"Gặt hái" được nhiều thành tựu quan trọng

08:08, 03/08/2018

Ngày 30/1/2008, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 22 về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên". 10 năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã giúp Lâm Ðồng "gặt hái" được nhiều mục tiêu đặt ra.

Ngày 30/1/2008, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 22 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”. 10 năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã giúp Lâm Ðồng ”gặt hái” được nhiều mục tiêu đặt ra.
 
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng tại huyện Lâm Hà. Ảnh: Ngọc Ngà
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng tại huyện Lâm Hà. Ảnh: Ngọc Ngà

Củng cố chất lượng đội ngũ
 
Để cụ thể hóa Nghị quyết trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch kiểm tra, đôn đốc thực hiện và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về xây dựng tổ chức cơ sở đảng. Theo đó, từ năm 2010 đến nay, sau mỗi nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch cụ thể về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng và hệ thống chính trị cơ sở. Đây là tiền đề để các địa phương trong tỉnh căn cứ vào đó triển khai thực hiện Nghị quyết 22 phù hợp với tình hình địa phương.
 
Ông Khổng Hữu Kiên - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đam Rông cho biết: Thời gian qua, từ kế hoạch của tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp như: Tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phổ biến và quán triệt các quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng, các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, duy trì nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong sinh hoạt Đảng. Lấy chất lượng và hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị để đánh giá năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên…
 
Việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 22 tại các địa phương đã góp phần giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, có ý thức tổ chức kỷ luật, tiền phong gương mẫu, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ. 
 
Để tăng cường sức mạnh cho Đảng, công tác phát triển Đảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Bởi vậy, nhiều tổ chức cơ sở đảng đã xây dựng nghị quyết chuyên đề, đăng ký chỉ tiêu phấn đấu hàng năm trong tạo nguồn phát triển đảng viên. Chỉ tính riêng trong khối xã, phường, thị trấn, từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã kết nạp thêm được 4.161 đảng viên mới. Bên cạnh đó, việc trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa, từng bước nhất thể hóa chức danh cán bộ ở cơ sở cũng được các cấp ủy đảng trong tỉnh chú trọng triển khai. Cụ thể, số cán bộ chuyên trách ở cơ sở xã, phường, thị trấn hiện nay là 1.550 người; trong đó, độ tuổi từ dưới 30 đến 35 tuổi là 349 người, chiếm tỷ lệ 22,51%, tăng 10,8%... Nhiều xã, phường, thị trấn đã mạnh dạn tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi là con em ở địa phương để bổ sung vào các vị trí công tác theo quy định, góp phần trẻ hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở địa phương. Các huyện ủy, thành ủy đã tăng cường 62 cán bộ cấp huyện xuống công tác tại các xã, phường, thị trấn. Thực hiện Đề án 600 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh đã xét chọn được 5 cá nhân về công tác tại 5 xã thuộc huyện Đam Rông. Năm 2013, tỉnh có chủ trương chọn trí thức trẻ là người dân tộc gốc Tây Nguyên đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng hệ chính quy để tăng cường về làm phó chủ tịch UBND các xã đặc biệt khó khăn và xã có điều kiện kinh tế chậm phát triển thuộc tỉnh Lâm Đồng. Trên cơ sở đó, đã lựa chọn được 42 đội viên phân công về 42 xã. 
 
Việc thực hiện các giải pháp trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa cán bộ, đã tạo ra sự chuyển biến có tính đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, góp phần khắc phục tình trạng hụt hẫng trong quy hoạch, bố trí cán bộ. 
 
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 14 đồng chí bí thư cấp xã đồng thời là chủ tịch UBND; 10 chủ tịch HĐND cấp xã là chuyên trách; 127 chủ tịch HĐND cấp xã kiêm nhiệm; 100% chức danh chủ tịch HĐND cấp huyện là kiêm nhiệm. Qua đó, đã tạo sự thống nhất trong lãnh đạo và điều hành; bộ máy ngày càng gọn nhẹ, biên chế được tinh giản, tiết kiệm ngân sách, phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. 
 
Nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng 
 
Để hoàn thiện và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiến hành khảo sát, lập đề án, chỉ đạo các cấp ủy tiến hành sắp xếp thành lập đảng bộ cơ sở cơ quan Đảng - Đoàn thể và đảng bộ cơ sở cơ quan Chính quyền trực thuộc huyện ủy, thành ủy, dưới đảng bộ cơ sở là các chi bộ trực thuộc của các phòng, cơ quan tham mưu mà trước đây là các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc cấp huyện. Nếu như cuối năm 2012, toàn tỉnh có 831 TCCS đảng, sau khi tiến hành sắp xếp, đến tháng 6/2013 còn 687 TCCS đảng. Từ năm 2008 đến nay, đã nâng cấp 5 chi bộ cơ sở xã thành đảng bộ cơ sở, hoàn thành chỉ tiêu 100% xã, phường, thị trấn là đảng bộ cơ sở; thành lập mới 672 chi bộ thôn, tổ dân phố, xóa 92 thôn, tổ dân phố chưa có đảng viên... 
 
Quá trình thực hiện nghị quyết đã tạo ra nhiều chuyển biến trong việc chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp. Đơn cử như kết quả khảo sát của Ban Tổ chức Thành ủy Đà Lạt, trong những năm qua, hầu hết các TCCS đảng đều thể hiện vai trò hạt nhân lãnh đạo. Nhiều tổ chức đảng đã quan tâm đổi mới sinh hoạt cấp ủy từ khâu chuẩn bị nội dung, tổ chức sinh hoạt, ban hành nghị quyết đến thực hiện. Nội dung sinh hoạt ở nhiều chi bộ đã tập trung bàn những vấn đề cụ thể, thiết thực gắn với tình hình địa phương. Một số chi bộ đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề để kịp thời giải quyết những bức xúc của người dân, từ đó tạo sự đồng thuận trong xã hội...
 
Còn tại Huyện ủy Đức Trọng, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công các đồng chí là UVBTV trực tiếp theo dõi, hướng dẫn và dự sinh hoạt với các chi bộ, đảng bộ cơ sở. Đồng thời, thành lập các tổ công tác của cấp ủy cấp huyện về dự sinh hoạt với đảng ủy cơ sở và chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, qua đó có những định hướng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát với thực tiễn, nhằm nâng cao chất lượng TCCS đảng và đảng viên.
 
Còn ở cấp xã, ông Dơng Gur Ha Jak - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Long nói: Trên cơ sở chỉ đạo của huyện, Đảng ủy xã đã nắm chắc mục đích, yêu cầu và các giải pháp chủ yếu để chủ động rà soát đánh giá thực trạng và xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với địa phương. Từng bước thực hiện theo cách dễ làm trước, khó làm sau, tập trung vào những nơi còn yếu kém, trì trệ thông qua các nghị quyết chuyên đề để tập trung thực hiện.
 
Suốt 10 năm, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhiều mô hình mới, cách làm hay đã xuất hiện, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên dần được nâng lên. 10 năm qua  cũng là quãng thời gian để Tỉnh ủy Lâm Đồng nhận ra những bất cập trong thực hiện nhiệm vụ này. Đó là cơ sở để thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo hợp lý cho thời gian tiếp theo để “gặt hái” thêm nhiều thành tựu trong công tác xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ.
 
NGỌC NGÀ