Dân vận ở xứ đạo

08:08, 21/08/2018

Hải Dương, Hải Hưng, Xuân Thượng, Yên Khê Hạ… là những tên đất, tên làng mà lớp người ở nhiều miền xa xôi đã mang theo trong hành trình tới vùng kinh tế mới. Họ mang theo cả văn hóa truyền thống và tôn giáo, tạo nên một xã Lạc Lâm (Ðơn Dương) hôm nay đặc biệt, đa dạng về văn hóa và tôn giáo. 92% dân cư thuộc các tôn giáo khác nhau với nhiều nét văn hóa đặc trưng của người kinh Bắc.

Hải Dương, Hải Hưng, Xuân Thượng, Yên Khê Hạ… là những tên đất, tên làng mà lớp người ở nhiều miền xa xôi đã mang theo trong hành trình tới vùng kinh tế mới. Họ mang theo cả văn hóa truyền thống và tôn giáo, tạo nên một xã Lạc Lâm (Ðơn Dương) hôm nay đặc biệt, đa dạng về văn hóa và tôn giáo. 92% dân cư thuộc các tôn giáo khác nhau với nhiều nét văn hóa đặc trưng của người kinh Bắc.
 
Với sự lãnh đạo đúng đắn của địa phương về đường hướng phát triển kinh tế, sự tuyên truyền, giáo dục của các giáo xứ; người dân an tâm chăm lo sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ảnh: N.Ngà
Với sự lãnh đạo đúng đắn của địa phương về đường hướng phát triển kinh tế, sự tuyên truyền, giáo dục
của các giáo xứ; người dân an tâm chăm lo sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ảnh: N.Ngà

Từ những ngày đầu chỉ có bắp, lúa đứng chân trên rẫy, đói nghèo còn ám ảnh cho đến hôm nay rau đã phủ đầy đồng, xã đã gần về đích nông thôn mới kiểu mẫu, lòng dân luôn đồng lòng cùng ý Đảng để phát triển quê hương.
 
Lấy phát triển kinh tế là trọng tâm
 
“Có thực mới vực được đạo”, “dân có giàu, nước mới mạnh”… đó là những điều mà Bí thư Đảng ủy xã Lạc Lâm Huỳnh Văn Quang nói với chúng tôi khi trao đổi về những mục tiêu trọng tâm trong công tác lãnh, chỉ đạo của chính quyền địa phương. Bởi, theo người đứng đầu địa phương này, thì mọi việc muốn thành công trước hết phải chăm lo cho đời sống người dân ấm no, phát triển.
 
Thuộc thế hệ những người con đầu tiên được sinh ra từ thuở “lập đất, lập làng” ở nơi này, Bí thư Đảng ủy xã Huỳnh Văn Quang vẫn nhớ những tháng ngày mà người dân nơi đây cứ mãi luẩn quẩn với lúa - bắp, với đói - nghèo. Đói nghèo cũng đúng thôi bởi nhiều người già nơi đây vẫn lý giải rằng cái tên Lạc Lâm nghĩa là lạc vào rừng. Giữa bốn bề rừng, núi thì những hạt bắp, hạt lúa làm sao đẩy lùi nổi đói nghèo.
 
Bởi thế, nhiều thế hệ lãnh đạo của xã Lạc Lâm đã xác định, lấy phát triển kinh tế là trọng tâm, nâng cao chất lượng đời sống người dân, tạo sức mạnh tổng hợp phát triển địa phương. Ông Lưu Tấn Huệ - Bí thư Huyện ủy Đơn Dương, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lạc Lâm nói: “Đây không phải địa bàn giàu khoáng sản, cũng không phải địa bàn có làng nghề truyền thống phong phú, cũng không nằm trên các trục giao thông hàng hóa nên nhiều thế hệ lãnh đạo xã đã xác định: Nông nghiệp là con đường phát triển của Lạc Lâm”.
 
