Kiểm tra, giám sát là phương thức lãnh đạo quan trọng của các cấp ủy đảng. Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát để phát hiện những nhân tố mới, tích cực, khắc phục các mặt yếu kém, khuyết điểm, góp phần bổ sung, hoàn thiện và phát triển đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Kiểm tra, giám sát là phương thức lãnh đạo quan trọng của các cấp ủy đảng. Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát để phát hiện những nhân tố mới, tích cực, khắc phục các mặt yếu kém, khuyết điểm, góp phần bổ sung, hoàn thiện và phát triển đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 10 năm qua, trên địa bàn huyện Ðam Rông, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng, nội dung này được thực hiện chặt chẽ nhằm đảm bảo cho các nội dung được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh chính trị ở địa phương.
Ghi nhận tại Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Huyện ủy Đam Rông, ngay sau khi Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được ban hành; dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, việc tổ chức học tập, quán triệt để triển khai Nghị quyết đã được Ban Thường vụ Huyện ủy nghiêm túc thực hiện. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, UBKT các cấp và cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng. Huyện ủy Đam Rông cũng ban hành các quy định về kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên; đồng thời, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết để phù hợp với điều kiện của địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.
Theo đó, UBKT từ cấp huyện đến cơ sở đã chủ động xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa, hàng năm đều ban hành chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát và tổ chức triển khai thực hiện toàn diện gồm: kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, thực hiện giám sát thường xuyên và chuyên đề, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm tra tài chính Đảng…
Ông Trần Minh Thức - Bí thư Huyện ủy Đam Rông cho rằng: Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp đã đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát theo hướng đi vào trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tập trung kiểm tra việc thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, việc thực hiện quy chế làm việc, chức trách được giao… Các cấp ủy đã chỉ đạo đồng chí ủy viên ban thường vụ cấp ủy trực tiếp làm trưởng đoàn kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình kế hoạch đề ra.
Huyện ủy Đam Rông xác định, việc tăng cường kiểm tra, giám sát để nắm chắc tình hình thực hiện chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, củng cố đoàn kết nội bộ, ngăn ngừa vi phạm trong cán bộ, đảng viên khi tiến hành triển khai các chương trình thuộc Nghị quyết. Bởi vậy, các đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đều trực tiếp được phân công theo dõi, phụ trách các xã, chi bộ, đảng bộ trực thuộc để nắm chắc tình hình ở cơ sở. Đó là kênh nắm chắc thông tin tình hình thực hiện Nghị quyết ở địa bàn có trên 74% dân số là người DTTS và có tỷ lệ hộ nghèo gần 25% như Đam Rông.
Cùng với việc bám sát cơ sở, Ban Thường vụ Huyện ủy Đam Rông còn yêu cầu UBKT Huyện ủy thực hiện nghiêm túc việc báo cáo lên lãnh đạo huyện nội dung này trong tất cả các hội nghị giao ban, trao đổi thông tin, công tác tiếp dân… Đó là cơ sở để Ban Chấp hành Đảng bộ huyện kịp thời nắm bắt thông tin, tổng hợp, lựa chọn vấn đề để kịp thời uốn nắn, chỉnh sửa hoặc giải quyết.
Theo ông Đào Đức Oai - Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Đam Rông: Đi đôi với đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, các cấp ủy đảng đã tăng cường kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên. Cụ thể, cấp ủy và UBKT các cấp đã kiểm tra, giám sát 277 tổ chức đảng, 47 đảng viên về việc chấp hành Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy và UBKT Đảng ủy 91 cuộc. Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3 tổ chức đảng, 10 đảng viên. Cùng đó là 48 cuộc kiểm tra về việc thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại kỷ luật, 51 cuộc kiểm tra tài chính Đảng… Kết quả, đã xử lý kỷ luật 1 tổ chức đảng, 170 đảng viên.
Cũng theo Chủ nhiệm UBKT, 10 năm qua, nhìn chung công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng từng bước được đổi mới và triển khai thực hiện tương đối toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm tra.
Các cấp ủy đảng bước đầu đã kiểm tra, giám sát tổ chức đảng gắn với trách nhiệm người đứng đầu; kịp thời kiểm tra, giám sát, làm rõ những vụ việc phức tạp nổi cộm ở địa phương, đơn vị. Tham mưu, giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến tổ chức đảng, đảng viên; xem xét thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm đảm bảo đúng tính chất, mức độ, nội dung vi phạm. Không để xảy ra trường hợp khiếu nại về kỷ luật Đảng.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Hiệu quả công tác giám sát chưa cao. Nội dung kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu tổ chức đảng, đoàn thể, chính quyền còn ít. Nội dung kiểm tra chưa đi sâu vào các vấn đề được xã hội quan tâm nhiều như quản lý đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, công tác cán bộ…
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, Huyện ủy Đam Rông đã đưa ra 5 nhiệm vụ lớn để thực hiện công tác này. Trong đó, nhấn mạnh trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy. Bởi, kiểm tra, giám sát là một chức năng lãnh đạo và để nâng cao năng lực lãnh đạo nên cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa cấp ủy đảng với người đứng đầu cơ quan, đơn vị nói chung và trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát nói riêng, trên cơ sở tạo ra sự đồng thuận, gắn với trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm, vi phạm ở cơ quan, đơn vị.
N. NGÀ