Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững

08:06, 07/06/2018

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; trong những năm qua, Lâm Đồng đã bám sát các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển KT-XH và tài chính ngân sách để lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự đồng bộ, hài hòa giữa tăng trưởng KT-XH với quản lý tài chính và điều hành ngân sách nhà nước. 

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; trong những năm qua, Lâm Đồng đã bám sát các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển KT-XH và tài chính ngân sách để lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự đồng bộ, hài hòa giữa tăng trưởng KT-XH với quản lý tài chính và điều hành ngân sách nhà nước. 
 
Giai đoạn 2011-2015, trong bối cảnh KT-XH cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng gặp nhiều khó khăn, song với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác tài chính - ngân sách và quản lý nợ công của tỉnh có nhiều tiến bộ. Cân đối thu, chi ngân sách cơ bản đảm bảo nguồn thanh toán các khoản chi về tiền lương và có tính chất lương, chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị; thực hiện chính sách an sinh xã hội; đảm bảo công tác quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Tinh thần tiết kiệm, công khai minh bạch và kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách từng bước được tăng cường. Mức dư nợ công luôn đảm bảo theo đúng quy định Luật Ngân sách nhà nước, vốn vay được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích. Từ đó góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh. 
 
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý tài chính - ngân sách nhà nước và quản lý nợ công vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Biểu hiện: Cơ cấu thu ngân sách chưa hợp lý, tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước tỉnh chưa tương xứng với tốc độ tăng GRDP. Tỷ lệ huy động ngân sách trên GRDP còn thấp (bình quân 10,24%) và có xu hướng giảm (từ 10,54% năm 2011 xuống còn 10,04% vào năm 2015). Cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trên tổng chi cân đối ngân sách còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư phát triển địa phương và có xu hướng giảm (từ 25,26% xuống còn 20,12% năm 2015). Quy mô thu ngân sách chưa tương xứng với tình hình phát triển KT-XH; các nguồn lực đất đai, tài nguyên, công sản chưa được huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính tại một số cơ quan, đơn vị và địa phương chưa nghiêm. Một số địa phương chưa chủ động khai thác triệt để các nguồn thu, còn tư tưởng trông chờ vào nguồn trợ cấp bổ sung từ ngân sách cấp trên...
 
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 23/5/2018, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Chương trình hành động số 62-CTr/TU. Chương trình xác định: Cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm hiệu quả, toàn diện, công bằng, bền vững, động viên hợp lý các nguồn lực. Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xác định tiết kiệm là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, các cấp ngân sách, chỉ chi trong khả năng cân đối ngân sách và chỉ vay trong khả năng trả nợ. Thực hành nghiêm kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cấp về thu, chi ngân sách nhà nước, sử dụng vốn vay, xử lý nợ công, hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế “xin-cho”. Kết hợp hài hòa giữa giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp bách với các vấn đề cơ bản, dài hạn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Tiết kiệm chi thường xuyên, cân đối tối đa các nguồn lực của ngân sách để đảm bảo tỷ trọng hợp lý cho chi đầu tư phát triển. Cơ cấu, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi hợp lý giữa các cấp ngân sách, từng bước tăng tỷ lệ tự chủ, tự cân đối ngân sách cấp huyện, từng bước giảm dần trợ cấp cân đối từ ngân sách...
 
Trong những mục tiêu tổng quát quan trọng được Chương trình đề ra, đáng chú ý là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc huy động, quản lý, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo nhanh và bền vững... Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào tỉnh, nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực thu, chi ngân sách; qua đó thúc đẩy phát triển KT-XH, tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách nhà nước.
 
LAN HỒ