát nghèo. Tình hình dân di cư tự do diễn biến phức tạp, gây áp lực lớn và phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội địa phương...
 
Bên cạnh những vấn đề chung trên toàn huyện, tại mỗi địa phương cũng còn nhiều yếu tố khó khăn đặc thù. Đơn cử như tại xã Đạ Tông, ông Kơ Dơng Ha En - Bí thư Đảng ủy xã chỉ rõ: Một số bà con chuyển đổi cây trồng chủ yếu mang tính tự phát.  Đa phần bà con vẫn trồng lúa, bắp thuần túy, chăn nuôi nhỏ lẻ theo hình thức thả rông. Bà con sản xuất chủ yếu tự cung tự cấp, dựa vào tự nhiên, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất cây trồng. Các mô hình được địa phương đầu tư không phát huy hiệu quả do tư tưởng của bà con coi đó là tài sản chung, bỏ bê không chăm sóc, làm thất thoát tài sản nhà nước. Việc giao khoán trồng rừng không đạt yêu cầu. Nợ đọng trong các nguồn vốn vay còn cao. Ngoài ra, các vấn đề xã hội như cán bộ và nhân dân còn vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình nên số vụ vi phạm tuy giảm nhưng không đáng kể, tình trạng học sinh bỏ học, người dân lấn chiếm đất rừng… còn diễn ra thường xuyên là những lý do thường trực dẫn tới việc các xã không đạt được mục tiêu đặt ra. 
 
“Bởi còn nhiều hạn chế khó khắc phục, tồn tại ở các xã nên đã tác động một phần quan trọng vào kết quả nhiều chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa III không đạt tiến độ đề ra”, Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông Kơ Dơng Ha En khẳng định. 
 
Mặc dù nhìn nhận thực tế một số chỉ tiêu đến cuối nhiệm kỳ rất khó thực hiện với đặc điểm tình hình hiện nay tại địa phương, song Huyện ủy Đam Rông vẫn quyết tâm không điều chỉnh giảm chỉ tiêu mà NQ đại hội đã đề ra. Đồng chí Trần Minh Thức - Bí thư Huyện ủy Đam Rông chỉ đạo tại Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện NQ Đại hội Đảng bộ huyện khóa III, nhiệm kỳ 2015 - 2020 rằng: Đến cuối nhiệm kỳ, chỉ tiêu nào không đạt sẽ xem xét trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Đam Rông xác định tinh thần đoàn kết, đồng thuận, quyết tâm chính trị cao nhất trong toàn hệ thống chính trị để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện trong nửa nhiệm kỳ còn lại.
 
NGỌC NGÀ