Nhìn lại việc thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

08:07, 06/07/2018

Hơn ba năm lại nay, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng càng được đặc biệt quan tâm hơn từ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Trung ương và địa phương. Ðó là Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư, Thông báo số 191 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Ðồng…

Hơn ba năm lại nay, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QL, BV&PTR) càng được đặc biệt quan tâm hơn từ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Trung ương và địa phương. Ðó là Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư, Thông báo số 191 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Ðồng…    
 
Hiện trường cưa hạ thông trái phép ở nội ô Đà Lạt ngày 14/6/2018. Ảnh: M.Đ
Hiện trường cưa hạ thông trái phép ở nội ô Đà Lạt ngày 14/6/2018. Ảnh: M.Đ

Triển khai thực hiện sớm
 
Chỉ thị số 13/CT-TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác QL, BV&PTR và Thông báo số 191/TB-VCP ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020. Thực hiện Chỉ thị 13, ngày 31/3/2017, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Kế hoạch số 25/KH-TU và sau đó, ngày 11/10/2017, UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 6823/KH-UBND nhằm cụ thể hóa bằng chương trình hành động trên địa bàn. Riêng Sở NN&PTNT Lâm Đồng, đã ban hành Thông báo số 26 ngày 12/2/2018 để giao chỉ tiêu, nhiệm vụ hoạt động năm 2018 cho Chi cục Kiểm lâm. Với Thông báo 191, tại Lâm Đồng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Văn bản số 856-CV/TU ngày 2/8/2016, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 4613/UBND-LN ngày 9/8/2016 và Kế hoạch hành động số 6122/KH-UBND ngày 6/10/2016. Trọng tâm xoay quanh vấn đề dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên; đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác… Theo ông Võ Danh Tuyên - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng, Sở đã tổ chức kiểm tra, rà soát việc thực hiện khai thác tận dụng lâm sản trên đối tượng rừng tự nhiên từ các công trình, chương trình dự án; rà soát hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ; thu hồi toàn bộ giấy phép đã cấp phép khai thác tận thu, tận dụng trên diện tích rừng tự nhiên, kể cả giấy phép đã gia hạn (đã thu hồi 8 giấy phép của 7 doanh nghiệp).
 
“Sở cũng không cấp phép mới cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khai thác rừng tự nhiên, kể cả các chương trình, dự án đầu tư đã thực hiện xong thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng” - ông Tuyên khẳng định. 
 
Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong QL, BV&PTR, quản lý lâm sản. Với Sở NN&PTNT, lãnh đạo Sở này cho biết, đã cụ thể hóa bằng nhiều văn bản để thực hiện trong toàn ngành như Văn bản số 1881 ngày 23/9/2016 về tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng; Văn bản số 380/KL-TCTTXDLL ngày 8/9/2016 về xây dựng chương trình hành động, kế hoạch hành động cụ thể đối với từng đơn vị, từng địa bàn rừng. 
 
Và không để văn bản “nguội”
 
Đánh giá của Ban Chỉ đạo Kế hoạch BV&PTR tỉnh Lâm Đồng về 6 tháng đầu năm 2018 mới đây cho biết: Tình hình vi phạm Luật BV&PTR trên địa bàn tỉnh đã có xu hướng giảm mạnh qua các năm; công tác PTR, trồng cây xanh phân tán được quan tâm; sự phối hợp của các lực lượng chức năng đồng bộ, chặt chẽ hơn… Tuy nhiên, vi phạm luật về QLBVR còn diễn biến phức tạp và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Một số địa phương như Đạ Tẻh, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông còn xảy ra những vi phạm nổi cộm gây thiệt hại lớn tài nguyên rừng; vi phạm xảy ra tại các dự án đầu tư liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S thẳng thắn nói: “Một số đồng chí chủ tịch, phó chủ tịch xã chưa thực hiện nghiêm Chỉ thị 30. Khi chúng tôi đi kiểm tra thực tế, một số diện tích rừng cách ủy ban xã không quá 2 cây số, trên đường nhựa, nhưng để mất rừng hàng héc-ta, ken cây, đổ ngã. Khi kiểm tra các đồng chí cho rằng làm ban đêm nên không biết, biết đối tượng nhưng không có chứng cứ (?)”. Ông Võ Danh Tuyên cũng cho rằng, chính quyền địa phương cấp xã, cấp huyện một số nơi chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo Kế hoạch số 25 và Chỉ thị số 30 của Tỉnh ủy… Cùng những nguyên nhân khác, tình hình vi phạm pháp luật về QL, BVR&PTR trong 6 tháng đầu năm 2018 chỉ giảm 19% số vụ và đặc biệt lâm sản thiệt hại giảm rất thấp (chỉ 11%) so với năm 2017. 
 
Nhiệm vụ QL, BV&PTR là của cả hệ thống chính trị mọi cấp, từ tỉnh đến thôn và của cả cộng đồng, từ mỗi người dân đến các doanh nghiệp. Mặt khác, là nhiệm vụ thường trực, đồng bộ, không lơ là. Cùng đó, cần những hành động thực sự cương quyết từ các tổ chức, cá nhân chức năng. Vấn đề không dừng lại ở ban hành các kế hoạch hành động, quan trọng hơn, kế hoạch đó đã và đang thực hiện như thế nào; đâu là những chỉ tiêu, những con số đạt được để chứng minh sự tiến bộ, và đâu là những “hành động” chưa tới như đề ra? Thiết nghĩ, cấp ủy và chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện cần sơ kết đánh giá toàn diện như chính nội dung các văn bản đã định hướng chỉ đạo. Có như vậy mới đầy đủ về cách nhìn các mặt tích cực, tồn tại, hạn chế; cùng đó, kịp thời ghi nhận, khen thưởng những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, kiểm điểm nghiêm túc những tồn tại, vi phạm. Một thực tế cho thấy, nhiều lãnh đạo địa phương và ngành liên quan phản ánh việc triển khai nhiệm vụ QL, BV&PTR thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ ở khâu này khâu kia. Mặt khác, “chế tài xử lý vi phạm chưa nghiêm (kể cả đối với người vi phạm, lực lượng BVR và dự án đầu tư)”, Phó Giám đốc Võ Danh Tuyên nói. 
 
Một trong những nhiệm vụ tới đây được Phó Chủ tịch Phạm S nhấn mạnh là “Thực hiện nghiêm Chỉ thị 13 của Ban Bí thư, Chỉ thị 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh”. Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng có công văn yêu cầu các địa phương để xảy ra vi phạm các quy định về BV&PTR nghiêm trọng phải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phá rừng, chuyển nhượng rừng và đất rừng trái pháp luật; xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp; sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, qua đó, rà soát lại các khâu quản lý, bảo vệ, phát triển rừng… đến việc sử dụng hợp lý việc trồng rừng, cải tạo rừng…
 
MINH ÐẠO