Chuyện người nữ pháo binh năm xưa

08:06, 26/06/2018

Ở tuổi 66, Ka Thân còn khỏe mạnh và rất yêu đời. Chị đang sống và lao động sản xuất tại Thôn 8, xã Mỹ Ðức, huyện Ðạ Tẻh. Khi phục viên, chị mang trên mình vết sẹo của chiến tranh, xếp hạng thương binh 3/4. Ka Thân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. 

Ở tuổi 66, Ka Thân còn khỏe mạnh và rất yêu đời. Chị đang sống và lao động sản xuất tại Thôn 8, xã Mỹ Ðức, huyện Ðạ Tẻh. Khi phục viên, chị mang trên mình vết sẹo của chiến tranh, xếp hạng thương binh 3/4. Ka Thân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. 
 
Nụ cười của nữ chiến sỹ pháo binh năm xưa sau giờ lên rẫy. Ảnh: NTT
Nụ cười của nữ chiến sỹ pháo binh năm xưa sau giờ lên rẫy. Ảnh: NTT
Hướng tới kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống LLVT tỉnh Lâm Đồng (23/8/1945 - 23/8/2018), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh vừa tổ chức cho các chị nguyên là cán bộ, chiến sỹ từng chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước đi tham quan một số tỉnh phía Bắc và Thủ đô Hà Nội. Trong số đó có chị Ka Thân - người chiến sỹ Trung đội nữ pháo binh 8/3 năm xưa.
 
Ka Thân sinh năm 1952 tại buôn B’Đạ thuộc xã Lộc Trung, nay là thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh. Khi vừa tới độ trăng tròn, 16 tuổi, chị đã vinh dự được tham gia Trung đội nữ pháo binh. Ka Thân tự hào khoe về đơn vị mình: Ngày 22 tháng 12 năm 1968, tại Suối Cheo, xã Lộc Bắc, đội nữ pháo binh được thành lập (lấy phiên hiệu 8/3). Quân số ban đầu gồm 42 cán bộ, chiến sỹ; trong đó, có 20 đồng chí là người K’Ho, Châu Mạ, hầu hết ở Lộc Bắc, Lộc Bảo và Đinh Trang Thượng. Đơn vị biên chế thành 2 khẩu đội do Đồng chí Phan Thị Thanh Hùng là đội trưởng; đồng chí Lê Thị Pha là chính trị viên; Ka Thân được cử làm tiểu đội trưởng. Đơn vị được trang bị 2 khẩu cối 82 mm, 1 khẩu M79, 20 khẩu súng AK & Cacbin. 
 
Khi nói về những người đồng đội cùng chiến đấu, mắt Ka Thân ngân ngấn nước: “Tôi còn ít tuổi, không biết chữ, lại là người dân tộc nên được đơn vị thương lắm. Các chị hướng dẫn từ cách mắc võng, gập quần áo, vệ sinh cá nhân đến cách giữ bí mật khi hành quân đánh địch... Nhiệm vụ của đơn vị hết sức nặng nề, trong khi khó khăn thì chồng chất, nhưng tôi thường được ưu ái từ miếng ăn, bộ quân phục mới, đến việc mang vác… Nhưng toàn đơn vị đoàn kết, thương yêu nhau như con một nhà và quyết tâm đánh địch rất cao”. 
 
