Người bí thư thôn với cái tâm sáng và lòng nhiệt huyết

11:08, 07/08/2018

(LĐ online) - Là một Đảng viên, bí thư chi bộ, chị đã và đang làm việc hết mình cho sự phát triển của xã hội, luôn mang trong mình trái tim tràn đầy nhiệt huyết và khát khao cống hiến mặc dù đã nghỉ hưu nhưng chưa một ngày chị ngơi nghỉ. 

(LĐ online) - Là một Đảng viên, bí thư chi bộ, chị đã và đang làm việc hết mình cho sự phát triển của xã hội, luôn mang trong mình trái tim tràn đầy nhiệt huyết và khát khao cống hiến mặc dù đã nghỉ hưu nhưng chưa một ngày chị ngơi nghỉ.
 
Chị Nguyễn Thị Quy – Bí thư Chi bộ 4A xã Triệu Hải
Chị Nguyễn Thị Quy - Bí thư chi bộ 4a xã Triệu Hải
Rong ruổi trên chiếc xe gắn máy, tôi thả hồn cùng với thiên nhiên trên con đường dẫn vào xã Triệu Hải. Con đường nhỏ trải nhựa láng coóng uốn lượn giữa những vườn điều, bãi dâu ngút ngàn. Hai bên lề chạy dọc theo con đường là thảm cỏ lạc hun hút mướt xanh với chi chít những bông hoa bung nở khoe sắc vàng rực rỡ. Xa xa, giữa bãi dâu xanh mênh mang thấp thoáng những chiếc nón trắng nhấp nhô. Một giọng hát trong trẻo bỗng cất lên hòa cùng tiếng cười của những cô thôn nữ giòn tan trong nắng sớm. Sự trù phú thanh bình của một vùng quê bày ra trước mắt với sức sống đang bừng lên mạnh mẽ.
 
Đầu năm 2018 xã Triệu Hải với niềm vui cán đích nông thôn mới (NTM). Để đạt được thành quả ấy, tập thể cán bộ và nhân dân toàn xã đã nỗ lực không ngừng nghỉ, đồng lòng phấn đấu mới có được. Triệu Hải là một trong những xã đầu tiên của huyện Đạ Tẻh hưởng ứng thực hiện chương trình NTM mà chính phủ phát động. Khi các tiêu chí NTM đạt chuẩn, đời sống của nhân dân được nâng cao, cuộc sống đã thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo giữa nông thôn với đô thị, đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của tập thể cán bộ xã, những người đã mang hết trí lực, lòng nhiệt huyết và cái tâm trong sáng của mình để phục vụ nhân dân và họ đã được nhân dân tin yêu, các cấp chính quyền ghi nhận.
 
Những ngày đầu đầy gian khó
 
Trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xã Triệu Hải nổi lên nhiều tấm gương tiêu biểu, trong đó có một người phụ nữ, chị là Nguyễn Thị Quy, thường trú tại thôn 4a, bí thư chi bộ 4a. Đã bước sang tuổi 62 nhưng trên gương mặt chị vẫn giữ được nét xuân sắc một thời.
 
Sinh ra tại Vĩnh Linh- Quảng Trị, một mảnh đất với bề dày lịch sử, văn hóa và  truyền thống anh hùng. Năm 1983, đang là một cô giáo mầm non, chị xin nghỉ mang con theo chồng vào vùng đất mới, huyện Đạ Tẻh - Lâm Đồng, nơi anh Phùng Thế Gạch - chồng chị, là giáo viên cấp 2 đang giảng dạy tại điểm trường xã Triệu Hải. Ngày đầu đặt chân vào xã Triệu Hải, trước mắt chị là cảnh rừng núi hoang vu, đường xá không có, chỉ là những lối mòn lầy lội. Dân cư thưa thớt, lâu lâu mới có một nóc nhà tranh, vách nứa. Người dân thì sốt rét la liệt khiến chị vô cùng buồn chán, hoang mang. Không hoang mang sao được khi cuộc sống của chị vốn đang rất yên bình bên cạnh người thân, lối xóm. Nhiều đêm không ngủ, đấu tranh với chính mình, chị không muốn tiếp tục ở lại nơi rừng thiêng nước độc, chỉ muốn trở về quê hương. Hiểu được tâm trạng của chị, anh luôn vỗ về, động viên. Vì tình yêu với chồng, chị đã cố nán lại. Tới năm 1986, một lượng dân kinh tế mới được đưa vào khá lớn đã hình thành khu dân cư đông đúc, từ đó chị thấy yên tâm hơn và bắt đầu tiến hành khai phá đất đai, làm kinh tế. Đó là những ngày tháng thực sự vất vả khi phải lăn lộn với gần hai héc ta trồng lúa lấy kinh tế nuôi gia đình với 5 nhân khẩu, bởi đồng lương của anh những năm ấy rất thấp không đủ để trang trải.
 
