(LĐ online) - Sáng ngày 8/8, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo góp ý Dự án luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước nhằm thu thập các ý kiến góp ý phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sắp tới. Hội thảo dưới sự chủ trì của Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo.
(LĐ online) - Sáng ngày 8/8, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo góp ý Dự án luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước nhằm thu thập các ý kiến góp ý phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sắp tới. Hội thảo dưới sự chủ trì của Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo. Tham dự hội thảo còn có đại diện Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Học viện Lục quân và các sở, ngành liên quan.
|
Toàn cảnh hội thảo |
Vấn đề lộ bí mật Nhà nước trái quy định, làm thiệt hại về kinh tế, chính trị xã hội của đất nước đã và đang diễn biến khá phức tạp. Làm thế nào không để lọt, lộ bí mật nhà nước, việc tiếp cận, xử lý như thế nào cho hợp lý để không vi phạm các quy định của Nhà nước là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Nhiều đại biểu góp ý nên giữ tên gọi luật là “ Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước” thay vì có ý kiến đổi tên là “ Bảo vệ Bí mật quốc gia” vì nội hàm của tên gọi không khác nhau.
Những vấn đề vi phạm quy định để lộ bí mật Nhà nước có thể gây nguy hại đến an ninh quốc gia và an ninh dân tộc. Vì vậy, trong Luật nên bổ sung thêm cụm từ gây nguy hại an ninh quốc gia. Có ý kiến đề nghị thêm cụm từ “tham nhũng chính sách” vào các quy định của luật vì trên thực tế đã có hiện tượng này.
Ngành Công an góp ý: Pháp lệnh ban hành 8 năm mà nhiều điều khoản chưa được điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn cuộc sống, cần có khuôn khổ bảo vệ pháp luật vững chắc để bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ an ninh quốc gia.
Có đại biểu đề nghị: Người đứng đầu, cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương như: Viện trưởng Viện KSNDTC; Chánh án Toà án NDTC, Viện Kiểm sát cấp tỉnh, Tòa án cấp tỉnh… có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước đến độ tuyệt mật. Nghiên cứu điều này, đối chiếu Điều 9, khoản 1, 2, 4, 13 và Điều 10 phân loại bí mật Nhà nước có nhiều vấn đề mâu thuẫn, đề nghị ban soạn thảo cần xem lại thẩm quyền Viện Kiểm sát và Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền cho phép sao chụp này không? So Pháp lệnh thì dự thảo Luật đã quy định 16 lĩnh vực cụ thể, đây là vấn đề rất cần thiết khi áp dụng Luật. Tuy nhiên, dự thảo không đưa lĩnh vực tổ chức chính trị xã hội (bao gồm Mặt trận, các đoàn thể chính trị) là thiếu sót. Đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu đưa vào Luật.
Trong dự thảo Luật có rất nhiều điều, khoản giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Do vậy, có đại biểu đề nghị có những điều, khoản cần quy định cụ thể để áp dụng ngay, không nhất thiết phải giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Các ý kiến đóng góp sẽ được Đoàn ĐBQH tiếp thu, tổng hợp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong kỳ họp tới.
Nguyệt Thu