Thị trấn Liên Nghĩa (Ðức Trọng) là nơi tiếp nhận các luồng di cư của đồng bào phía Bắc nước ta, họ đã di cư và cư trú ở miền đất lành này qua các thời kỳ. Ðể khẳng định mối tình anh em keo sơn, gắn bó ruột thịt giữa các dân tộc, nhiều đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số đã chung sức, đồng lòng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, chung sức phát triển kinh tế.
Thị trấn Liên Nghĩa (Ðức Trọng) là nơi tiếp nhận các luồng di cư của đồng bào phía Bắc nước ta, họ đã di cư và cư trú ở miền đất lành này qua các thời kỳ. Ðể khẳng định mối tình anh em keo sơn, gắn bó ruột thịt giữa các dân tộc, nhiều đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã chung sức, đồng lòng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, chung sức phát triển kinh tế.
|
Ông Trần giúp đỡ những người dân địa phương có công ăn việc làm từ cơ sở sản xuất bún của mình. Ảnh: Ð.Tú |
Tổ dân phố 15 (TT. Liên Nghĩa) có 381 hộ dân, 1.988 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS người Nùng, Tày, Hoa chiếm phần lớn. Bí thư Chi bộ, ông Hoàng Văn Trần là người đồng bào DTTS Nùng, đã 38 năm nay ông lăn lội với bà con, từ thời trai trẻ còn công tác Đoàn cơ sở cho đến khi được vinh quang đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 1999, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, kể từ đây vai trò đảng viên của ông được khẳng định, nhất là trong việc xây dựng một khu dân cư đoàn kết, hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau.
Một thời, ông Trần “muối mặt” mặn chát mồ hôi đi làm công tác vận động bà con trong khu dân cư 775 ở TDP mình làm kinh tế. Bà con người Nùng, Tày, Hoa ở đây không phải là “siêng ăn nhác làm” mà do kinh tế thị trường, nhiều hộ phải lao đao, lận đận vì các loại rau củ quả, nói chung như 50 hộ dân ở khu này bảo là không gặp thời. Thế là ông Trần đến từng nhà dân, họp TDP, họp khu dân cư, họp để mà phân tích vì sao nghèo đói, vì sao họ giàu mà mình nghèo. Nếu nghèo thì có phương pháp nào vượt nghèo không hay cứ để mặc cho số phận. Ngày nào cũng đi, gặp ai cũng nói, cuối cùng nhiều hộ dân nghe theo ông, đoàn kết với nhau để chia sẻ kinh nghiệm, có sự liên kết trong sản xuất, vứt bỏ đi cái thời mạnh ai nấy làm, con gà chạy sang vườn người khác bới đất đã xảy ra chuyện.
Đầu tiên, những hộ dân ở khu dân cư này chấp nhận làm một công việc không cần đầu tư, không cần vốn, chỉ cần sức. Bà con đi rừng, tìm tre nứa chẻ lạt để bán cho các cơ sở làm rau, hành, ngò rồi đến việc làm thuê làm mướn. Ổn định cuộc sống, bà con khu dân cư 775 lại quay lại với nghề làm rau, củ, quả của mình. Đến nay, đa phần bà con ở đây đã ổn định, nhiều người thầm cám ơn ông vì những lời khuyên không tiền bạc mà quá quý báu, giúp họ tháo gỡ trong cơn cùng quẫn.
Anh Voòng Minh Tùng, người đồng bào DTTS Nùng tâm sự: May mắn thay khu dân cư của chúng tôi có một đảng viên hết sức tận tâm với người dân, lúc chúng tôi khó khăn, ông đến nói chuyện, bày vẽ từng việc. Lúc chúng tôi mà gia đình tôi đây này, thoát được nghèo rồi, muốn trả ơn ông một chút thôi, vậy là ông chỉ cười rồi đi thẳng luôn.
Là một đảng viên ở cơ sở, ông Trần luôn tâm niệm rằng bản thân mình phải luôn cố gắng trong mọi công việc để bà con tin tưởng, làm theo. Phát triển kinh tế hộ gia đình là điều đầu tiên ông hướng đến, vì theo ông giải thích thì đảng viên ở nông thôn mà không phát triển kinh tế theo kiểu chăn nuôi, trồng trọt hay nghề truyền thống thì khó ăn khó nói với bà con lắm. Nói là làm, ông tích góp tiền bạc, vay mượn họ hàng mở một trang trại nhỏ để chăn nuôi lợn với quy mô gần 100 con, nhưng rồi thị trấn Liên Nghĩa hướng đến một nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh, theo chính sách đúng đắn đó, ông đã hưởng ứng và “đóng cửa” trang trại của mình vì vấn đề môi trường, dân sinh. “Thua keo này, ta bày keo khác”, không thể để đất nghỉ và sức lực của bản thân nhàn rỗi, ông mở cơ sở sản xuất bún, bán cho các nhà hàng và người dân, đến nay cơ sở của ông là nơi tạo việc làm cho 6 nhân công nhàn rỗi trên địa bàn, mỗi tháng thu nhập của họ cũng chừng 5 triệu đồng.
Không chỉ tích cực trên mặt trận “dân vận”, phát triển kinh tế mà nhiều hộ dân trong TDP phải nể phục ông vì truyền thống hiếu học của gia đình. Năm người con của ông đều được học tập đến nơi đến chốn, ai cũng tốt nghiệp đại học chính quy, trong đó có hai người là bác sĩ, một người đang làm công việc liên quan đến ngoại thương, một người là kỹ sư công nghệ thông tin, riêng cậu con trai tật nguyền do một căn bệnh quái ác kéo đến lúc đang còn là học sinh trung học phổ thông đang ở nhà cùng ông. Ông luôn động viên con rằng “tật nguyền nhưng không phế”, hằng ngày cậu vẫn tích cực giúp đỡ công việc cho gia đình, ai đến cũng thấy cảm thương và nể phục tinh thần vượt khó của hai cha con.
Công việc thường xuyên của ông là đi giao bún bằng chiếc xe máy cũ kỹ. Làn da rám nắng và mồ hôi nhễ nhại nhưng khi ông đã bước lên sân khấu văn nghệ thì “lột xác” hẳn, đến những người hàng xóm cũng phải trầm trồ. Công việc vất vả nhưng trong các ngày hội đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư, ông luôn là hạt nhân nòng cốt trong phong trào văn hóa văn nghệ, hóa thân vào các vai diễn, vở kịch hay cầm micro thể hiện chính các ca khúc của đồng bào DTTS để góp vui cho ngày hội. Ông tâm sự: Một thời làm công tác Đoàn nên tớ cũng có một tí “máu” văn nghệ văn gừng, cũng được phết, hát hò thấy khán giả vỗ tay là vui rồi, mà khán giả có ai xa lạ đâu, toàn anh em, họ hàng, làng xóm cả.
Ông Phan Thúc Long, Phó Bí thư Đảng ủy TT. Liên Nghĩa cho biết: Có được những kết quả trên là sự chung sức, đồng lòng và nghiêm túc thực hiện các các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Trong đó, chính yếu là xây dựng được một khối đại đoàn kết dân tộc, vì đoàn kết chính là sức mạnh tạo nên mọi thành quả, vượt qua mọi thách thức và khó khăn. Phải khẳng định rằng để có một thị trấn giàu đẹp, các dân tộc anh em chung sống thuận hòa thì vai trò của đảng viên là người đồng bào DTTS là hạt nhân nòng cốt “hà hơi tiếp sức” cho cộng đồng trong mọi nhiệm vụ, trong đó ông Trần đã tạo được thế trận lòng dân.
ÐỨC TÚ