(LĐ online) - Trưa ngày chủ nhật 26 tháng 8 năm 2018, tôi được mời đi dự đám cưới con trai một người bạn ở xã Đạ Oai huyện Đạ Huoai. Bàn tiệc mười người, có mình tôi là người Đạ Tẻh. Sau mấy phút chủ nhà giới thiệu để mọi người làm quen, câu chuyện trở nên sôi nổi...
(LĐ online) - Trưa ngày chủ nhật 26 tháng 8 năm 2018, tôi được mời đi dự đám cưới con trai một người bạn ở xã Đạ Oai huyện Đạ Huoai. Bàn tiệc mười người, có mình tôi là người Đạ Tẻh. Sau mấy phút chủ nhà giới thiệu để mọi người làm quen, câu chuyện trở nên sôi nổi. Và vì thế, một người ngồi bên trái tôi nói nhỏ với tôi: Mời ông sau đây về thăm nhà em. Tôi ngại vì nếu về đó mà lại uống nữa thì…Như đoán được ý nghĩ của tôi, ông nói:
- Không rượu bia gì đâu ông anh ạ. Ông ra cho biết nhà em thôi. Đúng là gần nhà xa ngõ, xã Đạ Oai giáp với huyện Đạ Tẻh, nhà em cách nhà ông có năm cây số mà bây giờ mới biết nhau.
Cũng vì tính tò mò, nên tôi đã nhận lời. Cùng đi có anh Phan Văn Trung, làm công tác chữ thập đỏ của xã Đạ Oai.
Con đường chạy dọc trung tâm thôn 1 xã Đạ Oai, tôi cũng đã qua lại nhiều lần. Lần nào cũng thấy vui mắt vì hai bên đường choáng ngợp màu xanh của cây trái. Gia đình ông ở bên cạnh con đường này.
Lên đến thềm nhà, tôi nhìn thấy trên mặt tủ kính ở gian giữa, xếp ngay ngắn một chồng khung kính, tôi đoán là giấy khen của các con ông. Được ông đồng ý, tôi giở xem từng chiếc. Thì ra không phải của các con ông mà đầu tiên là Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng khen thưởng ông có thành tích sản xuất kinh doanh giỏi. Tiếp đó là Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng giấy chứng nhận “Ông Nguyễn Văn Oanh, thôn 1 xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai tỉnh Lâm Đồng – đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc, giai đoạn 2012 – 2017”. Rồi đến nhiều giấy khen của Ủy ban nhân dân huyện Đạ Huoai, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, Hội Nông dân huyện, Hội Chữ thập đỏ huyện. Rồi tập thể thôn 1 Đạ Oai đạt thôn Văn hóa, bởi ông là Thôn trưởng kiêm Chi hội trưởng Nông dân từ nhiều năm nay.
|
Ông Oanh bên vườn cây giống sầu riêng. Ảnh: NTH |
Sau một tuần trà nước, ông dẫn tôi thăm vườn sầu riêng rộng 4,5 ha đã cho thu hoạch gần chục năm nay. Vườn được quy hoạch gọn, đẹp. Hệ thống tưới nước tự động. Nước được bơm từ suối theo hệ thống ống dẫn. Tôi thử bấm nút, hàng trăm vòi nước từ những gương sen nở tung ra như những chùm hoa rồi hợp với nhau thành cơn mưa nhân tạo tuyệt đẹp, bao phủ hết cả một diện tích rộng lớn. Hệ thống tưới nước này ông đầu tư hết 200 triệu đồng. Trước đây hai mươi năm, có năm chục cây sầu riêng, phải ra suối gánh nước tưới từng cây. Sau này số lượng cây tăng gấp mười lần, chỉ có máy móc mới kham nổi. Ông nói, gia đình ông được như ngày nay là nhờ chính sách phân bổ dân cư của nhà nước, là nhờ cấp ủy Đảng cơ sở, nhờ bà con, cô bác trong thôn, và không thể thiếu lòng kiên trì của vợ chồng tôi. Ông chia sẻ:
- Tôi sinh năm 1959 tại xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Dân biển sống bằng nghề cá, nhưng gia đình tôi đông anh em, phương tiện đánh bắt cá đã thiếu lại thô sơ. Nghe nói ở huyện kinh tế mới Đạ Huoai tỉnh Lâm Đồng nhiều đất, người thưa, cộng với máu thích phiêu lưu của tuổi trẻ, tôi đã một mình khăn gói lên Đạ Huoai. Lúc đó bà con, cô bác ở Bình Định cũng vào đây theo lời kêu gọi của Đảng. Tôi mạnh dạn báo cáo với chính quyền về nguyện vọng của tôi, muốn ở lại đất này sau khi trình giấy tờ tùy thân. Các anh ấy chấp nhận ngay và cấp cho tôi một ha đất, nơi tôi ở từ đó đến nay đã 33 năm rồi.
