Nếu cán bộ, đảng viên được xem như là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiều nhiệm vụ thì người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị được ví như đầu tàu kéo cả đoàn tàu cùng chuyển động.
Nếu cán bộ, đảng viên được xem như là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiều nhiệm vụ thì người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị được ví như đầu tàu kéo cả đoàn tàu cùng chuyển động.
|
Sâu sát cơ sở là một trong những phương châm mà lãnh đạo các cấp tỉnh Lâm Đồng chú trọng. Ảnh: Ngọc Ngà |
Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp là một trong những động lực quan trọng giúp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xã hội. Quy định số 101 của Ban Bí thư Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” ra đời như “kim chỉ nam” để cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu tự soi, tự sửa, tự răn mình; góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở.
5 năm nhìn lại
Qua 5 năm thực hiện Quy định 101, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc, chặt chẽ, quyết liệt trong việc triển khai thực hiện. Nội dung của Quy định từng bước được cụ thể hóa và đi vào cuộc sống, trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Đặc biệt, các cấp ủy, tổ chức đảng đã cụ thể hóa nội dung của Quy định phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương, cơ quan, đơn vị để thực hiện, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Chỉ thị 05; yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp từ tỉnh đến cơ sở xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện theo cương vị công tác của mình và định kỳ báo cáo chi bộ, cấp ủy nơi công tác để được góp ý, giúp đỡ, giám sát, tạo điều kiện thực hiện, xem đây là việc làm thường xuyên để có căn cứ đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên cuối năm.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát cụ thể hàng năm về thực hiện trách nhiệm nêu gương. Định kỳ, kết hợp kiểm tra việc thực hiện nêu gương, hoặc lồng ghép kiểm tra chuyên đề. Qua đó, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc nêu gương; chỉ đạo xây dựng kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế.
Công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kỷ luật Đảng được quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời, đảm bảo theo quy định. Từ năm 2012 - 2017, giải quyết được 424 đơn thư, khiếu nại liên quan đến cán bộ, đảng viên; xử lý thi hành kỷ luật Đảng 565 cán bộ, đảng viên.
Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra, đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về việc thực hiện quy định trên phạm vi toàn tỉnh cho thấy: Việc tổ chức học tập, quán triệt Quy định ở một số tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị chưa kỹ và chưa thường xuyên; có lúc chưa gắn với học tập và làm theo Bác, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Một số tổ chức cơ sở đảng thực hiện đăng ký nêu gương theo 7 nội dung Quy định còn chung chung. Còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thể hiện tốt vai trò nêu gương, nói chưa đi đôi với làm, chưa thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, hiệu quả trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao chưa cao, cá biệt có trường hợp vi phạm đạo đức, lối sống, vi phạm phải xử lý kỷ luật...
Chuyển biến từ cơ sở
Quy định 101 được thực hiện trong 5 năm qua, đã giúp cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
|
5 năm chưa phải là chặng đường quá dài nhưng cũng đủ để nhìn thấy những chuyển biến rõ nét trong thực hiện Quy định về trách nhiệm nêu gương. Trong quá trình thực hiện, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có tác phong công tác tốt, thể hiện vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân ở nơi cư trú. Để việc nêu gương đi vào nền nếp, hiệu quả và đồng bộ hơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành văn bản chỉ đạo không uống rượu, bia trong giờ làm việc và buổi trưa các ngày làm việc.
Các địa phương cũng đã có nhiều chuyển biến trong thực hiện nội dung này. Cụ thể, tại huyện Đức Trọng, các đồng chí lãnh đạo huyện thường xuyên có mặt thực tế kiểm tra, xử lý các vấn đề “nóng” tại địa phương. “Mình thường xuyên đi kiểm tra thực tế cũng là cách để anh em làm theo, tránh tình trạng ngồi bàn giấy đọc báo cáo. Hơn nữa, việc tăng cường đi cơ sở kiểm tra thực tế sẽ giúp lãnh đạo huyện có thêm nhều thông tin, cơ sở xác đáng, chứng cứ sát với thực tiễn để công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành sâu sát và hiệu quả” - Bí thư Huyện ủy Đức Trọng Nguyễn Ngọc Phúc nói.
Còn tại huyện Lạc Dương, ông Trần Công Chánh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy khẳng định: “Các xã Đa Sar, xã Lát, Đa Chais, Đưng KNớ và thị trấn đều có cán bộ chủ chốt được tăng cường về đảm nhiệm cương vị bí thư hoặc chủ tịch. Riêng Đa Nhim là sự cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng từ chính cơ sở. Trước đây, bộ máy cán bộ xã hoạt động còn cầm chừng, sau này với đội ngũ lãnh đạo trẻ có trình độ được luân chuyển về, vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo được thể hiện rõ, từng bước thay đổi lề lối làm việc năng động, tích cực hơn. Hiệu quả tiếp cận và giải quyết công việc tại các địa phương có chuyển biến rõ nét”. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lạc Dương, muốn tập thể cán bộ từng địa phương đoàn kết, đồng lòng thì sự công tâm, nhiệt huyết của người đứng đầu là yếu tố tác động mạnh mẽ. Bởi người đứng đầu muốn lãnh đạo được tập thể trước hết phải gương mẫu, nói được làm được. Cùng với đó, việc người đứng đầu có năng lực, trình độ chuyên môn đã tác động mạnh vào việc đổi mới phương thức lãnh đạo ở xã từ những việc làm cụ thể.
Không chỉ có chuyển biến ở cấp lãnh đạo, mà việc đảng viên gương mẫu đi trước cũng tạo động lực để “làng nước theo sau”. Bí thư Chi bộ thôn Đa Kao 1, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, ông Rơ Jê Ha Ni nói: “Muốn vận động bà con không nuôi heo thả rông, trồng rau trong vườn để tiết kiệm chi tiêu, chuyển đổi giống cây trồng… đảng viên trong thôn phải làm trước. Bà con có trực tiếp chứng kiến thấy thành quả tốt mới tin mình nói, mới làm theo”. Cũng nhờ cách làm này mà ở Đạ Tông đã có nhiều mô hình kinh tế được nhân rộng trong vùng đồng bào DTTS, vận động được một lượng lớn sức dân cho phong trào xây dựng NTM của xã.
HOÀNG MY