Tới năm 1990, điểm trường Triệu Hải nơi chồng chị làm hiệu trưởng đòi hỏi phải có ba ngành học. Trong khi ấy, trường mới chỉ có hai, đó là cấp 1 và cấp 2, chưa có bậc mầm non. Khi bà con trong vùng kinh tế mới đã ổn định nơi ở thì nhu cầu có thêm bậc học mầm non rất cấp thiết. Sẵn có chuyên môn, kết hợp với nhà trường, chị mạnh dạn đứng ra thành lập được một lớp đầu tiên gồm 22 cháu. Cái khó nhất là, sau khi thành lập được lớp học, vận động được phụ huynh đưa con em đến trường nhưng không có kinh phí để hoạt động, bởi khi ấy UBND huyện chưa quyết định đưa thêm bậc mầm non vào giảng dạy nên chưa thể thu học phí. Khó khăn lớn nữa là chưa có phòng học, không bàn ghế, đồ dùng thiết bị giảng dạy cũng không, tất cả chị phải tự tạo. Phòng học thì khi ở tại nhà chị, khi nhờ ủy ban xã, có lúc ở một nhà dân nào đó mà chị mượn được. Để duy trì lớp học, chị đã phải dùng số tiền ít ỏi của mình mua sắm thiết bị và trông chờ lòng hảo tâm của những bậc phụ huynh. Biết được những khó khăn của chị, nhiều phụ huynh đã tham gia đóng góp, mỗi người một chút, từ hai hoặc năm ngàn đồng, cũng có người góp một tới hai trăm ngàn và chị đã cố gắng duy trì được lớp học. Tới năm 1991, chị vận động hai cô giáo và thành lập được thêm hai lớp nữa. Nhận thấy phong trào phát triển đi lên, UBND huyện đã quyết định, chính thức đưa bậc học mầm non vào giảng dạy, từ đó bắt đầu nhận được kinh phí và chị đã thực sự yên tâm với nghề. Ngoài giảng dạy, chị bắt đầu tham gia vào nhiều hoạt động của nhà trường như: chủ tịch công đoàn trường, tổ trưởng chuyên môn, nữ công v.v... Khi chi bộ Đảng đầu tiên trong trường được thành lập gồm những đồng chí Đảng viên của hai khối: Trường học và y tế. Chị được các đồng chí đảng viên tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ. Mặc dù tham gia rất nhiều vai trò trong công tác song chị đều hoàn thành rất tốt nhiệm vụ. Trong giảng dạy, nhiều năm liền chị đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường và cấp huyện. Phần thưởng cho chị là những tấm giấy khen của UBND huyện tặng. Nói về chị, đồng nghiệp của chị - cô giáo Kim Khuyên nói: “ Chị Quy là một giáo viên có chuyên môn giỏi, rất nhiệt huyết trong công việc, sôi nổi và giàu lòng nhân hậu”.
 
