Ðạ Tẻh bứt phá sau nửa nhiệm kỳ

08:09, 11/09/2018

Sau hơn 2 năm thực hiện nghị quyết đại hội Ðảng các cấp, huyện Ðạ Tẻh đã có nhiều bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị. Theo đánh giá, các chỉ tiêu theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ VIII cơ bản đạt và vượt tiến độ, các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm đã được triển khai quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Sau hơn 2 năm thực hiện nghị quyết đại hội Ðảng các cấp, huyện Ðạ Tẻh đã có nhiều bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị. Theo đánh giá, các chỉ tiêu theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ VIII cơ bản đạt và vượt tiến độ, các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm đã được triển khai quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ.
 
Thu hoạch Nếp Quýt đặc sản tại cánh đồng xã An Nhơn. Ảnh: H.Sang
Thu hoạch Nếp Quýt đặc sản tại cánh đồng xã An Nhơn. Ảnh: H.Sang

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy Đạ Tẻh đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết về phát triển kinh tế nông nghiệp theo chiều sâu: năng suất, chất lượng, hiệu quả. Qua triển khai đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo ra nông sản chất lượng cao gắn với thị trường tiêu thụ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thu hoạch trên một đơn vị diện tích. Đến nay, huyện Đạ Tẻh đã đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất lúa cánh đồng lớn theo hướng ứng dụng công nghệ cao và xây dựng vùng sản xuất chuyên canh lúa Nếp Quýt đã được cấp thương hiệu; trong đó, Nếp Quýt sản xuất theo quy trình VietGAP có 320 ha và theo quy trình GlobalGAP có 8,6 ha. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, diện tích cây dâu phát triển mạnh trở lại với hơn 1.000 ha, tăng 600 ha so cuối năm 2015 với thu nhập đạt bình quân 200 triệu đồng/ha. Một số mô hình chuyên canh cây ăn trái như quýt, sầu riêng, bưởi da xanh... ở xã Hương Lâm, Mỹ Đức, Quảng Trị đã ứng dụng kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất cho doanh thu trên 1 tỷ đồng/ha. 
 
Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết: Phát triển nông nghiệp theo chiều sâu giúp nền nông nghiệp của huyện phát triển bền vững hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong 2 năm qua, toàn huyện đã có hơn 2.000 ha điều kém hiệu quả được chuyển sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như dâu tằm, tre tầm vông, cây ăn quả... Đặc biệt, việc sản xuất nông sản sạch, an toàn luôn được chú trọng gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các nông sản chủ yếu của huyện như lúa gạo, nếp quýt, kén tằm... đều có các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả còn cải thiện nhiều về hình thức tổ chức sản xuất với nhiều tổ hợp tác và hợp tác xã kiểu mới được hình thành. 
 
Cùng với việc triển khai phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, Đạ Tẻh còn triển khai nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Đặc biệt, huyện đã triển khai 3 khu vực sản xuất tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số tại buôn Con Ó (xã Mỹ Đức), buôn Đạ Nha (xã Quốc Oai) và buôn Tố Lan (xã An Nhơn) với diện tích 185 ha cao su và 24,4 ha tre tầm vông cho 202 hộ. Qua đó, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm bình quân 3%. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số Tây Nguyên theo chuẩn nghèo đa chiều còn 13,02%, giảm 16,37% so với cuối năm 2015. Theo ông Bùi Văn Hùng, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hơn so với chỉ tiêu nghị quyết, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhờ triển khai những dự án phát triển sản xuất từ những năm trước.
 
Bên cạnh chú trọng phát triển sản xuất, công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình xã hội dân sinh, hạ tầng giao thông cũng được chú trọng. Đây là tiền đề quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Trong 3 năm, trên địa bàn huyện đã được Nhà nước đầu tư hơn 424 tỷ đồng để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng. Từ năm 2016 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn kết hợp đã đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới được 84 km đường giao thông. Đến nay, mạng lưới đường giao thông toàn huyện được nhựa hóa, bê tông hóa và cứng hóa là 277 km/342 km, đạt trên 81%.
 
Theo ông Bùi Văn Hùng, với tốc độ phát triển như hiện nay, từ nay đến năm 2020, có khả năng nhiều chỉ tiêu sẽ vượt so với nghị quyết đề ra. Đó là, thu nhập bình quân đầu người hiện có tốc độ tăng cao hơn so với dự kiến nên sẽ vượt nhiều hơn so với mức nghị quyết đưa ra đến năm 2020 là 39 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, thu nhập trên một đơn vị diện tích hiện đã đạt 97 triệu đồng/ha/năm, gần đạt chỉ tiêu nghị quyết là 120 - 130 triệu đồng. Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới được huyện đảm bảo thực hiện đúng tiến độ. Đến cuối năm 2018, 100% số xã trên địa bàn huyện sẽ đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2019, huyện Đạ Tẻh sẽ đạt huyện nông thôn mới. Tuy nhiên, cũng theo ông Hùng, khó khăn nhất hiện nay là việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nguyên nhân là do nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gặp khó khăn trong tình hình chung của cả nước. Để đảm bảo tính bền vững và lâu dài thì còn nhiều vấn đề lớn cần quan tâm như đẩy mạnh liên kết tiêu thụ các sản phẩm chủ lực và chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, để hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thì cũng còn một số chỉ tiêu cần có những giải pháp tích cực mới đạt được, như: Thu ngân sách nhà nước, tỷ lệ người dân tham gia BHYT, BHXH, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp và một số công trình trọng điểm như đường nội thị giai đoạn 3, mở rộng khu dân cư 3A gắn với xây dựng chợ Đạ Tẻh… 
 
ÐÔNG ANH