Lúc ấy, vùng này như trong Đạ Tẻh ấy mà, còn âm u lắm. Con đường trước mặt nhà tôi đây, lúc ấy chỉ đủ cho một người dắt xe đạp. Đất vắng, người thưa, một năm 6 tháng mưa, 6 tháng nắng, buồn thối ruột. Bệnh sốt rét hoành hành làm nhiều người yếu sức, không lao động được, không đủ tiền thuốc nên nhiều người bỏ đi nơi khác. Tôi may mắn không bệnh tật gì, nhưng thấy vậy cũng nản. Được mấy anh cán bộ xã động viên:
- Chúng tôi còn ở từ trước 1975, khó khăn hơn nhiều, người ta sống được, mình cũng sống được, chỉ cần trong ta có niềm tin, anh bạn lại còn trẻ, không để khó khăn khuất phục chúng ta. Tôi nói đúng không?
Thế là tôi ở lại. Sau này được đứng vào hàng ngũ của Đảng cộng sản Việt Nam, tôi càng thấm thía lời của đàn anh đi trước.
Chờ ông ngừng một lát, tôi hỏi ông cho biết quá trình vươn lên để thoát nghèo rồi trở thành nông dân sản xuất giỏi như thế nào? Ông nói nếu kể tỉ mỉ thì phải cả ngày mới hết những khó khăn về thời tiết, về tiền vốn mà vợ chồng tôi phải nếm trải. Tôi chỉ xin tóm tắt là khi được chính quyền chấp nhận cho ở đây và cấp ngay một ha đất, sáu năm đầu tiên, tôi trồng mì, trồng mít tố nữ, tố tây. Cũng chỉ đủ ăn đủ mặc nhưng không có tích lũy, mà tôi thì không muốn vậy. Đã phải xa quê đến nơi khác làm giàu mà không giàu, lúc về thăm quê cha đất mẹ, không có đến một hào cho con trẻ, tự mình thấy ngượng ngập lắm. Và thế là, tôi mạnh dạn trồng mía. Rất may mắn, 7 năm liền mía có giá, hạt điều cũng có giá, có chút tiền dư, tôi mua 4,5 ha của một số gia đình trong thôn bán rẻ để họ đi Đắc Lắc, Bình Phước.
Thấy trồng mía có thu nhập, tôi mở rộng thêm diện tích. Nhưng thất vọng. Từ 1998 – 2002 mía rẻ như cho. Tôi đang bí, bởi vốn liếng cạn gần hết, may có người bạn học ngày xưa cùng làng, anh ấy lên định cư ở Bình Phước, dò hỏi biết tôi ở đây đã lên thăm nhà và bày cho tôi việc trồng sầu riêng. Anh nói, anh cuốc thử đất nhà tôi, thấy đất này giống đất nơi anh ở. Thế là tôi theo anh sang Bình Phước học cách trồng, chăm sóc sầu riêng. Và rồi cuối năm 2002, tôi chặt bỏ năm chục cây sầu riêng lấy hạt vì không hiệu quả, tập trung cho sầu riêng ăn trái đại trà và đã thành công. Tám năm nay, sau khi trừ chi phí sản xuất, thuê mướn nhân công, mỗi năm còn được từ 4 đến 5 tỷ đồng. Một con số mà mấy chục năm trước ngủ mơ cũng không thấy.
