"Mình hãy vì mọi người"

04:08, 06/08/2018

…Ông là Tường Duy Thưởng sinh năm 1959, quê ở xã Liên Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đầu năm 1978 xung phong nhập ngũ. Tưởng là được lên biên giới phía Bắc, ông rất mừng nhưng cấp trên điều ông vào Đà Nẵng.

(LĐ online) - Bảy giờ sáng chủ nhật ngày 28/1/2018, ông điện thoại cho tôi:
 
- Năm giờ chiều nay, ông đến nhà em nhé. Có chuyện vui.
 
Tôi hỏi chuyện gì, ông nói bí mật, cứ xuống sẽ biết. Đúng 5 giờ chiều, tôi có mặt. Hai mâm cỗ đã dọn sẵn, nhìn ra, toàn người quen với tôi…
 
…Ông là Tường Duy Thưởng sinh năm 1959, quê ở xã Liên Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đầu năm 1978 xung phong nhập ngũ. Tưởng là được lên biên giới phía Bắc, ông rất mừng nhưng cấp trên điều ông vào Đà Nẵng.
 
Năm năm phục vụ trong quân ngũ, ông đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng (lúc ấy là Đại tướng Văn Tiến Dũng) tặng Bằng khen. Cuối năm 1982 được xuất ngũ về quê, ông xây dựng gia đình với một nữ quân nhân, là lính thông tin, phục vụ tại Quân khu 3. Vợ ông là người cùng quê, xuất ngũ sau ông 3 tháng.
 
Năm 1986, ông cùng vợ xung phong đi xây dựng quê mới. Nơi ông đến và ở từ đó đến nay là thôn 11 xã Đạ Kho, dân Đạ Tẻh gọi là Mỏ Vẹt, do dải đất giống mỏ con Vẹt. Nhắc đến địa danh này, ngay bây giờ nhiều người vẫn còn rùng mình bởi nơi ấy, cách đây10 năm thôi – vẫn là nơi hẻo lánh nhất huyện. Không có điện, đường xá lầy lội, đá to, đá nhỏ lởm chởm trên mặt đường. Trẻ em đến trường rất vất vả. Thử thách lớn nhất với mọi người là: Muỗi. Hầu như gia đình nào ở đây cũng mắc bệnh sốt rét, có người đã tử vong, nên nhiều người sợ hãi bỏ về quê hoặc đi nơi khác. Có người rủ vợ chồng ông đi cùng, nhưng ông nói với họ:
 
- Đất tốt thế này mà bỏ đi đâu? Ông cha ta mấy trăm năm trước đã đi mở đất để cho bây giờ các thế hệ con cháu phải giữ đất, cải tạo đất để đất phục vụ chúng ta. Ngày trước, bộ đội ta đói ăn, rồi sốt rét mà vẫn đánh thắng giặc, cũng là vì để giữ lấy đất của ông cha để lại mà thôi.
 
Nói là làm, bản chất của anh bộ đội cụ Hồ được phát huy ngay trên vùng đất còn quá nhiếu khó khăn. Hai vợ chồng lao vào “trận đánh mới” với quyết tâm thoát nghèo. Hàng ngàn mét vuông đất cỏ tranh, gai góc được biến thành “bờ xôi, ruộng mật”.
 
Thời gian qua đi, gia đình ông đã ổn định cuộc sống, nhưng điều mà tôi muốn giới thiệu về ông – Một người vượt qua bệnh tật, hết lòng vì công việc chung, vì sự bình yên của cuộc sống: Ông – một công an viên của xã, gắn bó gần hai chục năm với thôn 11 xã Đạ Kho. Nhiệm vụ được giao là tuần tra ban đêm, bảo vệ tài sản của nhân dân, và quản lý nhân hộ khẩu tạm trú, tạm vắng…
 
…Tôi là người vào định cư và làm việc tại Đạ Tẻh từ 1986 đến nay nên đã từng đến khu vực thôn 11 Đạ Kho nhiều lần. Vào năm 2007 trở về trước, khu vực này là rừng rậm, dân cư thưa thớt. Mỗi ngày, từ lúc bình minh lên cho đến khoảng 10 giờ sáng, hàng trăm loài chim đua nhau hót, làm thành một bản nhạc rừng với đủ cung bậc âm thanh làm quên đi những vất vả, nhọc nhằn. Nhưng vào buổi tối, chim ngừng hót để cho những con Mang tác gọi mẹ. Tiếng gà rừng gáy không theo giờ giấc nào, rồi hàng vạn côn trùng réo rắt hòa theo thành một giai điệu buồn buồn, gây cho người ta cảm giác nặng nề lẫn lo sợ. Vậy nhưng, những người ở lại vẫn kiên cường bám trụ. Đất ở đây trồng các loại cây trái, rau màu…nhất là cây dâu cho thu hoạch rất tốt. Một số gia đình bỏ đi nơi khác, sau 6 năm lại tìm về.
 
