Cánh chim đại ngàn

08:08, 10/08/2018

Một trong những người con ưu tú của đồng bào Mạ thuộc Lộc Trung ngày ấy, thị trấn Ðạ Tẻh bây giờ, ông chính là trung tá K'Oanh, nguyên Chính trị viên Cơ quan Quân sự huyện Ðạ Tẻh, một trong những người có đóng góp lớn để Ðạ Tẻh được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Một trong những người con ưu tú của đồng bào Mạ thuộc Lộc Trung ngày ấy, thị trấn Ðạ Tẻh bây giờ, ông chính là trung tá K’Oanh, nguyên Chính trị viên Cơ quan Quân sự huyện Ðạ Tẻh, một trong những người có đóng góp lớn để Ðạ Tẻh được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 
 
Say mê đọc Báo Lâm Đồng, là niềm vui của cựu chiến binh K’Oanh. Ảnh: NTT
Say mê đọc Báo Lâm Đồng, là niềm vui của cựu chiến binh K’Oanh. Ảnh: NTT

Ông K’Oanh sinh vào tháng con ong đi lấy mật năm 1940 tại buôn ĐạkLa, thuộc xã Triệu Hải ngày nay. Vừa tròn hai mươi mùa rẫy, sớm giác ngộ cách mạng, nghe theo Đảng và Cha Hồ, K’Oanh xung phong vào du kích, hoạt động trên địa bàn các xã Hợp Vông, Xi Nhen và Lú Tôn thuộc vùng Ba.
 
Ngày 3/2/1962, Tỉnh ủy Lâm Đồng thành lập phân ban Tỉnh ủy T.14 để chỉ đạo phong trào từ Mađaguôi đến giáp phía Nam thị trấn Di Linh. Phân ban T.14 thành lập 4 đội công tác đặc biệt, trong đó có Đội H.30 hoạt động ở vùng Đại Lào đến Mađaguôi. Tháng 12/1962, K’Oanh, một chàng trai hiền lành nhưng sục sôi nhiệt huyết, được chuyển sang bộ đội địa phương thuộc K2 đóng tại buôn Đạ Nha. 
 
Ở tuổi 78, vẫn nước da đen sạm, gương mặt rắn rỏi, sức khỏe dồi dào, K’Oanh bồi hồi nhớ lại: Mình được cấp trên cử làm trung đội trưởng. Nhiệm vụ là vừa tuyên truyền, vận động nhân dân giác ngộ cách mạng, không cho địch gom dân ra Mađaguôi, vừa xây dựng cơ sở bên trong vùng địch tạm chiếm, hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành chính quyền; phối hợp với du kích mật tại chỗ đánh địch phá giao thông trên đường chiến lược 20. Đồng thời, bảo vệ cơ quan đầu não của tỉnh gồm Tỉnh ủy, Tỉnh đội và trại giam, trú chân ở buôn Tố Lan.
 
Một trong những trận đánh mà K’Oanh nhớ mãi là vào đầu tháng 3 năm 1963. Địch tuyên truyền chúng có vũ khí mạnh, đó là bom tấn, khi thả xuống rừng thì ngọn cây xuống đất rễ treo lên trời. Dân có người sợ muốn theo chúng về ấp chiến lược. K’Oanh xin ý kiến cấp trên, cho bộ đội đánh địch để giành lại đất và lấy niềm tin của dân. Được trên đồng ý, trung đội do K’Oanh chỉ huy đã lừa cho địch vào sâu phía Bắc sông Đạ Oai, còn bộ đội phục kích ở núi Ma Thiên Lãnh. Khi địch quay về Mađaguôi, ông cho nổ súng, ta diệt được mười tên địch mà vẫn bảo toàn lực lượng. Sau trận ấy, tháng 5/1963, K’Oanh được kết nạp vào Đảng.
 
Nhấp một ngụm trà sảng khoái, với nụ cười rất tươi, K’Oanh khẳng định: Ngày ấy, mình được các anh cấp trên bày cho, bộ đội phải biết dựa vào dân, gắn bó máu thịt với dân. Ở đâu cũng phải ba cùng với dân. Tỉnh Lâm Đồng có 2 quận: Bảo Lộc và Di Linh, 23 xã và 88 ấp, cư dân ở vùng đất B’Lao Bảo Lộc ban đầu chủ yếu là người dân tộc bản địa Mạ, Kơ Ho, trong đó người Mạ chiếm đa số. Địa vực của người Mạ từ xa xưa đã ở trong vùng Cát Tiên - Đạ Tẻh trở xuống phía Đồng Nai. Không có nơi nào mà mình không đặt chân đến. Và, bài học đầu tiên với mình vẫn là với dân, bây giờ mình gọi là dân vận khéo đấy.
 
Cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng ác liệt. Cuối năm 1965 đầu năm 1966, đế quốc Mỹ chuyển từ “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ” và trực tiếp nhảy vào miền Nam Việt Nam. Từ thực tế chiến trường, Trung ương Cục miền (R) quyết định điều chỉnh lại địa bàn Khu VI. Lúc này, Khu VI còn lại các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy. Nhiệm vụ của Khu VI trong tình hình mới là tập trung đẩy mạnh phát triển phong trào cách mạng về vùng đồng bằng và đô thị, giữ vững hành lang thông suốt từ Tây Nguyên về R. Tháng 11/1966, các cơ quan Khu VI và Quân Khu ủy Khu VI chuyển địa bàn từ Cát Tiên về căn cứ Bình Thuận, giáp Lâm Đồng. Giữa năm 1974, cơ quan Khu VI và Quân Khu ủy Khu VI chuyển về phía Bắc đường 20 (Lâm Đồng) và thành lập bộ phận tiền phương chỉ đạo giải phóng.
 
Từ năm 1967 đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, K’Oanh khi thì công tác ở đại đội vận tải, đưa vũ khí từ Campuchia về; lúc lại chuyển đến 745 - đơn vị bảo vệ Ban Khởi nghĩa của tỉnh. Năm 1969, ông được điều sang 740, bộ đội địa phương K1 đóng ở Tân Rai. Nhiệm vụ hoàn thành, K’Oanh nhận nhiệm vụ mới ở 720 thuộc K4 đóng ở ĐạmRi…
 
Trong những năm 1974 - 1975, Tây Nguyên được xác định là vùng trọng điểm và Nam Tây Nguyên là hướng chiến lược quan trọng, Bộ Tư lệnh Miền đã giao nhiệm vụ cho Lâm Đồng và Sư đoàn 7 chuẩn bị tổ chức chiến trường, phát động quần chúng nổi dậy giải phóng thị xã B’Lao. Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh, các lực lượng của T29 cùng tham gia chuẩn bị chiến trường, dẫn các “mũi” của Sư đoàn 7 tấn công trên Quốc lộ 20 vào thị xã B’Lao và huy động lực lượng căn cứ tiếp quản vùng giải phóng. 
 
15 năm chiến đấu liên tục, K’Oanh đã ba lần bị thương. Ông là thương binh 3/4. Nhưng với tình yêu những con suối, con sông, những ngọn thác đẹp mê hồn, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn… K’Oanh vẫn không chịu rời chiến trường. Từng giờ từng phút cùng đồng đội ngày đêm bám rừng, bám thắt lưng địch mà đánh cho đến ngày thắng lợi cuối cùng. 
 
K’Oanh nhớ như in giây phút lịch sử mùa xuân năm ấy. Ngày 27/3/1975, Quân giải phóng đánh chiếm chi khu Đạ Huoai, đánh đồn Mađaguôi và sau đó tiến về Bảo Lộc. Ông cùng đơn vị dẫn đường cho xe tăng quân chủ lực kéo pháo lên núi Con Ó bắn phá sân bay B’Lao. Và lúc 9 giờ 30, ngày 28/3/1975, các lực lượng của ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch ở thị xã B’Lao. Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trước Tòa hành chính ngụy. Tiếp đó là các tiểu khu và nhiều nơi khác trong thị xã B’Lao được hoàn toàn giải phóng.
 
Sau năm 1975, K’Oanh được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh điều về huyện Đạ Huoai, tham gia truy bắt Fulrô, và sau này là Đạ Tẻh với các trọng trách: Chính trị viên phó, rồi Chính trị viên trưởng Cơ quan Quân sự huyện. 
 
Năm 1991, ông được quân đội cho nghỉ chế độ. Gần 40 năm cống hiến cho cách mạng, khi về địa phương, ông vẫn tham gia các công tác như: Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đạ Tẻh (1992 - 1997), Chủ tịch Hội CCB huyện Đạ Tẻh,… Ở cương vị  nào ông cũng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ghi nhận những cống hiến của K’Oanh, Đảng và Nhà nước tặng thưởng cho ông: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Ba và Huy hiệu 55 tuổi Đảng.
 
Nghĩ về người lính Cụ Hồ K’Oanh, bất giác từ trong tâm thức tôi vọng lên giai điệu trầm hùng trong bài Người chiến sỹ ấy của Hoàng Vân:
 
 “Người chiến sĩ ấy, ai đã gặp anh không thể nào quên, không thể nào quên
Bao nhiêu năm trường trên đường cách mạng
Anh vững đi đi mãi không ngừng
Như cánh chim trời không 
biết mỏi...”
 
Vâng, ông như cánh chim trời không biết mỏi, cánh chim bay khắp đại ngàn cùng quân và dân Lâm Đồng, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân, đưa đất nước bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 
NGUYỄN THƯỢNG THIÊM