*
* *
Sau khi thăm vườn sầu riêng trở về nhà uống nước, chúng tôi đã thấy một số anh chị ở Đạ Oai và mấy anh ở Đạ Tẻh đã đứng chờ ở sân, như anh Tô Mộc, Lê Tứ, Trần Minh, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Tươi. Câu chuyện quanh bàn nước chỉ nhắc về ông Oanh. Mỗi người nói một cách nhưng đều chứa đựng sự trân trọng. Tôi ghi lại được, đại ý như sau:
- Ông Oanh là người đâu tiên trồng sầu riêng đại trà và có hiệu quả ở xã Đạ Oai. Với vai trò của một Đảng viên là muốn cho mọi người quanh ta đều có cuộc sống êm ả, ông đã đến nhiều nhà trong xã để vận động trồng sầu riêng vì thấy họ có nhiều đất. Ngay như các anh ở Đạ Tẻh có mặt ở đây cũng nhờ ông tư vấn trồng sầu riêng, ai cũng trồng hơn một ha và hai năm nữa sẽ có thu hoạch. Ở địa phương mình, ông đã giúp cho 32 hộ khó khăn về giống, vốn, không lấy lãi. Các hộ từ cận nghèo, hộ nghèo nay đã thoát nghèo, mặc dù những hộ này chỉ trồng loại cây khác thích hợp với chất đất mà mình có hoặc là chăn nuôi, ngoài ra có hơn năm mươi hộ khác trong, ngoài xã, hoặc ngoài huyện ông cũng tư vấn giúp họ trồng sầu riêng, và đã cho thu hoạch vụ đầu thắng lợi. Tại nhà ông, có hai người được ông tạo việc làm quanh năm và 4 người thời vụ khi thu hoạch.
Với việc chung, ông hoàn thành tốt nhiệm vụ Chi hội trưởng nông dân và Thôn trưởng với tinh thần tự giác, không vụ lợi, bởi ông xác định đã là đảng viên thì phải gương mẫu, phải làm việc. Vì lẽ đó, tập thể thôn luôn hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế xã hội và đóng góp nghĩa vụ với địa phương. Còn nhớ 12 năm trước, con đường dọc thôn 1 qua trước mặt nhà ông, do yêu cầu mở rộng, ông hiến tặng 400 m
2, nhiều người trong thôn theo ông cũng hiến tặng để con đường được thảm nhựa như dải lụa thênh thang dưới nắng trời. Chúng tôi phải học tập ông nhiều hơn nữa”.
Bây giờ, sau bao năm nhìn lại, ông hài lòng bởi công sức mình bỏ ra được nhân dân ghi nhận. Gia đình ông luôn đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, hai con của ông ngoan ngoãn, có việc làm ổn định.
Một trong những ấn tượng khó phai trong đời mình là tháng 9 năm 2017, ông được vinh dự là đại biểu duy nhất của huyện Đạ Huoai và là một trong năm đại biểu của tỉnh Lâm Đồng được tham dự “Hội nghị đại biểu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V giai đoạn 2012 – 2017” tại Hà Nội.
Trước lúc tạm biệt, ông đưa tôi ra sau nhà giới thiệu với tôi hàng chục bầu đất ươm giống cây sầu riêng hạt lép, cùi thơm sẽ được trồng trong 1 ha nữa. Một ngày không xa, nó lại góp thêm cho vườn cây vốn đã rộng lại thêm mật ngọt, bởi một người như ông đã từng gặp bao khó khăn, đổ bao mồ hôi vẫn không nản chí, vẫn giữ trong mình một niềm tin để từ đó có kế hoạch và thực hiện kế hoạch sản xuất cũng như tiêu dùng thì hạnh phúc của ông có được là điều hiển nhiên.
Xin mượn câu hát trong ca khúc “Hát dưới cờ Đảng” của nhạc sỹ Văn An để làm lời kết cho bài viết về ông: “Hạnh phúc trong tay ta đang nở hoa kết trái, trọn đời lòng ta gắn bó, sắt son đi theo bóng cờ”.
Tháng 8/2018
THANH HƯƠNG