Tiếng nói của Ðoàn ÐBQH Lâm Ðồng tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

08:06, 11/06/2018

Trong chương trình hoạt động tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, rất nhiều nội dung quan trọng được các đại biểu tranh luận nhằm đi đến thống nhất, xây dựng pháp luật hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng mong đợi của nhân dân. Ðoàn Ðại biểu Quốc hội Lâm Ðồng cũng tích cực tham gia trên nhiều lĩnh vực.

Trong chương trình hoạt động tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, rất nhiều nội dung quan trọng được các đại biểu tranh luận nhằm đi đến thống nhất, xây dựng pháp luật hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng mong đợi của nhân dân. Ðoàn Ðại biểu Quốc hội (ÐBQH) Lâm Ðồng cũng tích cực tham gia trên nhiều lĩnh vực.
 
Ông Nguyễn Tạo
Ông Nguyễn Tạo
Tại kỳ họp này, ông Nguyễn Tạo - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã có phát biểu tranh luận với đại biểu Minh Đức, đoàn thành phố Hồ Chí Minh về Chương II: việc bảo vệ an ninh đối với hệ thống thông tin quan trọng của quốc gia, vấn đề bảo vệ an ninh mạng trong Luật An ninh mạng lần này trên nguyên tắc bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và hoạt động hợp pháp của pháp nhân. Đồng thời, bảo đảm sự hoạt động bình thường của các cá nhân, của các cơ quan nhà nước, bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững cho đất nước... 
 
Về nội dung sửa đổi một số bổ sung của Luật Công chứng, vấn đề đặt ra ở đây là cần có những cơ chế, chính sách cụ thể phù hợp để dịch vụ công trong hoạt động bổ trợ tư pháp này được đến với vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. ĐBQH Nguyễn Tạo nhấn mạnh: Tôi đồng tình thống nhất bỏ quy định việc lập quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng để phù hợp với Luật Quy hoạch và đồng thời đồng tình với nội dung thẩm tra của Ủy ban Kinh tế là chỉ ra Luật Công chứng đã quy định cụ thể về điều kiện hành nghề của công chứng viên, điều kiện thành lập của văn phòng công chứng với 8 nội dung giao cho Chính phủ quy định; trong đó có cả điều kiện về trụ sở của văn phòng công chứng tại khoản 4 Điều 22. Tôi tán thành các ý kiến phát biểu trước của các đại biểu Quốc hội, việc dự thảo luật lại tiếp tục giao cho Chính phủ quy định chi tiết, điều kiện thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng tại khoản 2 Điều 7 là không cần thiết, vượt quá sự cần thiết và phạm vi điều chỉnh. 
 
Đại biểu Nguyễn Tạo cũng đã thống nhất với các nội dung liên quan đến quy hoạch của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và việc sửa đổi, bổ sung lần này để bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ của các luật này với Luật Quy hoạch. Đồng thời, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tán thành cao việc đưa nội dung quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vì quy hoạch vùng tỉnh là một mắt xích hết sức quan trọng trong hệ thống quy hoạch xây dựng. 
 
Ông Nguyễn Văn Hiển
Ông Nguyễn Văn Hiển
Tại kỳ họp, ông Nguyễn Văn Hiển - Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đã tham gia đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao đã được soạn thảo công phu, nghiêm túc, tiếp thu nhiều ý kiến và đã được chỉnh lý một cách căn bản. Về cơ bản, tôi đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo cũng như báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về vấn đề đất dành cho thể thao, tại khoản 1 Điều 65 dự thảo đưa ra hai phương án: Phương án thứ nhất, quy định trong quy hoạch xây dựng trường học, đô thị, khu dân cư, doanh trại, đơn vị vũ trang nhân dân phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao, phương án này giữ nguyên như luật hiện hành. Phương án thứ hai, so với phương án một mở rộng thêm là cả khu công nghiệp, khu công nghệ cao cũng phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao. Tôi thấy cả hai phương án này đều chưa có sự hợp lý bởi các lý do sau đây: Một, theo pháp luật hiện hành thì khu công nghiệp, khu công nghệ cao là những khu vực chức năng chuyên sản xuất công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất, hoặc là khu vực nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao... Do vậy, đây là những khu vực và những môi trường được quy hoạch chuyên dùng cho sản xuất, nghiên cứu, nên ngoài giờ làm việc thì đây không phải là nơi sinh hoạt, sinh sống, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí của công nhân. Chính vì thế, việc xây dựng công trình thể thao trong khu vực sản xuất, nghiên cứu là không thích hợp. Hai, ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao, theo pháp luật hiện hành chúng ta còn có nhiều khu khác tương tự như là khu chế xuất, khu công nghệ ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung... Đây đều là những khu chức năng chuyên phục vụ cho sản xuất nhưng lại không được đề cập trong dự thảo. Theo đó, ĐBQH Nguyễn Văn Hiển đề nghị xem xét lại cả hai phương án nêu tại khoản 1 Điều 65 để đảm bảo tính thực tế khả thi hơn, nhất là trong điều kiện mật độ dân cư quá cao tại các khu đô thị lớn. Với sự khan hiếm về quỹ đất tại các khu đô thị này thì việc quy hoạch công trình thể thao cần được đặt trong tổng thể quy hoạch chung của khu dân cư, khu đô thị, phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, để làm sao vừa bảo đảm được quyền tập luyện thể dục, thể thao của người dân, vừa tránh lãng phí nguồn lực đất đai, vừa tránh lãng phí nguồn lực của nhà nước và xã hội đầu tư dàn trải, tràn lan cho nhiều công trình thể thao. 
 
Ông K’Nhiễu
Ông K’Nhiễu
ĐBQH K’Nhiễu - Đoàn Lâm Đồng cũng đã tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ đã được nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này. Đại biểu K’Nhiễu đề nghị bổ sung nội dung bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, bổ sung thêm nguyên tắc “hoạt động đo đạc và bản đồ phải bảo đảm cung cấp dữ liệu địa lý phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nâng cao dân trí, thúc đẩy tiến bộ xã hội”, vì đây vừa là nguyên tắc, đồng thời là mục tiêu quan trọng của đo đạc và bản đồ. Về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động đo đạc và bản đồ, đề nghị bổ sung thêm một nội dung cụ thể: UBND cấp tỉnh xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương trong hoạt động đo đạc và bản đồ theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để áp dụng trong phạm vi quản lý của địa phương, như thế vừa cụ thể, vừa rõ ràng hơn. Cần cân nhắc quyết định về cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ theo hướng xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ đo đạc và bản đồ. Mặt khác, cần nghiên cứu bổ sung quy định nhằm khắc phục tình trạng công tác quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành chưa đầy đủ, chưa thống nhất, việc phân cấp giữa trung ương và địa phương chưa phù hợp...  
 
N.THU - T.THÀNH