Tiếng nói đại biểu Quốc hội

08:06, 27/06/2018

Những nội dung quan trọng của kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XIV vừa qua được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên các kênh truyền hình, phản ánh qua báo chí. Qua đó, cử tri có thể biết được những đại biểu của mình bầu ra có tiếng nói như thế nào ở hội trường Quốc hội. Các ÐBQH Lâm Ðồng cũng đã phát huy tích cực tinh thần này.

Những nội dung quan trọng của kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XIV vừa qua được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên các kênh truyền hình, phản ánh qua báo chí. Qua đó, cử tri có thể biết được những đại biểu của mình bầu ra có tiếng nói như thế nào ở hội trường Quốc hội. Các ÐBQH Lâm Ðồng cũng đã phát huy tích cực tinh thần này.
 
Đại biểu Quốc hội Triệu Thế Hùng tham gia góp ý các dự án luật tại kỳ họp. Ảnh: N.T
Đại biểu Quốc hội Triệu Thế Hùng tham gia góp ý các dự án luật tại kỳ họp. Ảnh: N.T

Phát biểu về Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng - một dự thảo luật được dư luận và quần chúng nhân dân đặc biệt quan tâm, đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn Lâm Đồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nam Phi nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự án luật này, đại biểu góp ý về trách nhiệm của cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị phòng chống tham nhũng (mục 2 chương V). Trong dự thảo luật lần này đã trao cho cơ quan phòng, chống tham nhũng quyền năng rất lớn trong các hoạt động phòng ngừa, kiểm tra, thanh tra và xử lý hành vi tham nhũng. Với quyền lực lớn, nếu không có quy định kiểm soát quyền lực chặt chẽ sẽ dễ dẫn đến nguy cơ lạm dụng quyền lực ngay tại chính cơ quan phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, các quy định về vấn đề này, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, công chức của cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng vẫn giữ nguyên như luật hiện hành là không hợp lý. Đại biểu cho rằng, dự thảo luật cần có những sửa đổi, bổ sung các quy định đặc thù tương ứng về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đứng đầu và cán bộ, công chức trong lĩnh vực này, như: các quy định đặc thù tiêu chuẩn, phẩm chất cán bộ, các quy định đặc thù về phòng ngừa xung đột lợi ích; về quy tắc ứng xử, về những việc cán bộ, công chức không được làm... 
 
Về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản thu nhập tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý (Điều 59 dự thảo), đại biểu Hiển đề nghị làm rõ trường hợp: Sau khi Nhà nước đã thu thuế đối với phần tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý mà người này lại bị truy cứu trách nhiệm về hành vi tham nhũng và bị tịch thu khối tài sản tham nhũng trên thì số thuế họ đã nộp trước đó được xử lý như thế nào? Họ có được khấu trừ hay hoàn trả không? 
 
Đối với những người không được tham gia vào tổ xác minh tài sản, thu nhập, khoản 2 Điều 51 quy định: không bố trí bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, bố chồng, mẹ vợ, mẹ chồng, vợ, chồng, con ruột, con nuôi, con dâu, con rể, anh, chị, em ruột của người được xác minh tham gia vào tổ xác minh tài sản, thu nhập. Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển, quy định như trên là chưa phù hợp với yêu cầu tránh xung đột lợi ích. Đề nghị mở rộng diện những người không được tham gia vào tổ xác minh tài sản, thu nhập phải bao gồm cả những người quy định tại khoản 3 và 4 Điều 20, như: bố nuôi, mẹ nuôi, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu, anh chồng, chị chồng, em chồng, anh vợ, chị vợ, em vợ. 
 