“Lúa, bắp, mía đường, dâu tằm… đã lần lượt đứng chân trên mảnh đất này, nhưng phải tới cây rau mới thực sự là lời giải đúng cho bài toán phát triển kinh tế của xã” - Bí thư Đảng ủy xã Lạc Lâm khẳng định. Theo đó, Đảng ủy xã Lạc Lâm đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển cây rau, tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân bước vào cuộc “cách mạng” chuyển đổi tập quán sản xuất. 
 
Rời xa cây lúa, chuyển qua trồng các loại rau thơm, cuộc sống của gia đình chị Phan Thị Diễm (thôn Lạc Thạnh) cũng thơm thảo như những loại rau chị trồng vậy. “Chuyển qua trồng rau, kinh tế được cải thiện, gia đình tôi còn thuê thêm đất nơi khác để trồng. Cả gia đình sống dựa vào cây rau. Nếu cứ bắp với lúa như trước đây thì chắc không nuôi nổi con đi học”. Năm 2017, bà con nông dân xã Lạc Lâm gieo trồng 1.225 ha rau thương phẩm, trong đó có 60 ha rau được trồng trong nhà kính, 210 ha rau được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Isaren; ngoài ra, còn có 310 ha rau được sản xuất theo quy trình công nghệ cao. Tổng sản lượng rau thương phẩm của bà con nông dân xã Lạc Lâm đưa ra thị trường trong năm 2017 đạt 24.500 tấn, trong đó riêng các loại rau cao cấp đạt 2.400 tấn, chủ yếu là các loại rau như cà chua, hành tây, cải thảo và rau xà lách. 
 
Là một trong những vùng chuyên canh cây rau của huyện Đơn Dương, ngoài diện tích đất nông nghiệp đang sản xuất, bà con nông dân xã Lạc Lâm còn thâm canh trên 200 ha đất ở các xã trong huyện để trồng rau thương phẩm và trồng củ năng; riêng nguồn thu từ diện tích đất xâm canh mỗi năm đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Nhiều hộ nông dân ở xã Lạc Lâm đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để lắp đặt nhà kính, nhà lưới và hệ thống tưới nhỏ giọt để sản xuất các loại rau cao cấp (cà chua, ớt ngọt, hành tây, cần tây và củ khoai tây) cung cấp cho các siêu thị trong và ngoài tỉnh. 
 
Thu nhập bình quân của người dân ở Lạc Lâm tăng nhanh từ 51 triệu đồng/người/năm (năm 2015) lên 54,6 triệu đồng/người/năm (năm 2016) và đạt 60,8 triệu đồng/người/năm (năm 2018) - cao nhất huyện Ðơn Dương. 
 
“Chính quyền lãnh đạo đúng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao là một trong những yếu tố quyết định để làm dân tin, cho lòng dân đồng thuận. Đây là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên trong làm dân vận” - Bí thư Đảng ủy xã Huỳnh Văn Quang khẳng định.
 
Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc
 
Lạc Lâm vẫn được nhắc tới là xứ Đạo với hai giáo xứ Lạc Lâm và Lạc Sơn đóng chân trên địa bàn. Đặc thù riêng vậy nên Đảng ủy, chính quyền xã Lạc Lâm cũng làm công tác dân vận rất đặc trưng.
 
Để xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, Lạc Lâm xác định rõ vị trí quan trọng của các giáo xứ. Liên tục nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tại địa phương thường xuyên tiếp xúc với các chức sắc, chức việc và giáo dân, để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết khó khăn cho bà con. “Những việc quan trọng của địa phương trước khi được quyết định chính quyền địa phương đều tham khảo ý kiến của người đứng đầu các giáo xứ. Và, trong bất cứ ngày lễ hay hoạt động lớn, nhỏ nào của các giáo xứ, lãnh đạo địa phương đều có mặt, các ban ngành, đoàn thể của địa phương đều giúp sức” - Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ. Về vấn đề này, Linh mục quản xứ Giáo xứ Lạc Lâm Nguyễn Đức Trung nói: “Việc chính quyền địa phương và các giáo xứ cùng ngồi lại bàn bạc trước khi thực hiện nhiệm vụ lớn ở địa phương thể hiện tính cộng đồng mạnh mẽ. Đồng thời, việc này làm cho chính quyền và giáo xứ cùng đi về một hướng, tạo ra sức mạnh cho thực hiện nhiệm vụ, chăm lo cho cộng đồng. Bởi vậy, mọi hoạt động của giáo xứ hay chính quyền đều có sự tham gia và hỗ trợ lẫn nhau”. 
 
