Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, việc thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện Di Linh đã có nhiều khởi sắc, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn nơi đây.
Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, việc thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện Di Linh đã có nhiều khởi sắc, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn nơi đây.
|
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm mô hình trồng bắp cung cấp nguồn thức ăn cho bò sữa tại xã Đinh Lạc |
Di Linh là địa phương có địa bàn rộng, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá cao (37,6%), đời sống của người dân phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, nhất là từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 26, nhận thức của người dân đã có những chuyển biến rõ nét, tình hình sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển ổn định. Ông K’Broi - Phó Bí thư Huyện ủy Di Linh cho biết: “Trong quá trình triển khai Nghị quyết 26, mặc dù còn có những khó khăn nhất định, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền địa phương cũng như sự hưởng ứng của bà con nông dân nên đã tạo phong trào thi đua sôi nổi, có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong toàn huyện”.
Về sản xuất nông nghiệp, ngoài thực hiện chương trình tái canh, ghép cải tạo cà phê, những năm gần đây huyện Di Linh đã chú trọng phát triển kinh tế theo hướng đa dạng hóa cây trồng, trồng xen các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đến nay, trong số 41.718 ha cà phê, người dân đã trồng xen trên 1.000 ha bơ, 617 ha hồ tiêu, 1.022 ha sầu riêng và cây mắc ca 332 ha. Bên cạnh đó, còn duy trì diện tích chè, mở rộng nghề trồng dâu nuôi tằm và phát triển 25 ha các loại hoa có giá trị kinh tế.
Đơn cử, trước đây gia đình ông Trần Thanh Tịnh ở Thôn 8, xã Liên Đầm chỉ độc canh cây cà phê, nên thu nhập thấp. Từ năm 2013 đến nay, cùng với việc tái canh cây cà phê, ông Tịnh còn thực hiện mô hình trồng xen 800 trụ tiêu, 370 cây bơ và 200 gốc sầu riêng. “Năm 2017, gia đình tôi thu được 2 tấn tiêu, 13 tấn cà phê nhân và bơ đạt khoảng 700 triệu đồng. Vài năm nữa khi mô hình ổn định, gia đình tôi sẽ có mức thu nhập cao hơn”, ông Trần Thanh Tịnh tự tin.
Tương tự trồng trọt, vài năm trở lại đây, ngành chăn nuôi ở Di Linh cũng đã có bước chuyển biến tích cực từ nhỏ lẻ sang qui mô trang trại, gia trại tập trung, nhất là chăn nuôi bò thịt cao sản, bò sữa. Đến nay, tổng đàn bò thịt trên địa bàn huyện Di Linh đạt 6.221 con (tăng 2.631 con so với năm 2008); bò sữa 333 con (tăng 270 con), đạt sản lượng 2.550 lít sữa/ngày. Huyện Di Linh phấn đấu đến năm 2020, số đàn bò sữa toàn huyện sẽ phát triển lên khoảng 2.000 con.
“Người nông dân muốn có thu nhập cao thì phải phá thế độc canh cây cà phê, cần phải thực hiện mô hình đa canh, đa cây và phát triển chăn nuôi; đặc biệt là nuôi bò sữa, đó là con đường ngắn nhất đem lại sự giàu có cho bà con nông dân”, ông Đỗ Xuân Hoài ở thôn Tân Lạc 3, xã Đinh Lạc chia sẻ kinh nghiệm, hiệu quả chăn nuôi bò sữa. Với suy nghĩ và hướng đi đó, những năm qua, ngoài đầu tư trồng cỏ, xây dựng chuồng trại và các trang thiết bị phục vụ phát triển kinh tế, ông Hoài đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng 2 tỷ đồng để mua thêm 22 con bò hậu bị HF, nâng tổng số đàn bò của gia đình lên đến 40 con. Từ nuôi bò sữa, đến nay gia đình ông Đỗ Xuân Hoài đã có lợi nhuận đạt hơn 1,5 tỷ đồng/năm.
Các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ từng bước hoạt động hiệu quả. Đến nay, huyện Di Linh đã thành lập 14 tổ hợp tác (THT), 11 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Toàn huyện có 191 trang trại sản xuất nông, lâm, chăn nuôi, thủy sản với nguồn vốn hoạt động 185 tỷ đồng...
Qua 10 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết 26, tình hình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện Di Linh đã có nhiều khởi sắc; các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Theo thống kê, nếu năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện chiếm 9,47% (theo chuẩn nghèo cũ), thì đến năm 2017 đã giảm xuống còn 6,14% (chuẩn nghèo mới). Đến nay, huyện Di Linh đã có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt 16 tiêu chí, 7 xã đạt từ 11-14 tiêu chí.
Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 26, địa phương đã bộc lộ một số nguyên nhân của những tồn tại hạn chế như: Trình độ dân trí không đồng đều; nền nông nghiệp, nông thôn có điểm xuất phát thấp, sản xuất nhỏ lẻ, phân tán; nguồn vốn sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, sản xuất - kinh doanh và tiếp cận thị trường còn gặp khó khăn. Mặt khác, nhận thức của một bộ phận người dân về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn hạn chế; vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Công tác phổ biến, quán triệt Nghị quyết ở vài địa phương, đơn vị chưa sâu, nhận thức của cán bộ, người dân chưa cao; năng lực trình độ của một bộ phận cán bộ còn nhiều hạn chế…
Huyện Di Linh đang phấn đấu đẩy tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2020 - 2025 đạt 4,5%/năm; giai đoạn 2025 - 2030 đạt 5%. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đến năm 2025 đạt 180 triệu đồng/ha/năm; đến năm 2030 đạt 200 triệu đồng/ha/năm; ổn định độ che phủ rừng 55%; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn; hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng nông thôn từ 2 - 3%…
Ông K’Broi cho biết thêm: Để Nghị quyết tiếp tục đi vào cuộc sống người dân và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, bên cạnh việc tập trung lãnh chỉ đạo các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể và các cấp ủy, chính quyền địa phương; Ban Thường vụ Huyện ủy Di Linh đã đề ra những nội dung, giải pháp khắc phục tồn tại hạn chế trong thời gian tới. Đó là: Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt sâu rộng Nghị quyết 26 để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tập trung xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế, nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới; tăng cường liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua THT, HTX trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng phát huy nội lực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân. Tập trung rà soát, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới một cách bền vững và xây dựng “Khu dân cư kiểu mẫu” tại một số xã để nhân ra diện rộng. Chú trọng cải tạo cảnh quan, môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế và nâng cao hưởng thụ cho người dân vùng nông thôn trên địa bàn huyện.
LAM PHƯƠNG