Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của BCHTW Đảng khóa XI về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới" (gọi tắt Nghị quyết số 25-NQ/TW), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Chương trình hành động số 66-CTr/TU ngày 29/10/2013 thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW.
Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của BCHTW Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” (gọi tắt Nghị quyết số 25-NQ/TW), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Chương trình hành động số 66-CTr/TU ngày 29/10/2013 thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW. Trên cơ sở đó, 100% huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, ban cán sự đảng, đảng đoàn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết và chương trình hành động tại địa phương, đơn vị. Từ năm 2013 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch về công tác dân vận nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 25-NQ/TW phù hợp với đặc điểm tình hình của tỉnh. Ban Dân vận Tỉnh ủy làm tốt công tác tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết. Hằng năm, Ban tham mưu chỉ đạo những nội dung mang tính trọng tâm, trọng điểm trong công tác tập hợp, phát huy vai trò quần chúng. Tăng cường đôn đốc, hướng dẫn cho Ban Dân vận các huyện, thành ủy, đảng ủy, MTTQ và các đoàn thể chủ động tham mưu triển khai thực hiện nghị quyết, chương trình đối với cấp ủy cùng cấp, nhằm phát huy hiệu quả trách nhiệm của hệ thống chính trị trong công tác dân vận.
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW cho thấy công tác dân vận đạt những kết quả khá căn bản, toàn diện. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động nhân dân được đổi mới; đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước có sự đổi mới và đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quán triệt 5 quan điểm về công tác dân vận trong tình hình mới. Đó là: Quan điểm cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nhân dân là chủ. Nhân dân là chủ được các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc trong thực thi công vụ, triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Quan điểm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân, kết hợp hài hòa các lợi ích, quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân, chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân... Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên đối thoại trực tiếp với các tầng lớp nhân dân; chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng gắn liền với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh được các cấp ủy tập trung thực hiện thông qua triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Chỉ thị 03-CT/TW (khóa XI), Chỉ thị 05-CT/TW (khóa XII). Chú trọng phát huy vai trò MTTQ và các đoàn thể, nhân dân tham gia giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tập trung chỉ đạo xây dựng chuẩn mực đạo đức công vụ, văn hóa công sở... Quan điểm công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đạt những kết quả căn bản, toàn diện. Quan điểm về cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cụ thể hóa thành quy chế, quy định để tổ chức thực hiện đồng bộ trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Các hình thức tập hợp nhân dân ngày càng phong phú, đa dạng, khoa học, hiệu quả. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền, vai trò làm chủ của nhân dân được đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công tác dân vận trong tình hình mới.
Bên cạnh những kết quả trên, việc thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW cũng bộc lộ một số khuyết điểm, hạn chế cần sớm khắc phục trong thời gian tới: Một số địa phương, đơn vị ban hành văn bản triển khai thực hiện các chủ trương của Trung ương và tỉnh về công tác dân vận còn chậm. Chất lượng sơ kết, tổng kết còn hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát chưa nhiều, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Việc nắm bắt, phản ánh, phối hợp tham mưu, chỉ đạo giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; phân tích, dự báo diễn biến tình hình, nhất là những vấn đề bức xúc, phức tạp nổi cộm trên một số lĩnh vực có lúc, có nơi chưa cụ thể, chính xác, kịp thời, thiếu chặt chẽ và đồng bộ. Công tác dân vận chính quyền chưa được quan tâm thực hiện tốt; một số sở, ngành chưa chú trọng tuyên truyền, giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức. Công tác cải cách thủ tục hành chính và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở nhiều bất cập. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, gây phiền hà, khó khăn cho các tổ chức và cá nhân khi đến liên hệ công việc. Việc tham mưu cấp ủy chỉ đạo đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể tuy có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng kết quả chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; số lượng đoàn viên, hội viên chưa thực chất. Sự phối hợp giữa MTTQ với các đoàn thể chính trị - xã hội và giữa các đoàn thể với nhau chưa chặt chẽ. Công tác phát triển Đảng trong khối Mặt trận, đoàn thể còn khó khăn, nhất là ở cơ sở, thôn, tổ dân phố...
LAN HỒ