(LĐ online) - Ngày 2/7, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 với sự tham gia của đầu cầu Hà Nội và các tỉnh, thành toàn quốc.
(LĐ online) - Ngày 2/7, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 với sự tham gia của đầu cầu Hà Nội và các tỉnh, thành toàn quốc. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc -Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng chính phủ chủ trì hội nghị với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Tại đầu cầu Lâm Đồng, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Đoàn Văn Việt- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã tham gia với sự có mặt của lãnh đạo các sở, ban, ngành địa phương.
|
Đầu cầu Lâm Đồng |
Sáu tháng đầu năm 2018, tình hình phát triển kinh tế- xã hội của cả nước phát triển ổn định và có nhiều tín hiệu lạc quan. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011.
Động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng hơn 13%. Cầu tiêu dùng tăng khá và cán cân thương mại thặng dư cho thấy xu hướng cải thiện trong tăng trưởng vẫn được duy trì. 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 2,7 tỷ USD, được đánh giá là một bước tiến quan trọng với kinh tế trong nước.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm tỉ trọng lớn nhất (41,3%) và có mức tăng cao nhất (17,5%). Tình hình lạm phát vẫn ở trong mức an toàn theo kế hoạch của Chính phủ.
Các hoạt động của toàn xã hội vẫn được đảm bảo, an sinh xã hội được thực hiện sâu rộng, đảm bảo sự ổn định của xã hội.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cần có bước thúc đẩy mạnh mẽ để tránh sụt giảm. Các mục tiêu tinh giản biên chế, cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu của Chính phủ. Do vậy, việc dự phòng trước các phương án, đối sách để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và mức tăng trưởng kinh tế hợp lý là rất cần thiết, trong đó tập trung đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển về chất lượng trong tất cả các ngành, lĩnh vực, qua đó tăng khả năng thích ứng của nền kinh tế Việt Nam trước những biến động của kinh tế và thương mại thế giới.
Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, cháy nổ, tai nạn giao thông có diễn biến phức tạp. Lũ sớm đã xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thiên tai trong 6 tháng đầu năm đã làm 33 người chết và mất tích, thiệt hại ước tính khoảng 808 tỷ đồng. Toàn quốc cần chú trọng ứng phó với thiên tai, phòng chống lụt bão, giảm tai nạn giao thông để giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể xảy ra, giữ vững an ninh trật tự xã hội.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các bộ, ban, ngành và các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận, Chính Phủ đánh giá cao mức tăng trưởng kinh tế cũng như sự phát triển chung của toàn đất nước. Tuy nhiên, cả nước cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chú trọng phát triển kinh tế tư nhân như động lực phát triển chính của nền kinh tế. Vừa chú trọng tăng trưởng kinh tế, Chính phủ không quên đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững niềm tin của nhân dân. Đồng chí khẳng định, dù gặp khó khăn ra sao, Chính Phủ cam kết đảm bảo công bằng xã hội, không để người dân nào chịu cảnh đói rét.
Diệp Quỳnh