"Rường cột" ở huyện nông thôn mới

08:07, 25/07/2018

"Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có thể xem như là một trong những "rường cột" quan trọng, là kim chỉ nam cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ nhất là ở địa bàn có thế mạnh về nông nghiệp và trọng điểm xây dựng nông thôn mới như huyện Ðơn Dương.

“Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có thể xem như là một trong những “rường cột” quan trọng, là kim chỉ nam cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ nhất là ở địa bàn có thế mạnh về nông nghiệp và trọng điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) như huyện Ðơn Dương. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, Huyện ủy Ðơn Dương đã lãnh đạo hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực trong vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ đó tác động mạnh mẽ tới hành trình về đích, giữ vững và phát huy giá trị NTM trên địa bàn huyện” - ông Lưu Tấn Huệ, Bí thư Huyện ủy Ðơn Dương khẳng định.
 
Trình độ sản xuất nông nghiệp ngày càng cao của nông dân trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ  nền nông nghiệp cũng như bộ mặt nông thôn huyện Đơn Dương. Ảnh: N.Ngà
Trình độ sản xuất nông nghiệp ngày càng cao của nông dân trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ
nền nông nghiệp cũng như bộ mặt nông thôn huyện Đơn Dương. Ảnh: N.Ngà

Nghị quyết Trung ương 7 khóa X vào cuộc sống 
 
Với địa bàn có 20.303 ha đất nông nghiệp, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông thì việc đưa Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống là điều thực sự cần thiết.
Xác định rõ điều đó nên khi Nghị quyết được ban hành, công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt kế hoạch thực hiện được Huyện ủy Đơn Dương quyết tâm tiến hành sâu rộng đến tận người dân “Đó là một quá trình thực hiện xuyên suốt và lâu dài” - Bí thư Huyện ủy khẳng định. Khi bắt tay vào xây dựng NTM, việc tuyên truyền được đẩy mạnh. Nghị quyết là một trong những “kim chỉ nam” cho bước đi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đơn Dương trong xây dựng NTM. 
 
Nghị quyết bắt đầu từ cuộc sống, nhưng khi đưa vào cuộc sống nó mới phát huy hết giá trị đúng nghĩa. Thực tế tại huyện Đơn Dương, sau khi triển khai Nghị quyết, nền nông nghiệp đã được tái cơ cấu toàn diện theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. 
 
Theo thông tin từ UBND huyện Đơn Dương, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên lĩnh vực trồng trọt, nông dân Đơn Dương đã chuyển diện tích lúa và cây trồng kém hiệu quả kinh tế sang trồng rau, hoa và những loại cây thương phẩm khác với diện tích 2.700 ha. Hiện nay, cây rau đang chiếm ưu thế với trên 25 ngàn ha. Công tác chuyển giao khoa học được triển khai mạnh tới nông dân. 
 
Theo thống kê từ Phòng Nông nghiệp huyện Ðơn Dương, ngân sách nhà nước đầu tư thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật và mô hình giai đoạn 2008 - 2017 lên đến trên 17 tỷ đồng. 
 
Hiện nay, sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao có lợi thế so sánh và cho giá trị kinh tế cao. Nếu như năm 2008 có 169 ha rau ứng dụng công nghệ cao thì đến năm 2017 lên đến trên 9 ngàn ha. Số lượng nông sản tiêu thụ qua liên kết hợp đồng chiếm khoảng 25% tổng sản lượng nông sản toàn huyện. Giá trị thu nhập trong tái cơ cấu sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao đạt bình quân 250 - 300 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt có những mô hình rau, hoa đạt 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Từ đó nâng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích, góp phần nâng cao dần thu nhập cũng như chất lượng đời sống nhân dân…
 
“Rường cột” trong xây dựng NTM
 
Riêng với chương trình xây dựng NTM, khi bắt đầu triển khai, bình quân các xã đạt 4,5 tiêu chí, thu nhập bình quân 17,6 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo 9,87%. Cùng với nhiều chính sách trong xây dựng NTM mà Trung ương 7 khóa X là một trong những “rường cột” giúp nông dân tiến bộ, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nông thôn đổi mới thì tới tháng 9/2015 Đơn Dương về đích NTM.
 
Ông Nguyễn Bình Trị - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Trị nói: “Với địa bàn có gần 70% sản xuất nông nghiệp như Quảng Lập, việc triển khai Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tạo sự thay đổi rất lớn cho người dân cũng như địa phương. Từ nghị quyết này, địa phương đã xây dựng các nghị quyết chuyên đề đi sâu vào từng vấn đề, sát với tình hình thực tế tại địa phương. Người dân với bản tính cần cù có sẵn, được tiếp cận với khoa học kỹ thuật cũng như những chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nâng cao thu nhập. Tính đến cuối năm 2017, trên địa bàn xã giá trị sản xuất bình quân đạt 300 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân 60 triệu đồng/người/năm. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính quyền địa phương và chung sức xây dựng NTM”. 
 
Ông Đỗ Phúc Châu - Người dân xã Quảng Lập vừa đưa thêm hoa cúc vào danh mục các sản phẩm nông nghiệp của gia đình cho biết: “Hiện nay, khi công nghệ phát triển, chính sách nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ, người dân có nền tảng sản xuất đã dần tiếp cận với nhiều sản phẩm nông nghiệp. Nhờ vậy, nông dân chủ động hơn trong sản xuất, ít phụ thuộc vào thời tiết và giá cả thị trường nên sản xuất và thu nhập ổn định”. 
 
Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đi vào cuộc sống đã góp phần thúc đẩy nhân dân và chính quyền huyện Đơn Dương tiếp tục có nhiều bước tiến trong nông nghiệp. Đến cuối năm 2017, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 58 triệu đồng/người/năm. Hộ nghèo còn 3,01%. Đặc biệt, Đơn Dương là một trong 4 huyện của cả nước được Trung ương chọn để chỉ đạo thí điểm xây dựng mô hình huyện NTM kiểu mẫu, làm cơ sở để tổng kết, đánh giá, đề xuất tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét để ban hành vào năm 2020. 
 
NGỌC NGÀ