Với quan điểm, đổi mới phải đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, trong đó phát huy được vai trò tập trung thống nhất hành động của khối MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội phù hợp tình hình thực tiễn các địa phương trong tỉnh, việc tổ chức thực hiện nội dung này đã được quan tâm và tiến hành bài bản.
Kích thích bộ máy vận hành năng động, hiệu quả
[links(right)]
Với quan điểm, đổi mới phải đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, trong đó phát huy được vai trò tập trung thống nhất hành động của khối MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội phù hợp tình hình thực tiễn các địa phương trong tỉnh, việc tổ chức thực hiện nội dung này đã được quan tâm và tiến hành bài bản.
|
MTTQ tỉnh và các huyện, thành phố cùng đại diện các đoàn thể chính trị - xã hội bàn giải pháp quyết tâm thực hiện Nghị quyết 18 về sắp xếp tinh gọn bộ máy. Ảnh: N.Thu |
Bà Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch UBMTTQ huyện Đạ Tẻh cho rằng: Cần có bước đi và cách làm phù hợp với tình hình thực tế, không quá cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và hoàn thiện. Mục tiêu cuối cùng là khắc phục cho được tình trạng “hành chính hóa”, các ban khi được thành lập phải thể hiện rõ chức năng, nhiệm vụ của từng ban, việc hòa trộn nhiệm vụ của MTTQ và các đoàn thể với nhau để cùng hoạt động đòi hỏi tính tương tác, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ.
Sau khi sắp xếp, tinh gọn, bộ máy giữa MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội (Phụ nữ, Thanh niên, Nông dân, Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động) cấp huyện sẽ là một cơ quan chung, có con dấu, tài khoản riêng. Tổ chức của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện vẫn tồn tại độc lập theo ngành dọc cấp trên, có tổ chức ở cấp huyện và cấp cơ sở theo quy định của luật, hoạt động theo điều lệ các tổ chức. Trong đó, lãnh đạo khối sẽ là 1 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch UBMTTQ kiêm Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy. Phó Trưởng khối sẽ gồm 5 đồng chí: Phó Chủ tịch Thường trực MTTQ và trưởng các đoàn thể. Bộ phận giúp việc gồm 1 văn phòng và 3 ban chuyên môn nghiệp vụ, gồm Ban Tuyên truyền pháp luật, Ban Dân chủ pháp luật và Ban Kiểm tra giám sát. Qua đó, tiết kiệm được từ 10 - 15% biên chế do tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Cụ thể, tại huyện Lâm Hà tiết kiệm và đã giảm được 8 biên chế, tương đương 25,85%; Đạ Huoai trong năm 2017 đã giảm được 3 biên chế, tương đương 10,34%.
Như vậy, với bộ máy trên, theo lộ trình giảm biên chế sẽ gom đầu mối và tinh lọc cán bộ, công chức hơn. Sẽ có những khó khăn khó tránh khỏi đó là biên chế giảm trong khi yêu cầu công việc tăng; một số cán bộ, đảng viên do chưa có chuyên môn sâu, chưa có kinh nghiệm công tác vận hành theo mô hình cơ quan khối nên sẽ không tránh khỏi những lúng túng ban đầu. Mặt khác, Trưởng khối do kiêm nhiệm nhiều việc, vừa là Chủ tịch MTTQ vừa kiêm Trưởng Ban Dân vận, điều hành chung toàn khối nên đòi hỏi người cán bộ phải đủ bản lĩnh, có bước đột phá lớn thì mới tạo hiệu quả thực sự.
Hiện ở Đạ Tẻh, theo ghi nhận có 3 vướng mắc, đó là về cơ chế tài chính của Liên đoàn Lao động không từ ngân sách nhà nước mà từ nguồn kinh phí công đoàn nên vẫn dưới sự điều tiết của ngành dọc cấp trên. Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện nhiệm vụ quan trọng, nhưng lại thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý; thuế thực hiện nhiệm vụ quan trọng số 1 của địa phương về thu ngân sách nhưng lại thuộc Cục Thuế quản lý, đôi khi rất khó trong tổ chức quản lý của huyện, đôi khi địa phương có hướng thay nhân sự nhưng không thực hiện được vì phải xin ý kiến ngành dọc cấp trên và cấp trên không đồng thuận. Trong khi tất cả đều góp phần chung tạo ra kết quả hoạt động toàn huyện.
Bà Nguyễn Thị Nhạn - Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy chia sẻ: Chủ trương thành lập khối MTTQ - đoàn thể là tất yếu và đương nhiên phải làm. Tỉnh chọn 3 đơn vị làm thí điểm là Lâm Hà, Đạ Tẻh, Đạ Huoai. Theo tinh thần nghị quyết 39 của Trung ương là giảm 10% biên chế đến năm 2021; riêng tỉnh Lâm Đồng, quyết tâm cao và phấn đấu có thể giảm từ 15 - 18% theo lộ trình. Đây là cơ sở để có nguồn kinh phí dôi dư điều tiết về cơ sở, tăng thu nhập cho công chức, viên chức. Từ đó, thúc đẩy đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tâm huyết, trách nhiệm, hiệu quả hơn.
Từ thực tiễn đặt ra cho công tác cán bộ của khối Mặt trận - đoàn thể, nếu mỗi công chức không tự đổi mới, không nhanh nhạy, không bản lĩnh, không có năng lực thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu công việc của cơ quan, đơn vị đề ra. Tự mỗi cán bộ, công chức phải điều chỉnh cho phù hợp với công việc của mình. Là cơ quan chuyên môn về tuyên truyền, vận động, hiệu quả đạt được hay không chính là vận động có tốt hay không, mục tiêu hướng đến cuối cùng chính là ở khu dân cư, ở hộ gia đình. Đó chính là cách để bộ máy nhà nước gần dân nhất, sát dân nhất. Phải thường xuyên đi cơ sở, nắm bắt tình hình tư tưởng, diễn biến trong nhân dân để tham mưu biện pháp xử lý kịp thời.
Theo đó, mỗi cán bộ, chuyên viên trong khối Mặt trận - đoàn thể cần tăng cường đổi mới, sáng tạo và cần có tinh thần vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao - chính là yêu cầu đặt ra cho cán bộ, công chức trong giai đoạn hiện nay.
Bức tranh tươi sáng được mở ra sau khi Nghị quyết 18 đi vào cuộc sống. Đó chính là xây dựng được cơ cấu tổ chức bộ máy trong khối Mặt trận - đoàn thể đảm bảo tinh gọn, phù hợp; khắc phục được sự cồng kềnh, chồng chéo. Tiết kiệm được ngân sách, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức và tiết kiệm cơ sở vật chất do thực hiện dùng chung trụ sở làm việc. Nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy viên, tăng cường vai trò liên minh chính trị, nâng cao chất lượng tham mưu, chất lượng phong trào thi đua, cuộc vận động, tạo sức mạnh tổng hợp trong toàn khối, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
NGUYỆT THU