Từ thực tế các vấn đề về rừng ngày càng trở nên cấp bách, ngày 12/1/2017, Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng" ra đời. Và, việc thực hiện Chỉ thị 13 trên địa bàn huyện Ðức Trọng có nhiều đổi mới, đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Từ thực tế các vấn đề về rừng ngày càng trở nên cấp bách, ngày 12/1/2017, Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” ra đời. Và, việc thực hiện Chỉ thị 13 trên địa bàn huyện Ðức Trọng có nhiều đổi mới, đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
|
Bí thư Huyện ủy Đức Trọng Nguyễn Ngọc Phúc (bìa trái) cùng các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế quần thể thông đỏ tại khu vực Núi Voi. Ảnh: N.Ngà |
Vấn đề đặt ra
Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ vừa qua, lãnh đạo huyện Đức Trọng đã thẳng thắn nhìn nhận: Trong 3 năm qua, tỷ lệ che phủ rừng của Đức Trọng đạt 31,2%, tăng 0,5%. Tỷ lệ này tăng rất thấp, không đảm bảo tiến độ theo nghị quyết. Nguyên nhân do công tác giải tỏa thu hồi đất lấn chiếm chưa kiên quyết, hầu hết những diện tích giải tỏa đến nay đã bị tái lấn chiếm. Công tác trồng xen cây lâm nghiệp chưa đảm bảo, chuẩn bị hiện trường trồng còn chậm, tỉ lệ trồng, tỷ lệ cây sống chưa đạt so với kế hoạch, một số hộ dân không chấp hành chủ trương trồng xen cây rừng, chủ yếu trồng bờ lô, bờ thửa nên ảnh hưởng đến mục đích nâng cao độ che phủ....
Bên cạnh đó, tình trạng phá rừng, khai thác, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép còn xảy ra. Một số doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để triển khai dự án còn buông lỏng trong việc tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, chưa phát hiện kịp thời còn để rừng bị phá, khai thác trái phép và lấn chiếm đất lâm nghiệp làm rẫy trên phần diện tích thuê… Điều này đặt ra nhiệm vụ rất lớn cho cả hệ thống chính trị huyện Đức Trọng trong việc thực hiện các vấn đề liên quan đến rừng.
Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 13, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng đã xây dựng chương trình hành động để triển khai thực hiện. Dựa vào tình hình thực tế về vấn đề rừng trên địa bàn nên kế hoạch được xây dựng hướng đến các mục tiêu chính: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc về nhận thức trước hết là trong cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác này để tích cực, quyết liệt trong việc phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra các vụ việc liên quan đến rừng...
Trong 8 nhóm giải pháp chính được đưa ra để thực hiện theo tinh thần nội chung Chỉ thị, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng chú trọng nội dung quy định trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Cụ thể, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các địa phương, các cơ quan quản lý rừng… phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi, lĩnh vực, địa bàn mình quản lý, hoặc để cho các tổ chức, cá nhân, cấp dưới, người thân vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Theo đó, thời gian gần đây, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các vấn đề về rừng đã có nhiều chuyển biến, đặc biệt chú ý nhiều tới trách nhiệm của người đứng đầu.
Có đi thì mới rõ
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Phúc - Bí thư Huyện ủy Đức Trọng nói: “Đức Trọng có diện tích đất lâm nghiệp lên đến trên 42 ngàn ha, chiếm gần 50% diện tích đất tự nhiên. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn hiện được giao cho 3 đơn vị chủ rừng Nhà nước, 28 doanh nghiệp, cá nhân thuê đất rừng để đầu tư dự án và 1 cộng đồng dân cư. Với diện tích lớn như vậy không đi thực tế thì làm sao nắm rõ được tình hình, sẽ rất khó trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo”.
Về sự đổi mới trong việc thực hiện Chỉ thị của lãnh đạo huyện, Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh thêm: Rừng và đất rừng là một trong những vấn đề nóng được đặt lên hàng đầu trong công tác lãnh, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy. Hiện tại, mỗi tuần Bí thư Huyện ủy, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện… thay phiên nhau tới các vị trí là điểm “nóng” về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và san ủi mặt bằng để kiểm tra tình hình và kịp thời chỉ đạo xử lý sát với tình hình thực tế. Nếu như trước đây những địa điểm lãnh đạo huyện đến kiểm tra, xem xét đều do kiểm lâm và các ban quản lý rừng chịu trách nhiệm chuẩn bị thì hiện nay lãnh đạo huyện chủ động chọn vị trí thông qua các vụ việc, hoặc chọn tọa độ kiểm tra thông qua bản đồ vệ tinh và yêu cầu kiểm lâm, các ban quản lý rừng, các phòng, ban liên quan và địa phương trực tiếp tham gia kiểm tra thực địa.
“Sau các buổi kiểm tra, lãnh đạo huyện làm việc ngay với các đơn vị liên quan. Những vấn đề đặt ra được lãnh đạo huyện chỉ đạo yêu cầu giải quyết trong khoảng thời gian nhất định. Sau khoảng thời gian cho phép, lãnh đạo huyện còn thực hiện việc “hậu kiểm” để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị” - ông Nguyễn Ngọc Phúc nói.
Ông Nguyễn Văn Trung - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng cho biết thêm: ““Hậu kiểm” là một trong những động thái mạnh trong công tác lãnh, chỉ đạo của huyện. Điều này tránh được việc các đơn vị làm qua loa, đối phó hoặc không thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, việc lãnh đạo cao nhất của huyện trực tiếp thực tế kiểm tra hiện trường các điểm nóng về rừng và đất rừng ngoài việc làm gương, nêu cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ lực lượng kiểm lâm, cán bộ ban quản lý rừng còn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự vào cuộc của lãnh đạo các xã đối với các vấn đề này; qua đó, giúp cho nhiều vấn đề cấp bách được chỉ đạo giải quyết ngay tại chỗ”.
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng: Thời gian gần đây, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở luôn đặt công tác bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm, thường xuyên với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhờ vậy, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật không còn xảy ra phức tạp. Những vụ vi phạm đã được phát hiện kịp thời, giảm thiệt hại về tài nguyên rừng. Công tác kiểm tra, truy quét được thực hiện thường xuyên nên tình hình vận chuyển lâm sản ở các vùng giáp ranh đã được kiểm soát. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2018, đã có 50 vụ việc liên quan đến rừng và đất rừng bị phát hiện và xử lý; trong đó, 18 vụ có đối tượng và vắng chủ 32 vụ, tịch thu 85,498 m3 gỗ các loại…
Tuy nhiên, hiện nay, những khó khăn trong vấn đề liên quan đến rừng và đặc biệt là đất rừng không chỉ là vấn đề của riêng Đức Trọng mà đó là vấn đề quan trọng tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 13 với sự chuyển biến từ cấp lãnh đạo là điều cần thiết, nhưng phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và người dân thì hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng mới được như mong muốn.
Phát triển, quản lý và bảo vệ rừng không chỉ có những lợi ích trước mắt mà là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lâu dài và không phải là nhiệm vụ của riêng ai. Việc chỉ đạo sát sao, điều hành quyết liệt và nỗ lực, cố gắng trong đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ về rừng là một trong những yếu tố quyết định để cả hệ thống chính trị đứng chung trong vòng trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chung này.
NGỌC NGÀ