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Dung - Phó Bí thư Đảng ủy xã: “Tại Lạc Lâm, không chỉ ở xã mới có khối dân vận gồm mặt trận và các đoàn thể mà tận các thôn cũng có tổ dân vận. Tổ dân vận ở thôn ngoài các đoàn thể còn mở rộng thành phần với đặc thù địa bàn. Các hoạt động của chính quyền và giáo xứ đều được thống nhất, nắm bắt ngay từ cơ sở. Bên cạnh đó, chính quyền và giáo xứ có sự tương đồng về tổ chức các đoàn thể nên có sự tương trợ hiệu quả trong các hoạt động. Đơn cử như các hoạt động liên quan đến Hội Nông dân sẽ có sự hỗ trợ của Hội ông bố; Hội bà mẹ luôn có sự đồng hành của Hội phụ nữ và đặc biệt Hội giới trẻ và Đoàn thanh niên có sự hỗ trợ đắc lực cho nhau… Qua đó, tạo nên thành công cho các hoạt động phong trào của địa phương”. Đặc biệt, mối quan hệ chân thành, cởi mở, cầu thị, tôn trọng giữa lãnh đạo chính quyền địa phương và người đứng đầu các giáo xứ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sức mạnh tổng hợp từ hai lực lượng này. “Sự chân thành cho đi sẽ nhận lại được chân thành” - Bí thư Đảng ủy xã khẳng định.
 
Linh mục quản xứ Giáo xứ Lạc Sơn Nguyễn Trí Độ cũng cho rằng: “Giáo dân cũng là công dân, giáo dân tốt cũng là công dân tốt. Chính quyền và giáo xứ chung sức với nhau để xây dựng con người và xã hội tốt đẹp hơn. Thời gian qua, Giáo xứ luôn chú trọng phát huy những điểm tương đồng giữa các nội dung của giáo lý với quy định của pháp luật, gắn hoạt động tôn giáo với hoạt động xã hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong xây dựng nông thôn mới trước đây nay tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Giáo xứ đã lồng ghép tuyên truyền tại các buổi giảng lễ ở các nhà thờ để bà con giáo dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kế hoạch của địa phương; từ đó dân chủ bàn bạc, tham gia ý kiến và tích cực đóng góp công sức, trí tuệ, vật chất xây dựng quê hương, nâng cao đời sống”.
 
Với sự cộng đồng trách nhiệm của chính quyền địa phương và các giáo xứ, thế trận lòng dân thực sự đã được xây dựng vững chắc ở Lạc Lâm. Ông Nguyễn Quang Cảnh, thôn Yên Khê Hạ nói: “Đời sống vật chất và tinh thần của người dân Lạc Lâm bây giờ phát triển hơn xưa rất nhiều. Người dân không chỉ chăm lo sản xuất mà còn đóng góp cho xã hội hoàn thành trách nhiệm của một người công dân, giáo dân”.
 
Lạc Lâm là lá cờ đầu trong phát triển kinh tế ở Đơn Dương. Vùng nguyên liệu rau lớn vẫn tiếp tục phát triển, thu nhập bình quân của người dân liên tục tăng, những giáo xứ vẫn bình yên không có tội phạm… Và, công tác dân vận vẫn tiếp tục được thực hiện với nhiều sáng tạo, đã góp phần đắp xây vững chắc hơn nữa thế trận lòng dân, đưa Lạc Lâm tăng tốc về đích NTM kiểu mẫu.
 
NGỌC NGÀ