Xây dựng chính quyền từ việc tham mưu giải quyết bất cập

08:07, 23/07/2018

Ðể công tác xây dựng chính quyền không mang tính hình thức, thành tích, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc đã tăng cường nắm bắt tâm tư, kiến nghị của nhân dân, kịp thời tham mưu cấp ủy, lãnh đạo các cấp quan tâm giải quyết, xử lý kịp thời...

Ðể công tác xây dựng chính quyền không mang tính hình thức, thành tích, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) đã tăng cường nắm bắt tâm tư, kiến nghị của nhân dân, kịp thời tham mưu cấp ủy, lãnh đạo các cấp quan tâm giải quyết, xử lý kịp thời. Chính những tác động đó đã góp phần ngày càng hoàn thiện bộ máy công quyền, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. 
 
Đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận góp ý tâm huyết xây dựng chính quyền.Ảnh: N.Thu
Đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận góp ý tâm huyết xây dựng chính quyền. Ảnh: N.Thu

Bên cạnh việc kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng và những kiến nghị của các đoàn viên, hội viên, các vị chức sắc tôn giáo, nhà tu hành, các nhân sĩ, trí thức, các tầng lớp nhân dân tham mưu giải quyết kịp thời, thì UBMTTQ tỉnh còn tích cực tham gia công tác xây dựng chính quyền thông qua hoạt động đối thoại,  giám sát và phản biện, thông qua công tác tiếp dân, lắng nghe ý kiến nhân dân…
 
Theo đó, ngay từ đầu năm, UBMTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên đã xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Phối hợp chặt chẽ trong việc đăng ký giám sát của từng cơ quan, đơn vị với MTTQ nhằm tránh trùng lắp nội dung, địa điểm giám sát, tạo thuận lợi cho các đơn vị được giám sát, được các tổ chức thành viên đồng thuận và thống nhất cao trong phương pháp triển khai thực hiện.
 
Theo bà Hoàng Thị Khiêm - Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh: Nội dung giám sát của từng cấp phù hợp, sát với tình hình thực tế ở địa phương, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân đang bức xúc, quan tâm. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, đã tổ chức 25 đợt giám sát độc lập và 154 đợt giám sát phối hợp cùng HĐND trên nhiều lĩnh vực như đầu tư xây dựng cơ bản; đơn thư khiếu nại, tố cáo; các chương trình mục tiêu quốc gia; công tác quản lý bảo vệ rừng; các hoạt động văn hóa xã hội; việc quản lý các doanh nghiệp về đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; việc quản lý kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân; vệ sinh an toàn thực phẩm; chất lượng, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức ở cơ sở thông qua cơ chế đánh giá sự hài lòng của người dân.
 
Đặc biệt, theo bà Hoàng Thị Khiêm, thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy,  Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh đã triển khai giám sát liên thông giữa 3 cấp tỉnh - huyện - xã, nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở trong việc giám sát những vấn đề xã hội đang quan tâm. Cụ thể, như giám sát về “ Một số dự án du lịch sinh thái kết hợp quản lý, bảo vệ rừng giai đoạn 2005 - 2015” trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo thuận lợi và nhất quán trong điều hành, chỉ đạo của chính quyền các cấp thông qua các kiến nghị sau khi kết thúc giám sát liên thông MTTQ các cấp. Đây là một việc làm khó và lần đầu tiên triển khai nhưng bước đầu đã cho thấy hiệu quả thật sự, tạo sự thống nhất cao trong toàn hệ thống chính trị, các ngành liên quan khi xử lý sự việc sai phạm. Đồng thời, cũng tránh được chồng chéo giữa các cấp trong triển khai thực hiện, giúp nâng cao năng lực, hiệu quả giám sát của cấp cơ sở trong việc phát hiện vấn đề mà cộng đồng xã hội, các tầng lớp nhân dân đang quan tâm, bức xúc.
 
Hoạt động đối thoại và phản biện xã hội cũng đang từng bước tạo hiệu quả đáng kể, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tiến hành phản biện 70 dự thảo văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và của chính quyền các địa phương trên lĩnh vực kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội. Cụ thể, tại cơ quan UBMTTQ tỉnh, thời gian qua, các đoàn thể chính trị, các tổ chức thành viên đã tiến hành góp ý, phản biện dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh, dự thảo quy hoạch Khu Du lịch Quốc gia Đan Kia - Suối Vàng đến năm 2025 - tầm nhìn 2030, các đề án đổi tên đường tại thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, Đạ Huoai. Góp ý điều chỉnh dự thảo Quyết định ban hành quy chế hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, dự thảo Quy chế làm việc của Ban Công tác Người cao tuổi tỉnh Lâm Đồng… Được biết, việc lấy ý kiến góp ý phản biện đã được Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh tổ chức lấy ý kiến từ 2 đến 3 lần cho một chính sách, chủ trương và luôn chú trọng phát huy vai trò của tổ chức thành viên, của Hội đồng Tư vấn Dân chủ - pháp luật, Hội đồng Dân tộc của UBMTTQ. Các ý kiến phản biện mang tính khoa học, góp ý trên tinh thần xây dựng đã cơ bản được các cấp, ngành tiếp thu, ghi nhận, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy định pháp luật và sát với thực tiễn.
 
Hoạt động đối thoại gần đây giữa người đứng đầu với các doanh nghiệp, nông dân, đồng bào DTTS đã được Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh và Ban Dân vận tham mưu Thường trực Tỉnh ủy triển khai thực hiện và đã phát huy tốt quy chế dân chủ, đảm bảo sự công khai, minh bạch và kịp thời tháo gỡ những rào cản, khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, địa phương, doanh nghiệp. Với cấp huyện, thành phố, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng đã kịp thời  tham mưu cấp ủy đảng tổ chức đối thoại về nhiều nội dung nhân dân quan tâm như các vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, đất đai, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... Tại các buổi đối thoại cấp huyện, thành, nhiều ý kiến tham gia góp ý đã được các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình, đưa vào kế hoạch xử lý giải quyết kịp thời. Từ đây đã trở thành kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan phải lắng nghe, điều chỉnh, bổ sung và hoàn chỉnh hơn trước khi ban hành nghị quyết, quyết định, thực thi chính sách sát thực tế hơn, đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho nhân dân. Qua đó, tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.               
 
NGUYỆT THU