Trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ VI của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII, Lâm Ðồng đã chọn 3 địa phương và 2 sở tiến hành thực hiện điểm, trong đó có Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Ðến thời điểm hiện tại, Sở này đã có những kết quả bước đầu trong lộ trình sắp xếp lại bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 và chỉ đạo của Tỉnh ủy.
Trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ VI của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII, Lâm Ðồng đã chọn 3 địa phương và 2 sở tiến hành thực hiện điểm, trong đó có Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL). Ðến thời điểm hiện tại, Sở này đã có những kết quả bước đầu trong lộ trình sắp xếp lại bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 và chỉ đạo của Tỉnh ủy.
|
Bảo tàng Lâm Đồng vừa sáp nhập với Ban Quản lý di tích Cát Tiên. Ảnh: Phan Nhân |
Ðồng thuận là điều kiện tiên quyết
Sau khi có Nghị quyết 18, 19 của Trung ương, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 48, 49 để triển khai thực hiện. Trong đó đã chỉ rõ nhiệm vụ trước mắt của Sở VHTT&DL: Cần sắp xếp lại các đơn vị có nhiệm vụ trùng lắp để thu gọn lại đầu mối và giảm biên chế quản lý; giải thể các đơn vị trung gian không cần thiết. Rà soát, đánh giá mô hình tổ chức hoạt động hiện nay của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh và Trung tâm Văn hóa tỉnh; Ban Quản lý Di tích Cát Tiên và Bảo tàng Lâm Đồng để sáp nhập. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đã có quyết định yêu cầu Sở này xây dựng đề án thu gọn tổ chức bộ máy để giảm đầu mối, biên chế, kinh phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Để việc sắp xếp bộ máy được triển khai đồng bộ, chắc chắn và mang lại hiệu quả, Sở VHTT&DL đã ban hành nghị quyết chuyên đề - bước đi đầu tiên để tập trung triển khai nhiệm vụ đúng định hướng. Nghị quyết nêu rõ 8 nhiệm vụ chính cần thực hiện theo lộ trình từ năm 2018 đến năm 2021 gồm: Công tác tuyên truyền; sắp xếp, tổ chức lại các phòng ban chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc; quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; nâng cao năng lực quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; kiện toàn và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các đoàn thể chính trị - xã hội; sắp xếp, tổ chức lại các chi bộ trực thuộc Đảng bộ. Hiện tại, 3 nhiệm vụ đầu tiên đã được tiến hành và bước đầu có kết quả.
“Đồng thuận là yếu tố tiên quyết cho việc thực hiện sắp xếp lại bộ máy theo tinh thần Nghị quyết của Đảng”- bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở VHTT&DL khẳng định. Sự đồng thuận bắt đầu từ Đảng ủy, lãnh đạo Sở đến toàn thể cán bộ, công nhân viên. Bởi theo Giám đốc Sở VHTT&DL, khi sắp xếp bộ máy sẽ có sự thay đổi về vị trí công tác nên không thể tránh khỏi việc nảy sinh tâm tư trong cán bộ. Tư tưởng không ổn định sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác trong đó có cả chất lượng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cũng như khối đoàn kết trong nội bộ. Bởi vậy, khi các cá nhân trong Đảng ủy và lãnh đạo Sở nắm kỹ và thống nhất chủ trương chung sẽ làm tốt công tác tuyên truyền định hướng. Cùng với đó là việc thường xuyên chú ý nắm bắt, lắng nghe để kịp thời làm tốt công tác tư tưởng trong toàn bộ máy. Theo đó, nội dung này được tổ chức quán triệt, học tập kỹ lưỡng. Đồng thời, đây cũng là nội dung được lồng ghép trong tất cả các đợt sinh hoạt của Đảng ủy cũng như triển khai nhiệm vụ chuyên môn của Sở nên tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.
Là một trong 5 đơn vị thí điểm thực hiện nên việc sắp xếp bộ máy của Sở VHTT&DL được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm và hỗ trợ thực hiện. Trong buổi làm việc với các sở được chọn làm điểm trong thực hiện nhiệm vụ này, để nhiệm vụ được thực hiện hiệu quả hơn, bên cạnh việc cần làm tốt công tác tư tưởng, kịp thời giải đáp thắc mắc của cán bộ, tránh để xảy ra tâm tư, mâu thuẫn; UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến còn đề nghị các sở cần công khai, dân chủ, minh bạch trong việc sắp xếp bộ máy. Trong quá trình sắp xếp, bố trí cán bộ lãnh đạo phải hợp lý dựa trên năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức và khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong thực hiện chính sách cán bộ, cần hướng tới việc đảm bảo quyền lợi cao nhất cho cán bộ theo đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Kết quả bước đầu
Để tiến hành việc sắp xếp, tinh gọn, nhằm tạo ra bộ máy hoạt động hiệu quả, lãnh đạo Sở đã khảo sát, nghiên cứu và xây dựng 3 đề án trình UBND tỉnh phê duyệt gồm: đề án sáp nhập một số phòng chuyên môn và 2 đề án thành lập Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng, Bảo tàng Lâm Đồng trên cơ sở sáp nhập các đơn vị có nhiệm vụ tương đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyên: “Căn cứ hiện trạng biên chế và chức năng, nhiệm vụ của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ hiện nay của Sở, việc sáp nhập một số phòng chuyên môn, nghiệp vụ là cần thiết, nhằm giảm đầu mối và thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, du lịch và di sản; thống nhất trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch công tác, quản lý tài chính, đầu tư phát triển ngành văn hóa, thể thao, du lịch, nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tham mưu. Tinh giản bộ máy quản lý của các phòng chuyên môn, sử dụng tối ưu nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các phòng chuyên môn”.
