Sức trẻ của đảng viên

08:07, 06/07/2018

Là một đảng viên trẻ, anh Nguyễn Minh Thu (SN 1984) đã có nhiều đóng góp cho thôn Ðam Pao (xã Ðạ Ðờn, huyện Lâm Hà), nhất là góp phần thúc đẩy kinh tế, giữ gìn bản sắc đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên.

Là một đảng viên trẻ, anh Nguyễn Minh Thu (SN 1984) đã có nhiều đóng góp cho thôn Ðam Pao (xã Ðạ Ðờn, huyện Lâm Hà), nhất là góp phần thúc đẩy kinh tế, giữ gìn bản sắc đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên.
 
Đảng viên Nguyễn Minh Thu (bìa trái) trao đổi với già làng về việc phát triển làng nghề dệt thổ cẩm trong thời gian tới. Ảnh: Ð. Tú
Đảng viên Nguyễn Minh Thu (bìa trái) trao đổi với già làng về việc phát triển làng nghề dệt thổ cẩm
trong thời gian tới. Ảnh: Ð. Tú

Thôn Đam Pao có 429 hộ, với 3.175 nhân khẩu; trong đó có 212 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Đa phần bà con trong thôn sống bằng nông nghiệp và làm nghề dệt truyền thống.
 
Sau một thời gian công tác tại chi đoàn thôn, năm 2012, Nguyễn MinhThu vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến năm 2015, anh được bà con, cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng trên cương vị mới: Trưởng thôn - Phó Bí thư Chi bộ thôn Đam Pao. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, một luồng gió mới được khai triển trên các lĩnh vực.
 
Điều đầu tiên làm đảng viên trẻ này lo lắng chính là sự mai một của cồng chiêng trên miệt đất này. Anh Thu nhận định: Cồng chiêng thì còn người đánh nhưng đa phần là người già còn lớp trẻ thì chưa có, mà có thì cũng là chập chững theo kiểu cho vui cửa vui nhà. Thế là kế hoạch thành lập câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng của thôn hình thành với vỏn vẹn 12 người vào năm 2016. 
 
Nhưng, công việc không hề dễ dàng cho người trưởng thôn trẻ. Tìm được 12 người vào hàng cao tuổi, già làng, tuổi xưa nay hiếm… mà để họ hòa chung một bản hòa tấu núi rừng không phải chuyện đơn giản. Chung quy cũng chỉ vì mỗi người, mỗi dòng họ có một cách đánh riêng, ai cũng có cái lý của mình. Vậy là anh Thu phải làm thêm một công việc nữa, để những người đánh cồng chiêng hiểu nhau, hợp tác với nhau. Hiểu nhau rồi, hợp tác với nhau rồi nhưng lại nảy sinh thêm một vấn đề mà anh chưa nghĩ tới: kinh phí. Không lẽ để các cụ “bụng đói” đánh cồng chiêng, trong khi các cụ thì làm gì có “kinh phí’. 
 
Thế là đi vận động. Vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn. Buổi đầu không phải ai cũng sẵn sàng nghe cồng chiêng trong thời nở rộ công nghệ với đủ thể loại nhạc tây, tàu, ta… Anh Thu chỉ còn một đường, mà theo anh nghĩ lại thì cũng buồn cười, không ai đi vận động như anh cả. Các cụ cứ luyện tập cồng chiêng còn anh Thu thì đi chở mạnh thường quân, doanh nghiệp về nghe, về chứng kiến công sức, mồ hôi của các cụ. Thế mà thành công và cho đến thời điểm hiện tại thì CLB cồng chiêng của thôn đã hoạt động một cách chuyên nghiệp, nhân rộng ra CLB cồng chiêng của thanh niên gần 20 chàng trai, cô gái đôi mươi bên dòng Đạ Đờn. 
 
Bám sát kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương và nghị quyết phát triển kinh tế của Đảng ủy xã Đạ Đờn, anh Thu lại một lần nữa giúp đỡ bà con DTTS trong việc phát triển kinh tế, xem đây là một nhiệm vụ không thể lơ là. Thực tế ở thôn Đam Pao cho thấy phần lớn bà con ngoài thời vụ nông nghiệp thì đa phần rảnh rỗi, vì tìm được một công việc trong lúc nông nhàn không phải đơn giản. Sinh ra từ làng, từ chính Đam Pao nên trong ký ức thơ trẻ của anh Thu là những buổi sang nhà bà con chơi với khung dệt, len chỉ. 
 
Thế là ý tưởng hình thành, phải thành lập được một làng nghề dệt thổ cẩm. Điều khó khăn nhất là thuyết phục người dân, mà ở đây là 165 hộ vào làng nghề, cùng dệt chung một tấm thổ cẩm. Anh Thu có một thời gian làm ăn ở các tỉnh phía Nam nên anh rất hiểu về lối làm ăn này, họp thôn, họp xóm anh Thu phân tích: Một người mua riêng rẻ một ký chỉ thì giá 180 nghìn đồng, nếu chung với nhau thì ta lấy chỉ với giá 105 nghìn đồng, lợi nhuận trước mắt đã là 70 đến 80 nghìn đồng. Đây là tiết kiệm trong chi phí sản xuất, một tháng 165 hộ dân làm nghề dệt thổ cẩm tiêu thụ khoảng 500 kg chỉ thì tiết kiệm được rất nhiều, số tiền lên đến hai con số. Một điều cần nữa chính là thành lập được làng nghề thì có thể hợp tác với một số đơn vị khi họ cần số lượng lớn các mặt hàng, không một đơn vị kinh doanh nào đến Đam Pao này làm ăn chỉ mua vài tấm thổ cẩm. Vậy là trong năm 2016, làng nghề dệt thổ cẩm hình thành ở Đam Pao với 165 hộ dân, đi vào hoạt động, làm ăn một cách chuyên nghiệp.
 
Ông Nguyễn Hữu Hoa - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đạ Đờn cho biết: “Không chỉ bám sát các chủ trương, đường lối, chính sách trong việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảng viên trẻ Nguyễn Minh Thu còn tích cực trong công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên ở địa phương; theo dõi, bồi đắp lý tưởng để rồi giới thiệu cho Đảng xem xét những người con ưu tú của Đam Pao, nhất là vùng đồng bào DTTS. Mặc dù là một đảng viên trẻ nhưng những gì đảng viên này cống hiến cho địa phương đã thổi một luồng gió mới, thay đổi hẳn thói quen làm ăn của đồng bào DTTS, góp phần phát triển văn hóa, xã hội, kinh tế cho vùng đồng bào DTTS nói riêng và toàn xã nói chung”.
 
ÐỨC TÚ