Về báo cáo, công khai báo cáo phản biện xã hội về công tác phòng, chống tham nhũng, Điều 17 Dự thảo quy định hàng năm, UBTWMTTQVN chủ trì xây dựng và công khai báo cáo phản biện xã hội về công tác phòng chống tham nhũng. Đại biểu Hiển cho rằng quy định này không hợp lý, bởi lẽ theo Luật MTTQVN thì “Phản biện xã hội” là phản biện các “dự thảo văn bản” chứ không phải là hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Do vậy, nội dung và thời hạn xây dựng báo cáo phản biện xã hội phải phụ thuộc vào văn bản cần phản biện chứ không phải theo niên độ hàng năm. Vì vậy, theo đại biểu, Điều 17 nên sửa lại phạm vi của báo cáo là báo cáo giám sát và phản biện xã hội của UBTWMTTQVN về công tác phòng, chống tham nhũng sẽ hợp lý hơn. Trong đó, nội dung giám sát là giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; còn nội dung phản biện xã hội là phản biện các dự thảo văn bản của cơ quan nhà nước.
 
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển cũng cho rằng, Dự thảo Luật đặc xá đã được soạn thảo công phu, nghiêm túc. Hồ sơ dự án cơ bản đầy đủ, đáp ứng yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Để đặc xá thể hiện đúng bản chất là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định, đại biểu cho rằng nên thiết kế lại điều này theo hướng đặc xá chỉ áp dụng trong 3 trường hợp sau: Một là, những người thực sự có tiến bộ trong cải tạo, giáo dục (trường hợp này cần xây dựng các tiêu chí cụ thể để đánh giá sự tiến bộ) và phải kèm theo điều kiện về thời gian đã chấp hành án để phản ánh sự tiến bộ trong cải tạo, giáo dục là một quá trình có tính liên tục, bền vững. Hai là, áp dụng đối với những người trong một số hoàn cảnh đặc biệt (như người đã lập công lớn, người mắc bệnh hiểm nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người trên 70 tuổi thường xuyên ốm đau, bệnh tật không tự phục vụ được). Những trường hợp này không cần kèm theo điều kiện thời gian đã chấp hành án, miễn là sự kiện đặc biệt nêu trên xảy ra thì có thể áp dụng ngay thì mới đúng ý nghĩa của việc khoan hồng đặc biệt. Ba là, áp dụng trong trường hợp đặc biệt vì lý do đối ngoại của Nhà nước. Trường hợp này cũng không cần kèm theo điều kiện về thời gian đã chấp hành án.
 
Đại biểu Quốc hội Triệu Thế Hùng - Đoàn Lâm Đồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội góp ý và nhất trí cao với Dự án Luật sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục đại học của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Đại biểu nhấn mạnh cần thiết phải đẩy mạnh tự chủ đại học, đây là một trọng điểm, trọng tâm then chốt cần được giải quyết triệt để và khả thi ở lần sửa đổi Luật Giáo dục đại học này. Việc thực hiện quyền tự chủ của các trường đại học trong thực tế hiện nay còn bị hạn chế bởi các luật viên chức, về ngân sách, đất đai, về đầu tư công. Bởi vậy, bài toán về tự chủ giáo dục đại học không thể giải quyết trong một đạo luật này mà còn được điều chỉnh bởi cả một hệ thống pháp luật liên quan đến giáo dục đại học, nên rất mong Quốc hội ủng hộ để có một hệ thống pháp luật đồng bộ để tự chủ đại học được thực chất và đi vào cuộc sống. Mặt khác, cần tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch để phát triển bình đẳng giữa giáo dục đại học công lập và tư thục. Cần tăng số lượng và nâng cao chất lượng các trường tư thục, đồng thời giảm thiểu các trường công lập hoạt động yếu kém, thực sự không cần thiết.
 
Từ thực tiễn và kiến nghị của cử tri, ĐBQH Triệu Thế Hùng đã đề nghị Chính phủ cần rà soát chính sách hợp lý để tăng cường hoạt động công đoàn tại các khu công nghiệp để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công nhân, người lao động. Nhà nước cần có quy định cụ thể, mạnh hơn, nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ sử dụng lao động. Đại biểu đề nghị phải tăng mức lương tối thiểu vùng đủ để đảm bảo mức sống tối thiểu của công nhân.
 
NGUYỆT THU