Theo đó, Sở VHTT&DL đã tiến hành sáp nhập Văn phòng - Tổ chức và Phòng Kế hoạch -Tài chính thành văn phòng với 14 biên chế; sáp nhập Phòng Quản lý Văn hóa và Phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa và Gia đình thành Phòng Quản lý Văn hóa với 11 biên chế, gồm: Trưởng phòng, 2 phó trưởng phòng và 8 chuyên viên; sáp nhập Phòng Quản lý Du lịch và Phòng Quản lý Di sản Văn hóa thành phòng Quản lý Du lịch với 12 biên chế.
Phương án xử lý đối với nhân sự dôi dư theo cơ cấu tổ chức và vị trí việc làm được Sở này thực hiện theo việc giải quyết chế độ chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 108 về chính sách tinh giản biên chế cho các trường hợp nếu có nguyện vọng nghỉ hoặc sắp xếp theo quy định và hưởng phụ cấp cho đến thời điểm nghỉ hưu. Không giải quyết các trường hợp xin thôi việc.
Về 2 đề án chi tiết cho việc sáp nhập Ban Quản lý di tích Cát Tiên vào Bảo tàng Lâm Đồng thành Bảo tàng Lâm Đồng; sáp nhập Trung tâm Văn hóa tỉnh và Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc tỉnh thành Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Lâm Đồng được Sở VHTT&DL tiến hành nhằm hướng tới mục tiêu: xây dựng, củng cố, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy của các đơn vị tương đồng về chức năng, nhiệm vụ, nhằm đổi mới căn bản và đồng bộ tổ chức bộ máy, bảo đảm tinh gọn, hợp lý, nâng cao năng lực tự chủ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Để tránh tâm tư xáo trộn trong cán bộ cũng như thể hiện sự quyết tâm của Đảng ủy, lãnh đạo Sở trong thực hiện Nghị quyết; các đề án được xây dựng kỹ lưỡng, khẩn trương để trình UBND tỉnh phê duyệt. Và, nhằm tránh sự xáo trộn ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn sau sắp xếp nên từ tên gọi, vị trí - chức năng, nhiệm vụ - quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế đã được xác định rõ trong 2 đề án.
Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, việc sáp nhập 4 đơn vị trên đã được công bố vào cuối tháng 8 sau 3 tháng tiến hành các bước chuẩn bị. Thời gian này đảm bảo yêu cầu của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Kết quả sáp nhập Ban Quản lý di tích Cát Tiên vào Bảo tàng Lâm Đồng, từ 2 ban giám đốc và 6 phòng chuyên môn giảm còn 1 ban giám đốc (1 trưởng, 2 phó) và 4 phòng chuyên môn. Tiết kiệm nhân lực cho công tác hành chính, ưu tiên biên chế cho công tác chuyên môn. Tương tự, việc sáp nhập Trung tâm Văn hóa tỉnh và Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc tỉnh, tiết kiệm được từ các yếu tố cơ sở hạ tầng dùng chung, các trang thiết bị chuyên ngành, nơi làm việc cho các bộ phận. Từ 2 ban giám đốc và 10 phòng, đội chuyên môn giảm còn 1 ban giám đốc và 5 phòng, đội chuyên môn. “Như vậy, các nguồn lực về chuyên môn được tập trung hơn, thuận lợi hơn trong việc quyết định và điều phối nhân lực để giải quyết các nhiệm vụ chuyên môn theo kế hoạch hàng năm và công việc đột xuất phục vụ nhiệm vụ của ngành và tỉnh giao” - bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở VHTT&DL khẳng định.
Nhiệm vụ tiếp theo đặt ra sau sáp nhập là đưa bộ máy mới đi vào guồng hoạt động, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đặt ra. Đồng thời, hoàn thiện đề án vị trí việc làm để ổn định tư tưởng cũng như đặt ra trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể đối với từng cá nhân, góp phần tạo nên bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
N. NGÀ