Ngay sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình hình kinh tế-xã hội, ngày 3/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, tập trung vào công tác xây dựng thể chế pháp luật và cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng khác.
Ngay sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình hình kinh tế-xã hội, ngày 3/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, tập trung vào công tác xây dựng thể chế pháp luật và cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng khác.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nghe Bộ Tư pháp trình bày báo cáo về tình hình thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh quý 2/2018.
Theo kế hoạch, các bộ phải xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 151 văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh gồm 60 văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và 91 văn bản quy định chi tiết các luật chưa có hiệu lực.
Tính đến ngày 30/6/2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 93/151 văn bản.
Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đôn đốc các bộ đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, ban hành văn bản, khắc phục tình trạng xin lùi thời hạn trình và nợ ban hành văn bản.
Các bộ, ngành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng pháp luật; đặc biệt, chỉ đạo việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị và dự án, dự thảo văn bản đầy đủ, chính sách rõ ràng, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng quy định của Luật.
Các bộ chủ động soạn thảo để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 47 văn bản quy định chi tiết các luật và nội dung được giao quy định chi tiết có hiệu lực trong thời gian tới, nhất là 19 văn bản quy định chi tiết 6 luật có hiệu lực từ ngày 1/7.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng đề cập đến những ý kiến góp ý, đề nghị của các địa phương về thể chế, cơ chế chính sách trong hội nghị kinh tế xã hội sáu tháng vừa qua và đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhanh chóng hoàn thiện tổng hợp các kiến nghị này để trình Thường trực Chính phủ xem xét với tinh thần giải quyết, trả lời sớm cho các địa phương. Đối với những vấn đề cần giao các bộ nghiên cứu trả lời thì hạn định thời gian cụ thể.
Về công tác xây dựng pháp luật, nhất trí với báo cáo của Bộ Tư pháp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng phải tập trung hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế. Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã xem xét về đề nghị xây dựng Nghị định quy định quản lý cát, sỏi lòng sông.
|
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đây là vấn đề bức xúc. Bên cạnh việc xin chủ trương xây dựng nghị định, Bộ đã tiến hành công tác soạn thảo, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan theo hướng sau khi Chính phủ thông qua chủ trương thì có thể ban hành trong thời gian sớm nhất, phấn đấu là trong tháng Bảy này.
Về vấn đề này nhận được sự tán thành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ theo hướng ngăn chặn tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, cũng cần ứng dụng tiến bộ khoa học, đẩy mạnh việc sử dụng các vật liệu thay thế.
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết Bộ đã có nghiên cứu đối với lĩnh vực vật liệu thay thế và sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý, giải quyết vấn đề này. Bộ trưởng cho biết hiện đã xuất hiện một số mô hình sản xuất cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên. Bộ cũng đã nghiên cứu việc xử lý cát nhiễm mặn cho nhu cầu xây dựng.
Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, thảo luận về dự án luật Kiến trúc; phương án phân bổ sử dụng nguồn kinh phí còn lại và xử lý một số vướng mắc trong việc chuyển nguồn kinh phí thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2017, dự thảo Nghị định quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài.
Theo TTXVN