Ða Quyn: Phát huy vai trò lãnh đạo của Ðảng trong xây dựng nông thôn mới

08:08, 28/08/2018

Ðược sự quan tâm kịp thời của Nhà nước, của tỉnh, của huyện; với sự chỉ đạo sát sao của Ðảng ủy, chính quyền xã, đến nay Ða Quyn, Ðức Trọng đã "thay da đổi thịt", đời sống nhân dân ngày một nâng lên. Xã đạt chuẩn nông thôn mới với 19 tiêu chí, góp phần đưa tổng số 14/14 xã của Ðức Trọng đạt chuẩn nông thôn mới đề ra; tiến tới huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2018.

Ðược sự quan tâm kịp thời của Nhà nước, của tỉnh, của huyện; với sự chỉ đạo sát sao của Ðảng ủy, chính quyền xã, đến nay Ða Quyn, Ðức Trọng đã “thay da đổi thịt”, đời sống nhân dân ngày một nâng lên. Xã đạt chuẩn nông thôn mới với 19 tiêu chí, góp phần đưa tổng số 14/14 xã của Ðức Trọng đạt chuẩn nông thôn mới đề ra; tiến tới huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2018.
 
Xã Đa Quyn được tách ra từ xã Tà Năng vào năm 2009, là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đức Trọng. Xã có thôn đặc biệt khó khăn, thuộc khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở vật chất thiếu thốn, đường sá đi lại khó khăn nhưng với sự quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân nỗ lực phát triển kinh tế, ứng dụng cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao nên đời sống nhân dân ngày càng đi vào ổn định, thúc đẩy kinh tế địa phương đi lên rõ rệt. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 6,92%. 
 
Đảng bộ xã có 13 chi bộ cơ sở trực thuộc với 89 đảng viên, Ban Chấp hành Đảng bộ xã hiện có 11 đồng chí, Ban Thường vụ 3 đồng chí và hoạt động rất hiệu quả bởi vai trò gương mẫu tiên phong của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức trong thực hiện mọi nhiệm vụ. 
 
Tổ chức bộ máy cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị, xã hội từ xã đến thôn thường xuyên được kiện toàn, bổ sung. Vì vậy, hoạt động của Đạ Quyn được ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
 
Được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp; Đảng ủy Đa Quyn thường xuyên quan tâm, kịp thời xây dựng, ban hành nghị quyết. Mặt khác, trực tiếp phân công, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, đảng viên từng chi bộ nên mọi nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của Đa Quyn đều đạt kế hoạch đề ra.
 
Do địa bàn là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, xuất phát điểm thấp với nhiều khó khăn (bà con chủ yếu là thuộc diện giãn dân từ N’thol Hạ, Phú Hội và các xã khác đến) nên việc tiếp cận khoa học ứng dụng công nghệ cao còn chậm. Một số ít bà con còn trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, chưa phát huy vai trò chủ động tự giác vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu.
 
Xác định những hạn chế nêu trên, thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã Đa Quyn đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tiến hành xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể nhằm đôn đốc các ngành, đơn vị thực hiện.
 
Trong đó, Đảng ủy chú trọng công tác tuyên truyền, phát huy vai trò của MTTQ và đoàn thể, khơi dậy tính tích cực, tinh thần tự giác của cán bộ, tổ chức và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
 
Bằng nhiều hoạt động tích cực trong triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, “Dân vận khéo”, “5 không, 3 sạch”, chỉnh trang nhà ở, trồng cây xanh, dọn vệ sinh, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng vật nuôi…; nhân dân Đa Quyn đã từng bước thay đổi thói quen canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật và từng bước thoát nghèo, nâng cao mức sống. Cụ thể, năm 2017 đã chỉnh trang được 35 căn nhà, vận động nhân dân di dời 21 chuồng trại để đảm bảo vệ sinh môi trường sạch, đẹp.
 
Yếu tố công khai dân chủ được Đảng ủy, UBND xã quán triệt sâu sắc. Nội dung quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới của xã Đa Quyn giai đoạn 2015 - 2020 đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã và tại 8 thôn trên địa bàn xã để nhân dân biết, các tổ chức, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát.
 
Về hệ thống giao thông, đường sá và đường từ trung tâm xã đến huyện với gần 11 km đều đã được đầu tư nhựa hóa 100%. Đường trục thôn, bản, liên thôn đã được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm, đạt tỷ lệ 50%. Đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện cho nhân dân, đạt tỷ lệ trên 50%. Đường làng, ngõ xóm ngày càng sạch đẹp, đảm bảo không lầy lội vào mùa mưa.
 
Mặc dù là xã vùng sâu, nhưng hiện nay trên địa bàn xã đã có 3 điểm truy cập Internet tại các thôn Makir, Chơ Ré. Hệ thống viễn thông qua mạng 3G đã được phủ sóng 8/8 thôn của xã. Đã có 4 trạm BTS của nhà mạng Viettel, Vinaphone đáp ứng nhu cầu sử dụng, truy cập Internet của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao nhận thức, trình độ công nghệ và khả năng tiếp cận thông tin mới, hiện đại trong nhân dân.
 
Với sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và sự nỗ lực của nhân dân, đến nay, người dân Ða Quyn đã đạt mức thu nhập bình quân chung đầu người khu vực Tây Nguyên năm 2018 là 35 triệu đồng/người/năm.
 
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Đa Quyn Ya Thương cho biết: Sắp tới, với mục tiêu tiếp tục giữ vững 19 tiêu chí nông thôn mới và nâng cao chất lượng các tiêu chí trong thời gian đến, xã xác định sẽ tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, Ban quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó nhân dân là chủ thể tiếp tục tham gia xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển vững mạnh. 
 
HÀ NGUYỆT