5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về "đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", Lâm Đồng đạt một số kết quả quan trọng, làm nền tảng cho việc tiếp tục triển khai Nghị quyết trong những năm sau.
5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Lâm Đồng đạt một số kết quả quan trọng, làm nền tảng cho việc tiếp tục triển khai Nghị quyết trong những năm sau.
Về tổ chức học tập, quán triệt và tuyên truyền, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 74-CTr/TU về triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Đồng thời tổ chức quán triệt sâu sắc cho đội ngũ cán bộ chủ chốt trong toàn tỉnh; cho lãnh đạo các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng; các huyện, thành ủy có trách nhiệm phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết, Chương trình hành động. Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên và nhân viên, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên hiểu sâu, nắm vững những quan điểm, chủ trương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo (GDĐT); vận dụng trong quá trình quản lý, giảng dạy. Ngành GDĐT đưa nội dung Nghị quyết vào kế hoạch nghiệp vụ từng năm học và giai đoạn. Các phòng GDĐT, đơn vị trường học cụ thể hóa các nhiệm vụ vào kế hoạch của đơn vị, đảm bảo sát hợp với tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị.
Một trong những kết quả quan trọng trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW là Lâm Đồng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GDĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Tỉnh chỉ đạo Sở GDĐT chủ động triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo tuần tự trong từng cấp. Theo đó, từ năm học 2019-2020 đối với lớp đầu cấp của cấp tiểu học, từ 2020-2021 đối với lớp đầu cấp của THCS và từ năm học 2021-2022 đối với lớp đầu cấp của THPT.
Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo tổ chức rà soát đội ngũ giáo viên, xác định nhu cầu giáo viên theo lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới và có biện pháp giải quyết số giáo viên thừa, thiếu từng cấp học, môn học. Triển khai đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp và có biện pháp giải quyết đối với các trường hợp chưa đạt chuẩn; thực hiện bổ nhiệm, thi, xét thăng hạng và xếp lương theo hạng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đúng quy định; quy định phối hợp liên kết với các cơ sở đào tạo giáo viên và các cơ sở khác để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý. Chỉ đạo tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục phổ thông. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông kiểm tra, rà soát và phát huy cao độ tinh thần chủ động, tự chủ trong đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, trong đó ưu tiên mục tiêu dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học...
Tuy đạt những kết quả quan trọng song việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW vẫn cho thấy một số hạn chế, yếu kém cần sớm khắc phục. Trên phương diện tổ chức học tập, quán triệt và tuyên truyền biểu hiện: Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đến công tác đổi mới GDĐT; xem đổi mới giáo dục là nhiệm vụ chuyên môn của ngành giáo dục. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa thật đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Công tác xây dựng Đảng trong trường học chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng sinh hoạt chi bộ một số trường học chưa cao; một số ít cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về tinh thần, nội dung của Nghị quyết, từ đó chuyển biến chậm trong hoạt động thực hiện.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, một trong những việc trọng tâm của ngành GDĐT trong thời gian tới là sẽ tập trung quản lý chất lượng giáo dục với các giải pháp: chuẩn hóa đầu ra và các điều kiện đảm bảo chất lượng trên cơ sở ứng dụng các thành tựu mới về khoa học giáo dục, công nghệ và quản lý; công khai về chất lượng giáo dục, các điều kiện cơ sở vật chất, năng lực và tài chính của các cơ sở giáo dục. Thực hiện giám sát xã hội đối với chất lượng giáo dục và hiệu quả giáo dục; xây dựng hệ thống kiểm định về chất lượng giáo dục, thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục của các cấp học, trình độ đào tạo và kiểm định các chương trình giáo dục nghề nghiệp, đại học.
LAN HỒ