Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Tấm gương về lòng yêu nước và đạo đức cách mạng

06:08, 17/08/2018

(LĐ online) - Đó là chủ đề Hội thảo nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, được tổ chức vào ngày 17/8/2018 tại Trường Chính trị tỉnh, dưới sự chủ trì của đồng chí Nghiêm Xuân Đức, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và đồng chí Phạm Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng.

(LĐ online) - Đó là chủ đề Hội thảo nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, được tổ chức vào ngày 17/8/2018 tại Trường Chính trị tỉnh, dưới sự chủ trì của đồng chí Nghiêm Xuân Đức, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và đồng chí Phạm Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng.
 
Chủ trì Hội nghị
Chủ trì Hội thảo
Hội thảo đã quy tụ gần 30 bài viết của các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, tập trung nghiên cứu, khẳng định vai trò và những cống hiến to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đối với cách mạng Việt Nam, giai cấp công nhân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp của Người cũng đã góp phần to lớn vào phong trào cách mạng thế giới.
 
Phát biểu tham luận, thạc sĩ Đỗ Thanh Bình, nguyên TUV, nguyên Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh khẳng định: hơn 70 năm hoạt động cách mạng, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã hiến dân cả cuộc đời mình cho độc lập tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của Nhân dân và cho lý tưởng của Đảng, đồng chí là tấm gương, hình ảnh trong sáng của tinh thần cách mạng bất khuất, đạo đức cách mạng chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Khi nói tới chủ đề “Chủ tịch Tôn Đức Thắng-cuộc đời sự nghiệp cách mạng” là một kho tư liệu quý báu vô cùng phong phú và sâu sắc; đồng thời, ông cũng đưa ra nhiều minh chứng nhằm phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch cố tình bôi nhọ hình ảnh cũng như những đóng góp to lớn của Bác Tôn đối với cách mạng Việt Nam.
 
Thạc sĩ Nguyễn Văn Mão, Chủ tịch Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài tỉnh, đem đến Hội thảo những câu chuyện về đức tính giản dị, liêm khiết của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng với hình ảnh khiêm tốn, giản dị của người lao động, thích đi bộ, thích lao động chân tay, tự mình làm mọi việc cho bản thân mà không muốn làm phiền ai giúp đỡ, hay hình ảnh vị Chủ tịch từ chối nhận nhà riêng khi được Trung ương thu xếp cấp nhà...
 
Trưởng khoa Khoa học căn bản Trường Đại học Yersin Phạm Hồng Phi cho rằng, qua Hội thảo lần này để khẳng định mục tiêu, lý tưởng, đạo đức cách mạng, quá trình hoạt động thực tiễn… của Chủ tịch Tôn Đức Thắng để cán bộ, đảng viên và nhất là thể hệ trẻ học tập, noi theo là vô cùng cần thiết; nhất là trong giai đoạn hiện nay, một bộ phận thanh niên a dua, học đòi, thờ ơ, vô cảm trước những thách thức của đất nước, trước những khó khăn của những người xung quanh… 
 
Từ Hội thảo, có thể thấy, với gần 70 năm hoạt động cách mạng, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng, vì độc lập tự do của dân tộc đem lại ấm no hạnh phúc cho Nhân dân; đồng chí là một tấm gương, là hiện thân tiêu biểu về lòng yêu nước và đạo đức cách mạng, là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế cao cả. Cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người là tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy, về tinh thần anh dũng, bất khuất, về đức tính khiêm tốn, giản dị. Phẩm chất đạo đức, ý chí phấn đấu bền bỉ, kiên cường của Người tượng trưng cho tinh hoa phẩm chất cách mạng của giai cấp công nhân và Nhân dân Việt Nam. Đạo đức của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là kiểu mẫu phong phú, hoàn chỉnh về lối sống, nhân cách của một người cách mạng suốt đời hoạt động vì nước, vì dân, về tấm lòng trung thành, dũng cảm, thể hiện ý chí sức mạnh phi thường không gì lay chuyển nổi. Cống hiến vô giá của Người đã nêu gương cho nhiều thế hệ những người cách mạng và những lớp thanh niên Việt Nam một tấm gương đạo đức trong suốt.
 
 Để ghi nhớ công lao to lớn của những người cộng sản tiền bối như Chủ tịch Tôn Đức Thắng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ cần nghiêm túc học tập và làm việc theo tấm gương, phong cách mẫu mực của Người bằng việc phải thường xuyên trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tích cực rèn luyện tác phong công tác phù hợp, tự giáo dục, tự rèn luyện đạo đức, lối sống. Điều này sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
 
Hồng Vĩnh