Ðảng ủy xã Ðạ Sar phát huy vai trò lãnh đạo trong công tác quản lý, bảo vệ rừng

08:08, 24/08/2018

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, khoáng sản trên địa bàn, thời gian qua, Ðảng ủy xã Ðạ Sar (Lạc Dương) đã xem công tác quản lý, bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, được thực hiện thường xuyên và liên tục.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, khoáng sản trên địa bàn, thời gian qua, Ðảng ủy xã Ðạ Sar (Lạc Dương) đã xem công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và tài nguyên khoáng sản (TNKS) là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, được thực hiện thường xuyên và liên tục.
 
Tạo sinh kế cho người dân bằng cách chuyển đổi cây trồng, nhận giao khoán bảo vệ rừng là yếu tố làm giảm áp lực lên những cánh rừng ở Đạ Sar. Ảnh: Ð.Tú
Tạo sinh kế cho người dân bằng cách chuyển đổi cây trồng, nhận giao khoán bảo vệ rừng
là yếu tố làm giảm áp lực lên những cánh rừng ở Đạ Sar. Ảnh: Ð.Tú

Ðổi mới hình thức và phương thức tuyên truyền
 
Đảng ủy xã Đạ Sar đã cụ thể hóa nhiệm vụ này thành chương trình hành động cụ thể, trong đó tập trung vào 9 giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác QLBVR và TNKS. Đáng chú ý nhất là giải pháp: các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xã Đạ Sar đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước QLBVR, TNKS đến từng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, gia đình và cộng đồng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của rừng, TNKS đối với môi trường sống và sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. 
 
Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã Đạ Sar thường xuyên đổi mới hình thức và phương thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về QLBVR và TNKS phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận thông tin, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); xây dựng các bảng tuyên truyền ở những khu vực công cộng, trên các tuyến giao thông, nơi cửa rừng.
 
Là một xã miền núi có đông đồng bào DTTS sinh sống, diện tích tự nhiên trên 24.800 ha, trong đó có khoảng 20.000 ha là đất rừng nên việc xảy ra các vụ việc liên quan đến vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn diễn biến phức tạp.  Ông Bùi Quốc Huân - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Sar cho biết: Qua công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, TNKS đến từng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tình hình được cải thiện đáng kể, các vụ vi phạm nhìn chung diễn ra trên diện tích rất nhỏ, người dân đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng, xem rừng như một mối liên hệ mật thiết, gắn bó và được hưởng lợi từ công việc QLBVR. Mặt khác, việc tổ chức lực lượng truy quét các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là khai thác vàng, thiếc trái phép gây ô nhiễm môi trường, gây mất trật tự an toàn xã hội, lợi dụng khai thác khoáng sản để khai thác gỗ, lâm sản trái phép đã làm tình hình bớt căng thẳng.
 
Giao cho người dân trực tiếp bảo vệ
 
Xác định công tác QLBVR, TNKS là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài, Đảng ủy xã Đạ Sar đã căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương là nơi có khoảng 20.000 ha đất rừng, chỉ 4.000 ha là đất sản xuất nông nghiệp nên vấn đề đặt ra chính là chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao trong vùng đồng bào DTTS. Nếu như năm 2016, toàn xã có 86 hộ đồng bào DTTS chuyển đổi khoảng 22 ha diện tích đất trồng các loại không giá trị sang trồng rau, hoa, cây atisô thì đến nay đã có 130 hộ chuyển đổi cây trồng theo hướng công nghệ cao, với diện tích 300 ha luân canh, 100 ha sản xuất rau, hoa, cây atisô quay vòng; đặc biệt có đến 35 ha thực hiện trồng trọt quay vòng 7 vụ/năm, mang lại thu nhập cao cho người dân. 
 
70% hộ dân trong xã thực hiện nhận giao khoán bảo vệ rừng đã giúp 800/1.200 đồng bào DTTS có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo. 
 
Ông Klong Ha Jack (1963) là người có uy tín của Thôn 6, xã Đạ Sar phấn khởi: Nhờ nhận giao khoán bảo vệ rừng mà các hộ dân của thôn có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.  Nếu như trước đây người dân trong thôn phần lớn sống nhờ rừng, nhờ trời, nhờ đất thì bây giờ bà con đã chủ động đầu tư làm nhà kính, nhà lưới để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, góp phần tăng thêm thu nhập. 
 
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác QLBVR, TNKS là việc làm thường xuyên và liên tục của các địa phương trong thời gian qua. Nhưng có lẽ một điều đáng ghi nhận ở Đạ Sar chính là người dân, nhất là người đồng bào DTTS thấy được cái lợi của rừng khi mình là người trực tiếp bảo vệ. Rồi đến việc tạo sinh kế cho người dân theo cách tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao để họ không còn xách cưa vào rừng nữa…
 
ÐỨC TÚ