Vào các năm 1969, 1970, địch thường xuyên tổ chức lực lượng bộ binh, biệt kích, thám báo, pháo binh, không quân, xe tăng, càn quét, đánh phá sâu vào các vùng căn cứ, vùng giải phóng, đường hành lang chiến lược của ta. Tại Lâm Đồng, chúng tăng cường ném bom, rải chất độc hóa học, bắn pháo, xua quân đi càn quét, lùng sục, phá hoại hoa màu, tài sản của nhân dân các vùng căn cứ. Ka Thân được tham gia một số trận đánh đáng nhớ, những hình ảnh một thời không thể quên, nay như ùa về trong tâm trí chị: Đêm 15 tháng 5 năm 1969, khẩu đội 1, do đồng chí Lưu Thị Thanh An chỉ huy, bắn 50 quả đạn vào tiểu khu tòa hành chính, diệt và làm bị thương 25 tên địch, bắn cháy 1 máy bay trực thăng. Hai hôm sau, vào đêm 17/5/1969, khẩu đội 2 do đồng chí Lê Thị Phước - Trung đội phó chỉ huy, bắn 50 quả đạn vào khu hậu cần Lữ đoàn 173 tại Đạ Nghịch (xã Lộc Châu ngày nay) làm cháy rụi 20 xe quân sự các loại và một kho xăng. Ka Thân được kết nạp vào Đảng năm 1969.
 
Trong một lần tham gia trận đánh ở Đạ Nga (Bảo Lộc), khi hành quân tiếp cận trận địa, Ka Thân vướng phải mìn của địch cài trên đường. Chị bị những mảnh mìn xuyên từ sau lưng, phá thủng ruột, rồi xuyên qua thành bụng. Chị được đồng đội chuyển đi cấp cứu tại Bệnh xá K5, giáp buôn K’Brằng cạnh sông Đồng Nai. Các bác sỹ và thương binh tại trạm đều khâm phục tinh thần dũng cảm của chị. Khi phẫu thuật, thuốc gây mê hầu như không có tác dụng. Mặc đau đớn, Ka Thân cắn môi đến bật máu. Không hề kêu la, chị vẫn động viên các bác sỹ tiếp tục mổ cho đến khi ca mổ thành công sau ba giờ đồng hồ.
 
Sau lần bị thương ấy, Ka Thân lại trở về đơn vị tiếp tục cùng đồng đội tham gia đánh địch trên nhiều trận địa, kịp thời tổ chức đánh chặn, không cho địch ra lấn đất, cắm cờ, đổ dân ở Quảng Lâm, Bình Long sau khi Hiệp định Paris được kí kết.
 
Trong 6 năm chiến đấu, xây dựng và công tác, Ka Thân cùng đơn vị liên tục hành quân trên khắp mặt trận, dù khó khăn gian khổ, nhưng đơn vị vẫn luôn chấp hành nghiêm kỉ luật và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trung đội nữ pháo binh đã đánh địch trên 50 trận bằng pháo binh và bộ binh. Diệt và làm bị thương gần 300 tên địch, trong đó có hơn 40 lính Mỹ. Bắn cháy 4 máy bay (1 máy bay trinh sát L19, 3 máy bay trực thăng HU1A ), phá hủy 3 khẩu pháo 105 mm, bắn cháy và phá hủy 50 xe quân sự các loại, thu 30 khẩu súng, phá hủy một kho xăng và nhiều phương tiện chiến tranh của địch.
 
Rất đáng tiếc là trung đội có 5 đồng chí đã anh dũng hy sinh, 10 đồng chí bị thương. Nhiều chiến sỹ của đơn vị đã trở thành những tấm gương về chịu đựng khó khăn, tinh thần chiến đấu dũng cảm. Đặc biệt là chính trị viên Lê Thị Pha, chị được tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, danh hiệu Dũng sỹ quyết thắng cấp 2-3. Năm 1972, trên đường đi công tác, chị và một số đồng đội bị vướng mìn và hy sinh tại Đại Lào. Năm 1978 chị Lê Thị Pha được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
 
Bốn mươi ba năm đã trôi qua, kể từ ngày giải phóng 30/4/1975, từ một thiếu nữ cống hiến tuổi xuân phơi phới cho cách mạng, nay đã thành bà nội bà ngoại, Ka Thân vẫn gương mẫu, phát huy truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam, vận động bà con dân tộc mình, luôn tin theo Đảng, đi theo Đảng. Cuộc đời và chiến công của người nữ chiến sỹ pháo binh năm xưa mãi mãi là tấm gương cho con cháu noi theo, trọn đời xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”. 
 
NGUYỄN THƯỢNG THIÊM