Về hưu nhưng không hề ngơi nghỉ
 
Tháng 1 năm 2011, chị chính thức nghỉ hưu. Dù đã nghỉ hưu, hạn chế về sức khỏe song nhiệt huyết và cái tâm được phục vụ cho Đảng, cho dân vẫn đầy ắp trong chị. Gần một năm sau nghỉ hưu, chị bắt đầu tham gia công tác của thôn mặc cho các con của chị can ngăn vì lo cho sức khỏe của mẹ. Theo chị thì thời kỳ ấy, xã Triệu Hải bắt đầu triển khai chương trình NTM nên rất nhiều việc phải làm. Ban đầu chị xác định: tham gia nhằm hỗ trợ đồng chí bí thư chi bộ 4a tuyên truyền tới từng đảng viên, vận động bà con trong thôn tích cực hưởng ứng chương trình NTM. Năm 2013, không may đồng chí bí thư chi bộ qua đời, chị được các đồng chí Đảng viên trong chi bộ tín nhiệm bầu giữ chức bí thư. Một nhiệm vụ mới bắt đầu. Chị lao vào công việc với niềm say mê. Chị bỏ nhiều thời gian thâm nhập địa bàn, nắm bắt tình hình, tâm tư tình cảm của bà con, giải thích những lợi ích to lớn mà chương trình xây dựng NTM sẽ mang lại. Vận động bà con đóng góp vật chất, ngày công lao động, hiến đất để làm đường giao thông v.v…
 
Suốt ngày tất bật với công việc song chị vui vì công việc rất thuận lợi bởi có được sự tin yêu của  bà con từ khi còn là giáo viên, nên đã nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân. Một thuận lợi nữa là: được sự ủng hộ của chồng, bởi anh cũng là một Đảng viên, đã từng làm Bí thư chi bộ nên anh hiểu công việc của chị. Chị chia sẻ, khó khăn nhất với chị là toàn bộ công việc gia đình một tay chị gánh vác. Nhiều khi thấy mệt mỏi cũng muốn nghỉ ngơi, song đã trót gánh trách nhiệm vào mình thì không thể không làm. Mà đã làm thì làm hết trách nhiệm, khi nào hết sức khỏe không làm được mới thôi. Nói phải đi đôi với làm. Tâm niệm vậy nên chị và gia đình mình luôn gương mẫu trong mọi phong trào, từ ủng hộ tiền bạc, đóng góp ngày công lao động. Khi thi công những con đường liên thôn, cả chị và chồng cũng trần lực cùng bà con. Cũng san đất, trải đá, đổ bê tông v.v. Trong khi thi công đường giao thông, nhiều đoạn đường phải lấn khá nhiều vào đất vườn của bà con, đa phần các gia đình vui vẻ hiến đất, song cũng không ít hộ nhất quyết không chịu mất dù chỉ là một mét. Những khi ấy, chị phải kiên trì giải thích, phân tích những cái lợi về việc làm đường giao thông. Cũng có hộ chị phải trải qua nhiều ngày thuyết phục, song kết quả cũng rất bất ngờ, không những họ đồng ý hiến đất mà chính họ lại là những người đi tuyên truyền, vận động những hộ chưa đồng thuận làm theo. Cho tới nay, 100% đường giao thông của thôn 4a đã được mở rộng và bê tông hóa.
 
Khi mọi tiêu chí NTM của thôn 4a nói riêng, xã Triệu Hải nói chung đã cán đích, đời sống của nhân dân đã được nâng cao, những con đường đã thông thoáng sạch sẽ, chị nảy ý tưởng và đề xuất trồng cây xanh để tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp. Đề xuất của chị được các đồng chí lãnh đạo xã ủng hộ. Ngay lập tức, chị triển khai vận động từng hộ gia đình trồng hàng rào cây xanh và cỏ lạc bên lề đường trước cửa mỗi gia đình. Cuộc vận động diễn ra thuận lợi, nhân dân trong xã rất hồ hởi thực hiện. Chỉ một thời gian ngắn, những thảm cỏ lạc có chiều ngang chừng 2 mét chạy dọc theo phần đất của từng gia đình cơ bản đã được trồng xong, được giao cho các chi hội, đoàn thể chăm sóc thường xuyên nên phát triển rất tốt. Cho tới nay, con đường cỏ lạc của xã Triệu Hải đã được biết đến là con đường đẹp nhất của các xã trong huyện. 
 
Vật chất đã đủ đầy, cảnh quan môi trường văn minh thì nhu cầu hưởng thụ, giao lưu văn hóa là một đòi hỏi tự nhiên. Nơi để bà con gặp gỡ, giao lưu và tổ chức mọi sinh hoạt cộng đồng là hội trường thôn, song trong quá trình sử dụng nhiều năm, hội trường thôn đã xuống cấp, chị lại tất bật đứng ra vận động bà con đóng góp kinh phí để xây hội trường mới, số tiền quyên góp được cho tới nay đã là hơn 30 triệu đồng và vẫn đang tiếp tục nhận được những khoản đóng góp mới. Khi khảo sát quỹ đất để xây dựng hội trường thôn mới lại gặp rắc rối khi một hộ gia đình đã chiếm dụng quỹ đất để xây nhà trái phép. Chị phải cùng các đồng chí trong ban giải phóng mặt bằng gặp gỡ chủ hộ lấn chiếm. Bằng uy tín của mình, bằng những lý lẽ thấu tình đạt lý, chị đã thuyết phục thành công gia đình chiếm đất, xây nhà trái phép di dời nhà, trả lại mặt bằng. 
 
