Toàn văn Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

10:07, 03/07/2018

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
 
Quang cảnh bế mạc Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Quang cảnh bế mạc Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Quốc hội quyết định:
 
1. Thông qua 07 luật: Luật Quốc phòng; Luật An ninh mạng; Luật Tố cáo; Luật Cạnh tranh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch.
 
2. Cho ý kiến về 09 dự án luật: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học; Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
 
3. Biểu quyết tán thành việc chưa trình Quốc hội thông qua dự án luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại kỳ họp thứ 5.
 
4. Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về 4 nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực: giao thông vận tải; tài nguyên và môi trường; lao động, thương binh và xã hội; giáo dục và đào tạo. Thực hiện giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016”. Xem xét các báo cáo về: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 và một số báo cáo khác của cơ quan, tổ chức hữu quan.
 
5. Thông qua 08 nghị quyết về: chất vấn và trả lời chất vấn; tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019; thành lập 02 Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019 và Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
 
Nghị quyết nhấn mạnh Quốc hội nhất trí:
 
1. Đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp, nhiệm vụ của Chính phủ, các cấp, các ngành, biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017 và những tháng đầu năm 2018.
 
Chính phủ, các cấp, các ngành tập trung triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng còn lại của năm 2018; giải quyết có hiệu quả các hạn chế, yếu kém; đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư, triển khai đúng tiến độ các công trình quan trọng quốc gia, bảo đảm hiệu quả đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; chăm lo phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc trong xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công; tiếp tục bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững, ổn định trật tự an toàn xã hội; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, tích cực xử lý các vấn đề môi trường, xâm nhập mặn, sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long, sạt lở sông, suối, bảo vệ và phát triển rừng; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; tăng cường tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương, chính sách mới, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong hành động, bảo đảm môi trường ổn định, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của Nhân dân.
 
2. Quyết định tỷ lệ phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước giai đoạn 2017 - 2020.
 
a) Đối với trường hợp giấy phép khai thác tài nguyên nước do cơ quan trung ương cấp, thực hiện phân chia 70% số thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho ngân sách trung ương, 30% cho ngân sách địa phương.
 
b) Đối với trường hợp giấy phép khai thác tài nguyên nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, thực hiện để lại 100% số thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho ngân sách địa phương.
 
c) Chính phủ hướng dẫn tổ chức thực hiện phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
 
3. Phát hành trái phiếu Chính phủ để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
 
a) Phát hành 22.090 tỷ đồng (hai mươi hai nghìn không trăm chín mươi tỷ đồng) trái phiếu Chính phủ trong 3 năm 2018, 2019 và 2020 để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với khoản đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995. Trong đó, năm 2018 là 6.000 tỷ đồng (sáu nghìn tỷ đồng), năm 2019 là 7.000 tỷ đồng (bảy nghìn tỷ đồng) và năm 2020 là 9.090 tỷ đồng (chín nghìn không trăm chín mươi tỷ đồng).
 
Mức phát hành trái phiếu Chính phủ nhận nợ hằng năm phải nằm trong tổng mức vay của ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, bảo đảm nợ công trong giới hạn cho phép.
 
b) Tiền lãi đối với khoản nhận nợ 22.090 tỷ đồng (hai mươi hai nghìn không trăm chín mươi tỷ đồng) trong thời gian chưa phát hành trái phiếu Chính phủ được tính từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 và theo lãi suất trái phiếu Chính phủ có cùng kỳ hạn phát hành trong tháng 12 năm 2015. Tiền lãi này được thanh toán hằng năm hoặc cộng dồn đến cuối kỳ để phát hành trái phiếu Chính phủ bổ sung nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
 
c) Chính phủ xác định phương án trả lãi, báo cáo Quốc hội quyết định khi trình dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến kế hoạch sử dụng và bảo toàn, phát triển quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
 
4. Giao Chính phủ ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu. Nguồn kinh phí thực hiện do quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm.
 
5. Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo việc tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, cơ quan, tổ chức, cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và Nhân dân để hoàn thiện dự thảo luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, hoàn chỉnh các dự thảo nghị quyết, đề án về thành lập từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong cử tri và Nhân dân.
 
6. Mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục và đổi tên dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục thành dự án luật Giáo dục (sửa đổi).
 
7. Chưa sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xây dựng và luật Quy hoạch đô thị trong dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến luật Quy hoạch. Chính phủ khẩn trương rà soát, chuẩn bị nội dung cần sửa đổi, bổ sung của hai Luật này và các luật khác cho phù hợp với luật Quy hoạch để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6, nhằm bảo đảm luật Quy hoạch được triển khai thực hiện đồng bộ từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.
 
8. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nâng cao chất lượng tổng hợp, giải quyết và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và Nhân dân; triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện kiến nghị nêu trong Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân tại kỳ họp thứ 5 và Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4.
 
Nghị quyết nêu rõ Quốc hội yêu cầu:
 
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, chính quyền các cấp và các cơ quan, tổ chức hữu quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này; nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến; tích cực chuẩn bị, bảo đảm chất lượng, tiến độ các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
 
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội.
 
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội được thành lập theo quy định của pháp luật giám sát và động viên mọi tầng lớp Nhân dân thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội.
 
Theo TTXVN