Trước năm 2000, tình hình an ninh trật tự ở khu Mỏ Vẹt ổn định. Nhưng rồi những tệ nạn xã hội như trộm cắp, cờ bạc…bắt đầu len lỏi vào nơi hẻo lánh này. Năm 2001, ông nhận nhiệm vụ mà đảng và chính quyền xã Đạ Kho giao cho là công an viên. Cứ tối đến, cây đèn pin trong tay, ông đi vào các ngõ ngách trong thôn hoặc ra những vườn cà phê của các gia đình vào mùa thu hoạch để phát hiện những phần tử trộm cắp. Nạn trộm cắp cà phê đã xảy ra cả ban đêm lẫn ban ngày. Rồi cả trộm chó nữa. Có đêm, sau buổi tuần tra, đang ngủ thì có điện thoại báo có kẻ trộm chó ở hướng X. Ông choàng dậy, chiếc xe máy cà tàng chở ông đi, ông vừa đuổi vừa la có trộm bà con ơi. Dân ven đường đổ ra hỗ trợ cho ông bắt bằng được kẻ gian. Rồi có buổi, vào 9 giờ tối, phát hiện một thanh niên lạ mặt vác một bao tải nặng đặt lên xe máy. Ông hô to, đứng lại. Gã nổ máy chạy. Ông rồ ga đuổi theo đến 5 km. Bỗng xe của tên trộm đổ xuống do bao tải chở nặng cà phê lại buộc vội nên làm nghiêng xe, đổ xuống. Đúng là “dục tốc bất đạt”. Ông lao đến bắt sống.
 
Còn nhiều lần như thế, kể cả những đêm mưa gió hoặc cả lần đang bị bệnh, có tin báo là ông vùng dậy, đi ngay. Vợ ông lo cho ông lại đạp xe đi theo.
 
Trong quản lý nhân hộ khẩu, sổ sách ông ghi rành mạch người đi, người đến tạm trú, tạm vắng đã tạo thuận lợi cho việc tìm ra tội phạm ở nơi khác đến đây lẩn trốn. Năm 2005, ông được đứng vào hàng ngũ của Đảng sau 4 năm đóng góp vào công tác giữ gìn trật tự khu dân cư.
 
Đến nay là hơn 17 năm cần mẫn làm việc, không có lương tháng nhưng ông không tính toán, phàn nàn. Mấy năm gần đây, đường giao thông trong huyện được đầu tư xây dựng, người xe đi lại dễ dàng, ông vẫn cùng cây đèn pin tuần tra. Cứ tính mỗi đêm đi bộ 8 km, quãng đường ông đi cộng lại đủ bằng độ dài vòng quanh quả đất.
 
Ông làm việc với tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mình” như lời Bác Hồ đã dạy. Mười bảy năm cơm nhà việc xã, ông được Ủy ban nhân dân huyện khen thưởng nhiều năm liền là “Chiến sỹ xuất sắc”, “Cựu chiến binh gương mẫu” và cuối năm 2017, được Bộ trưởng Bộ công an tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc” – và đây là lý do mà tôi đã nêu ở đấu bài viết – Ông ăn mừng kỷ niệm chương.
 
Trong những năm qua, ngoài nhiệm vụ một an ninh viên, ông còn làm bí thư chi bộ kiêm chi hội phó chữ thập đỏ của thôn. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành bởi mồ hôi công sức đổ ra hàng ngày. Vì vậy sức khỏe ông ngày càng giảm sút, bệnh tật phát sinh. Ba lần vào viện mổ, lần thì dạ dày, lần thì thận, vào viện lần nào là lần ấy phải vay vàng, tiền với lãi suất cao. Nhưng cứ hồi phục, ông lại lao vào công việc, mặc cho hoàn cảnh kinh tế gia đình còn khó khăn, ông vẫn lạc quan, còn ngày nào ông còn cống hiến cho dân, cho địa phương, không kêu ca, phàn nàn dù chỉ nửa lời.
 
Sẽ là thiếu sót nếu viết về ông mà không nói tới vợ ông – người bạn đời gắn bó với ông dù khi ấm lạnh. Họ tên bà là Bá Thị Huệ, bà tham gia làm chi hội trưởng chi hội phụ nữ, tuyên truyền viên công tác dân số, việc nào bà cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ dù không có phụ cấp. Bà được TW Hội LHPN Việt Nam tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ” và nhiều giấy khen của xã, của huyện. Sức bà cũng yếu nên năm 2016 bà xin nghỉ. Bà luôn đồng hành cùng ông, là nguồn động viên, khích lệ ông để ông hoàn thành nhiệm vụ. Ông Thưởng chia sẻ: 
 
- Tôi nhớ mãi lời Bác dạy: “Mình hãy vì mọi người trước đã rồi mọi người sẽ vì mình”. Không suy bì thiệt hơn, yếu mệt thì nghỉ, khỏe lại tiếp tục tham gia làm việc chung.
 
Từ suy nghĩ ấy, ông đã hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, được Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận. Đây là một phần thưởng có ý nghĩa, cuối năm 2014, xét thành tích đóng góp của vợ chồng ông trong gần hai chục năm qua, đồng thờ xét hoàn cảnh quá khó khăn của gia đình ông, công an tỉnh Lâm Đồng đã ủng hộ 50 triệu, Đảng ủy, UBND xã Đạ Kho ủng hộ 15 triệu đồng để gia đình ông thay ngôi nhà gỗ chật hẹp đã xuống cấp bằng ngôi nhà xây cấp 4 rộng 80m2 .
 
…Nắm chặt đôi bàn tay ông trước lúc tạm biệt để về thị trấn, tôi cảm nhận được bề dày của sức sống, chiều sâu của tâm hồn trong người công dân, người đảng viên gương mẫu, người công an viên hết lòng vì sự bình yên cuộc sống của quê hương, đất nước.
 
Xuân đã về. Vào Đạ Tẻh lúc tóc còn xanh nay đầu đã bạc nhưng tôi vẫn thấy sức xuân tràn đầy trong ông. Ông như cây xanh vươn lên trong mọi hoàn cảnh để trưởng thành. Và kia, rừng cây sau nhà ông vẫn ríu ran chim hót như vui cùng với lòng người chào đón xuân sang.
 
Ký: Nguyễn Thanh Hương
133 - Nguyễn Đình Chiểu, thị trấn Đạ Tẻh, Lâm Đồng