Nói tới thôn 4a của chị, không thể không nói tới một nét đẹp văn hóa mà xuất phát từ khởi xướng của Đảng ủy đó là: Cứ vào mỗi buổi sáng thứ 2 đầu tháng, tất cả Đảng viên trong chi bộ cùng hội cựu chiến binh, phụ nữ và nhân dân khoảng 40 đến 50 người lại tề tựu tại hội trường thôn để làm lễ chào cờ. Những người tham dự ăn mặc rất chỉnh chu. Phụ nữ áo dài, cựu chiến binh mang quân phục, người dân thì sơ mi bỏ thùng. Tất cả rất nghiêm trang trước Quốc Kỳ khi bài Tiến quân ca vang lên. Thật xúc động! Việc chào cờ buổi sáng đầu tháng của thôn 4a được thực hiện và duy trì từ tháng 2/2014 cho tới nay, và nét đẹp văn hóa ấy đã lan tỏa đến cả những thôn khác trong xã. Tôi hỏi chị: bí quyết nào để duy trì được việc chào cờ trong nhiều năm. Chị cười rạng rỡ và chia sẻ rằng: “Chẳng có bí quyết nào cả, mình cứ sống chân tình, tận tâm với bà con, mình vì mọi người thì mọi người sẽ vì mình” rồi chị kể, những ngày đầu đi chào cờ ai cũng rạng rỡ, ăn mặc theo đúng quy định khiến chị vui lắm. Song, được mấy tuần thì một số bà con không duy trì được cách ăn mặc như quy định. Nguyên nhân bởi, bà con đều là nông dân, tối ngày tất bật với ruộng vườn nên họ ngại mặc những bộ cánh mới để đi chào cờ, bởi việc chào cờ chỉ diễn ra chừng 10 tới 15 phút. Mới bận đồ vô chưa ấm hơi người đã phải cởi bỏ để ra ruộng, vườn, lại mất công giặt, ủi phơi phóng v.v, chị lại được phen năn nỉ, thuyết phục và giờ thì đã đi vào nề nếp.
 
Đến xã Triệu Hải nói chung, thôn 4a nói riêng vào những ngày lễ trọng đại của đất nước, dọc những con đường trước mỗi gia đình đều được treo cờ Tổ quốc. Trong rất nhiều lá cờ ấy, có không ít những lá cờ do chị Quy tặng các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và hộ gia đình tiêu biểu, kèm theo ảnh Bác Hồ mỗi dịp sinh nhật Bác.
 
Với tấm lòng nhân hậu và những cống hiến của chị cho cộng đồng, chị đã được Đảng ủy xã, UBND huyện nhiều lần tặng giấy khen. Huyện ủy Đạ Tẻh tặng giấy khen: Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm: 2013-2017.
 
Trò chuyện cùng chị, tôi nhận ra rằng: Trong cuộc sống hối hả hôm nay, vẫn có rất nhiều những con người sống vì mọi người, vì cộng đồng. Cuộc sống đâu chỉ là cơm áo, tiền bạc. Ở đây còn có tinh thần, trách nhiệm, có tình làng nghĩa xóm. Xã Triệu Hải nói chung, thôn 4a nói riêng đang âm thầm chuyển động nhưng mạnh mẽ. Bức tranh tươi sáng đang được định hình trên vùng đất mới với những con người tâm huyết.
 
Rời khỏi xã Triệu Hải tôi hiểu ra rằng, đằng sau những thành quả mà thôn 4a và xã Triệu Hải đạt được, những thành quả ấy đều bắt nguồn từ con người và chính là những con người hết lòng vì cái chung như chị!
 
Tháng 5-2018
 
Bút kí: Duy Lưu